Đọc báo in
Tải ứng dụng
Quốc hội họp về sửa đổi, bổ sung 2 Dự án Luật
2010-11-12 02:17:00

 Chiều 12.11, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghe trình bày Tờ trình và  Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Chiều 12.11, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghe trình bày Tờ trình và  Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Theo Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) xin ý kiến Quốc hội bổ sung một số nguyên tắc bảo đảm quyền tranh luận; thẩm quyền của Toà án đối với quyết định của cơ quan, tổ chức khác; phương thức hoà giải và trình tự hoà giải; việc hỏi tại phiên toà; thẩm quyền của Toà án đối với những tranh chấp lao động mà các bên đã hoà giải thành nhưng không thực hiện; sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng dân sự; hình thức văn bản đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm và xuất trình tài liệu kèm theo.

Bên cạnh đó, để tránh sự quy định chồng chéo, Dự thảo Luật đề nghị bãi bỏ các điều 376, 377, 378, 379, 383 BLTTDS vì đã được quy định tại Điều 2, Điều 4, Điều 7, Điều 11, Điều 12, Điều 30 Luật Thi hành án dân sự. Ngoài ra, Dự thảo Luật bãi bỏ Điều 159 quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu. Ban soạn thảo xin được giải trình lý do của việc bãi bỏ Điều 159 BLTTDS tại điểm 3 Mục VII của Tờ trình này.

Tờ trình Chính phủ cũng xin ý kiến Quốc hội về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự.Hội đồng định giá. Thời hiệu giải quyết vụ việc dân sự; Về vấn đề buộc thực hiện biện pháp bảo đảm khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Quy định thẩm quyền Toà án giải quyết việc công nhận sự thỏa thuận về quyền, lợi ích hợp pháp phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự.Trường hợp bản án, quyết định hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì mới phát hiện có sai lầm. Xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao khi có căn cứ giám đốc thẩm, tái thẩm.

Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật này, Uỷ ban Tư pháp cơ bản tán thành với những quan điểm chỉ đạo và phạm vi sửa đổi của dự án Luật được nêu trong Tờ trình của Toà án Nhân dân tối cao.

Cho ý kiến về một số vấn đề của Dự thảo Luật còn có ý kiến khác nhau, về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Đa số ý kiến của Uỷ ban Tư pháp cho rằng cần phân biệt hai loại phiên toà, phiên họp là phiên toà, phiên họp sơ thẩm và phiên toà, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm nếu dự thảo Luật quy định tại phiên toà, phiên họp sơ thẩm Kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ việc dân sự là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát. Quy định như vậy vừa bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát trong tố tụng dân sự, vừa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự phù hợp với từng giai đoạn tố tụng.

Về Hội đồng định giá (khoản 3 Điều 92). Đa số ý kiến của Uỷ ban Tư pháp đồng ý với quy định của dự thảo Luật về Hội đồng định giá do Toà án thành lập gồm Chủ tịch Hội đồng định giá là đại diện cơ quan tài chính và thành viên là đại diện các cơ quan chuyên môn có liên quan. Ý kiến này cho rằng, quy định như dự thảo Luật sẽ bảo đảm tính khách quan trong quá trình giải quyết vụ án, đồng thời cũng bảo đảm được sự phù hợp về chuyên môn của Chủ tịch Hội đồng định giá.

Về thời hiệu giải quyết vụ việc dân sự (Điều 159), theo Tờ trình có ba quan điểm khác nhau. Uỷ ban Tư pháp cũng nhận thấy có một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi các quy định về thời hiệu đối với một số quan hệ pháp luật. Vì vậy, Uỷ ban Tư pháp đề nghị chưa đặt vấn đề bỏ các quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu của BLTTDS trong lần sửa đổi này mà cần tiếp tục nghiên cứu chuẩn bị cho việc sửa đổi toàn diện BLTTDS và BLDS khi có điều kiện.

Bên cạnh đó, Uỷ ban Tư pháp cũng cho ý kiến về vấn đề buộc thực hiện biện pháp bảo đảm khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Khoản 1 Điều 120). Quy định thẩm quyền Toà án giải quyết việc công nhận sự thỏa thuận về quyền, lợi ích hợp pháp phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự (Điều 26); Trường hợp bản án, quyết định hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm mới phát hiện có sai sót (Điều 284 và Điều 288); Xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao (Điều 295a , 295b, 309a và Điều 309b).

Hợp tác xã có quyền cạnh tranh bình đẳng

Cũng trong phiên họp chiều nay, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) bao gồm 9 chương, 85 Điều; bỏ 1 chương về khen thưởng và xử lý vi phạm trong  Luật Hợp tác xã năm 2003. Dự thảo Luật  lần này có những nội dung mới như: Quy định rõ hơn về bản chất Hợp tác xã, bảo đảm của Nhà nước với Hợp tác xã; Đơn giản hoá thủ tục hành chính thành lập Hợp tác xã và sửa đổi, bổ sung một số quy định về tổ chức quản lý hợp tác xã như chuyển nhượng, thanh lý, cơ cấu tổ chức. Bổ sung quy định về trả vốn góp, thay giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, xác định rõ địa vị pháp lý của tổ chức  đại diện Hợp tác xã...

Tờ trình cũng xin ý kiến về những vấn đề còn khác nhau như: Quy định liên quan đến bản chất tổ chức Hợp tác xã; Hợp tác xã được thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phần; Tài sản Hợp tác xã; Kiểm toán Hợp tác xã.

Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật này, đa số ý kiến trong Uỷ ban Kinh tế tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành Luật hợp tác xã (sửa đổi). Uỷ ban Kinh tế thấy rằng thực trạng khu vực Hợp tác xã hiện nay phát triển chưa thực sự vững chắc, còn gặp nhiều khó khăn. Luật Hợp tác xã năm 2003 mặc dù về cơ bản đã thể chế hoá và phù hợp với các yêu cầu, quan điểm phát triển kinh tế tập thể theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá IX) nhưng vẫn còn một số hạn chế. Việc sửa đổi Luật Hợp tác xã sẽ bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước về Hợp tác xã có hiệu quả; hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hợp tác xã phát triển lành mạnh, bền vững đúng với bản chất và mục đích thành lập, từ đó đóng góp tốt hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về mặt nội dung, Uỷ ban Kinh tế nhận thấy dự thảo Luật trình lần này có nhiều nội dung được quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Tuy nhiên, dự thảo Luật nhìn chung vẫn chưa giải quyết triệt để một số bất cập hiện đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của khu vực hợp tác xã. Cụ thể, các quy định của dự thảo Luật vẫn chưa làm rõ được hai vấn đề có tính căn bản đặt ra hiện nay của các hợp tác xã: Làm rõ và khẳng định được bản chất, tính đặc thù của hợp tác xã trong tương quan với các loại hình doanh nghiệp khác; Chính sách, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phù hợp và chế tài xử lý các hành vi vi phạm, tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển nhưng không sai lệch bản chất. Nhiều quy định trong dự thảo Luật còn rất chung chung, khó áp dụng, một số quy định chưa dựa trên việc xem xét, cân nhắc kỹ tình hình thực tế và điều kiện cụ thể của các hợp tác xã đang tồn tại, dẫn đến nếu áp dụng sẽ lại gây ra những khó khăn cho sự phát triển khu vực hợp tác xã.

(Theo VOV)

Từ khóa:
Tin liên quan