Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quốc hội kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Chủ nhật: 13:46 ngày 19/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 18.11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, kết thúc 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

* Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn

Trước đó, sáng 18.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. 

Trong phiên chất vấn, có 41 đại biểu Quốc hội đăng ký, trong đó 30 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 9 đại biểu tranh luận đối với Chánh án.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn- Ảnh quochoi.vn

Các nội dung chất vấn tập trung vào giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính, đánh bạc, các vụ án tham nhũng; việc xử lý các vụ án xét xử nhiều lần, các vụ án oan sai, án treo; nguyên nhân kéo dài thời gian xử lý một số vụ án và giải pháp khắc phục; các bản án đã có hiệu lực nhưng có kháng nghị; giải pháp để bảo đảm các bản án được công khai nhưng vẫn bảo đảm bí mật cho những người có liên quan; nâng cao chất lượng xử lý các đơn thư giải quyết giám đốc thẩm, tái thẩm; bản án sơ thẩm ko bị kháng cáo, kháng nghị; thực trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung trong hình sự hay hủy án trong dân sự;

Quyền khởi kiện của công đoàn đối với các doanh nghiệp; việc tiếp nhận, thụ lý, xử lý các vụ khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp; về việc xây dựng bản án lệ, cơ sở xây dựng và phát triển án lệ, hiệu quả của việc áp dụng án lệ; việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Toà án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; giải pháp đột phá của ngành trong việc tinh giảm biên chế nhưng vẫn đảm bảo tiến độ chất lượng xét xử; cơ sở hạ tầng của các tòa án cấp cơ sở...

Trong quá trình chất vấn, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an đã tham gia giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Kết thúc phần trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: trong thời gian qua công tác tư pháp nói chung, công tác của ngành Tòa án nói riêng luôn dành được sự quan tâm của Quốc hội cũng như cử tri cả nước. Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết về lĩnh vực này.

Trong phiên chất vấn, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình nắm chắc tình hình và thực trạng, trả lời thẳng thắn, cụ thể và khá rõ ràng, không né tránh và làm rõ các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu.

Qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy công tác xét xử của tòa án đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng của đội ngũ cán bộ ngành được nâng lên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế xuất phát từ yếu tố khách quan và chủ quan, đòi hỏi ngành Tòa án cần phải nỗ lực quyết liệt hơn nữa để có những chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chánh án và các bộ ngành có liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến các nội dung đã được chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nhất mạnh ngành cần tập trung vào một số vấn đề:

Khẩn trương chủ động triển khai thi hành các bộ luật, luật, nghị quyết về tư pháp, trong đó có Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018 và kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành để đảm bảo kịp thời quy định mới sớm được thực thi đầy đủ và được áp dụng thống nhất.

Tuân thủ nghiêm nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng công khai tại tòa. Có giải pháp nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, nâng cao chất lượng bản án, quyết định của tòa án và hạn chế tối đa các bản án, các quyết định bị hủy, bị sửa do vi phạm quy định của pháp luật.

Vụ án, vụ việc phải xử đi xử lại nhiều lần, phải phấn đấu để không xảy ra việc kết án oan sai, người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Khắc phục triệt để việc án tuyên không rõ ràng và chấm dứt sớm việc trả hồ sơ điều tra bổ sung không đúng quy định.

Cơ bản khắc phục tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó lại phải kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Có các biện pháp cụ thể, căn cơ tập trung xử lý giải quyết những đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tránh việc biến xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thành một cấp xét xử.

Đẩy nhanh tiến độ và chất lượng giải quyết các vụ án, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng lớn, trọng điểm, các vụ án được dư luận, cử tri cả nước quan tâm, đảm bảo thấu tình đạt lý, nghiêm minh, đúng pháp luật. Phấn đấu đạt yêu cầu của Quốc hội về công tác xét xử các vụ án hành chính, tuân thủ quy định của Luật Tố tụng hành chính về đối tượng tham gia phiên toà.

Tiếp tục kiện toàn làm tốt công tác đào tạo, quy hoạch, tuyển chọn, bổ nhiệm, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, năng lực, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TAND các cấp…

Đại biểu Quốc hội quan tâm các giải pháp nhằm phát triển ổn định nền kinh tế

Buổi chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào chiều 18.11- Ảnh quochoi.vn

Đã có 48 đại biểu đăng ký, trong đó 23 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 4 đại biểu tranh luận với Thủ tướng về các nội dung: tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế và giải pháp đẩy mạnh nâng cao chất lượng tăng trưởng; vấn đề cổ phần hóa, phát triển doanh nghiệp; vai trò và sự đóng góp của kinh tế tư nhân; cải thiện môi trường kinh doanh; thực trạng của doanh nghiệp FDI trong thời gian qua và giải pháp trong thời gian tới; sự chênh lệch giàu nghèo và giải pháp khắc phục; các vấn đề an sinh xã hội; Hiệp định CPTTP và hội nhập quốc tế của Việt Nam; giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế;

Vấn đề quản lý nợ công, vay nợ nước ngoài; dự án BOT và chủ trương của Chính phủ đối với các dự án BOT trong thời gian tới, trong đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn; công tác điều hành của Chính phủ, xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ điện tử; tăng cường tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đô thị thông minh và biện pháp hỗ trợ phát triển đô thị thông minh; sự lạm dụng quyền lực và các vụ án tham nhũng; vấn đề kỷ luật công vụ; tăng cường hiệu lực của chính quyền cơ sở; nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các giải pháp đột phá; giải cứu nông sản và các giải pháp căn cơ để khắc phục giữa giá bán và giá mua; phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long; phát triển du lịch, đầu tư cho văn hóa; nạn phá rừng, kết quả của lệnh đóng cửa rừng, giải pháp giữ và phát triển rừng hiệu quả,...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng trưởng khá trong thời gian dài, bình quân năm 2011-2015 đạt 6,07% cũng là một tiến bộ, nhất là những năm gần đây chúng ta đạt 6,7%.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong cơ cấu kinh tế Việt Nam chủ yếu tăng trưởng cơ cấu rất tích cực, giảm tỷ lệ nông nghiệp, tăng công nghiệp dịch vụ. Điều đáng mừng nhất là năng suất lao động của Việt Nam có tăng lên - đây chính là chất lượng của tăng trưởng, là yếu tố quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ làm rõ, năng suất lao động năm 2016 tăng 5,29%, năm 2017 tăng 5,87%; năng suất nhân tố tổng hợp TFP 2016 là 40,68%, năm 2017 đạt 44,13%. Hệ số ICO cũng giảm năm 2016 là 6,41% và năm 2017 là 6,27%.

Về giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho biết, tiếp tục tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn nữa không phải nhóm đầu ASEAN mà hướng tới OECD bình đẳng, công bằng, minh bạch, ít chi phí, hướng tới nền kