Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quốc hội kết thúc đợt họp trực tuyến Kỳ họp thứ 9, khóa XIV
Thứ sáu: 16:43 ngày 29/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày thứ năm (28.5) đã diễn ra ngày họp cuối trong chương trình họp trực tuyến của Quốc hội thứ 9, khóa XIV.

Quốc hội đã nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến trình bày Báo cáo thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Quang cảnh buổi họp tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.

Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Áp dụng kiểm toán không thể áp dụng theo kiểm toán công toàn bộ và cũng không thể để một cơ chế tư toàn bộ

Về lĩnh vực đầu tư quy mô và phân loại dự án PPP tại Điều 4 tại điểm b khoản 1, đa số các đại biểu chọn Phương án 1 gồm lưới điện, nhà máy điện trừ nhà máy thủy điện với lý do phù hợp với Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Hiện nay, việc đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện đang làm ảnh hưởng nhiều đến tài nguyên và mức độ an toàn của hồ đập. Đến nay đã có nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia mà không cần phải đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nên không cần thiết đưa nhà máy thủy điện vào lĩnh vực đầu tư PPP.

Vấn đề nhiều đại biểu quan tâm, tranh luận là về hoạt động kiểm toán nhà nước trong đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đa số ý kiến đại biểu cho rằng bản chất của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP là hoạt động đầu tư của nhà nước để thu hút nguồn lực đầu tư, huy động vốn tư nhân đầu tư công trình công chứ không phải là đầu tư công trình tư nhân và nhà nước thực hiện đầu tư qua hợp đồng PPP với nhà đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) phân tích thêm: nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư, thay vào đó nhà nước cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai dự án được thu phí về mức thu và thời hạn thu do nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất.

Do đó nếu không kiểm toán chi phí đầu tư, không kiểm toán phương án tài chính của dự án công, không kiểm toán toàn diện dự án PPP thì không thể xác định được mức thu phí, thời gian thu phí và cũng không thể xác định được chính xác giá đất được sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư. Vì vậy, đại biểu đề nghị phải bổ sung kiểm toán toàn diện đầu dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) tranh luận với các đại biểu về vai trò của kiểm toán trong hoạt động kiểm toán theo phương thức PPP. Đại biểu cho rằng làm luật PPP thực chất là hợp tác công tư chứ không phải Luật Đầu tư công, bởi trong quá trình bắt đầu triển khai dự án, đến lúc kết thúc quá trình vận hành, bàn giao tới nhà nước thì có cả vốn đầu tư công và vốn tư nhân. Chỉ khi nào nhà đầu tư hết quá trình vận hành, bàn giao cho nhà nước thì đấy mới là tài sản công 100%.

Vì vậy, đại biểu cho rằng nếu đặt vấn đề kiểm toán một cách toàn diện thì không hợp lý. Bởi vì có những dự án, nhà đầu tư chỉ yêu cầu nhà nước hỗ trợ phần giao đất, hỗ trợ mặt bằng, đền bù thì trong phần đấy kiểm toán hoàn toàn là tài sản công. Còn toàn bộ phần vốn của nhà đầu tư đầu tư vào thì mình chỉ kiểm soát sản phẩm chất lượng đầu ra.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng dự án PPP là một dự án mang tính chất đặc thù, cơ chế đặc thù và bản thân của nó là công tư cũng thể hiện tên này rồi. Nó không hẳn là công, không hẳn là tư cho nên việc áp dụng kiểm toán không thể áp dụng theo kiểm toán công toàn bộ và cũng không thể để một cơ chế tư toàn bộ. Kiểm toán thì vừa bảo đảm nguyên tắc phù hợp về Hiến pháp, về luật và đặc biệt phải bảo đảm không gây phiền hà, phức tạp.

Do vấn đề còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cân nhắc và xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội bằng phiếu xin ý kiến thông qua hệ thống điện tử.

Vấn đề chia sẻ doanh thu tại Điều 82, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (TP.Hà Nội) cho rằng khi doanh thu tăng thì chia 50%-50% đối với nhà nước và nhà đầu tư thì đại biểu đồng ý; nhưng khi doanh thu giảm, dự thảo và một số đại biểu Quốc hội phát biểu là cũng chấp nhận hoàn toàn 50%-50% thì đại biểu Bình thấy hoàn toàn không đúng.

Theo đại biểu, khi doanh thu giảm sẽ có 2 lý do, thứ nhất là lỗi do điều chỉnh quy hoạch và chính sách, điều này chia sẻ 50%-50% là hoàn toàn hợp lý. Nhưng khi quy hoạch không có thay đổi, chính sách cũng không thay đổi mà doanh thu vẫn giảm thì phải xác định rõ lỗi thuộc nhà đầu tư và của nhà nước là bao nhiêu phần trăm một cách khách quan, để đàm phán và quy ra tỷ lệ. Đại biểu đề nghị Chính phủ hướng dẫn chi tiết và cụ thể trong những trường hợp như thế này.

Về giám sát cộng đồng, Điều 91 dự thảo luật quy định giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng, đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) băn khăn với quy định này bởi nội dung cũng còn khá sơ lược, trong khi đó thì dự án PPP là một dự án rất quan trọng, đi qua nhiều khu dân cư, nhiều địa bàn và vận hành công trình cũng có thể là kéo dài nhiều năm ở trên địa bàn, cần được tập trung giám sát cộng đồng để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các đại biểu còn quan tâm thảo luận các nội dung về phạm vi điều chỉnh của dự án luật; về quy mô, lĩnh vực đầu tư của dự án PPP; về tỷ lệ tham gia góp vốn của nhà nước; về hợp đồng xây dựng chuyển giao BT; về lựa chọn nhà đầu tư; về đấu thầu; về ưu đãi và đảm bảo đầu tư…

Không nên quy định sương mù là loại hình thiên tai

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Quốc hội tiếp tục nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang) đề nghị không nên gộp chung việc xem xét điều chỉnh Luật Đê điều trong cùng một nội dung của Luật Phòng, chống thiên tai. Bởi Luật Đê điều năm 2007 tới nay cũng được gần 13 năm áp dụng, nhiều quy định của Luật đã không còn phù hợp, số lượng điều luật của Luật Đê điều được xem xét trong dự thảo còn ít và chưa tổng quan. Do đó, đại biểu đề nghị tách riêng nội dung của Luật Đê điều để nghiên cứu, sửa đổi và lấy ý kiến, như vậy mới đảm bảo tính toàn diện và thống nhất trong công tác xây dựng.

Về việc quy định sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) nhận thấy quy định này là chưa đầy đủ, với lý do: Trong mùa khô năm 2015-2016 hiện tượng sạt lở, sụt lún đất diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng tại các vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau và hiện tượng này còn diễn biến phức tạp hơn trong mùa khô năm 2019-2020, đại biểu đề nghị Quốc hội bổ sung quy định sạt lở, sụt lún đất ngoài do mưa lũ hoặc dòng chảy thì cần ghi thêm nguyên nhân sạt lở, sụt lún đất do hạn hán.

Tại khoản 1 Điều 10 về việc thành lập cơ quan quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề nghị cho phép thành lập cơ quan quản lý phòng, chống thiên tai cấp huyện, ngoài cấp Trung ương do Bộ NN&PTNT chủ trì và cấp tỉnh do UBND tỉnh.

Đại biểu cho rằng bộ phận này có thể là kiêm nhiệm, không bổ sung biên chế, cũng không cần thiết phải thành lập văn phòng riêng. Bởi vì, việc xây dựng kế hoạch thu, đóng góp, nộp sử dụng quỹ phòng, chống thiên tai cơ bản được diễn ra ở cấp huyện. Cấp huyện trong thực tế hiện nay thì còn quản lý 20% nguồn quỹ này. Chính vì vậy, cấp huyện cũng cần phải có một cơ quan quản lý và sử dụng. Đây là nguồn quỹ ngoài ngân sách.

Về việc đưa sương mù vào trong loại hình thiên tai, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nhận định đây là điều mà cử tri miền núi cũng rất băn khoăn. Bởi vì, theo quy định thì sương mù là loại hình sương mù bình thường của thời tiết ở miền núi. Đối với miền núi thì các vùng miền núi, vùng cao người dân sống quen với loại hình này rồi và nó không phải hiện tượng bất thường, Quy định như vậy thì có thể là không phù hợp với một số vùng.

Về thẩm quyền huy động quyên góp, phân bổ nguồn lực hỗ trợ, cứu trợ tại khoản 19 Điều 1. Tại điểm c quy định là “Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vận động quyên góp và tiếp nhận nguồn lực để cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ trung hạn”. Các đại biểu cho rằng quy định như này rất rộng sẽ dẫn đến tình trạng mọi nơi, mọi chỗ đều vận động quyên góp, đề nghị cần có quy định chặt chẽ, phù hợp trên cơ sở phân loại.

Ngoài ra, các đại biểu còn quan tâm thảo luận về bổ sung thêm một số loại hình thiên; về nguồn nhân lực, tài chính cho phòng, chống thiên tai; Quỹ phòng, chống thiên tai các cấp và thẩm quyền vận động quyên góp, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; về hợp tác quốc tế; điều tra cơ bản và kế hoạch trong phòng, chống thiên tai; về đầu tư nước ngọt ở các vùng đang khó khăn; vấn đề xây hồ đập; đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai đối việc vận hành và sử dụng các công trình; trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp và việc quy định bộ phận chuyên trách về phòng, chống thiên tai ở cấp tỉnh…

Đến nay, Quốc hội đã kết thúc đợt họp thứ 1 (trực tuyến), ngày 8.6.2020, Quốc hội tiến hành họp đợt 2 tập trung tại Hội trường Diên Hồng (Hà Nội).

Kim Chi

Tin cùng chuyên mục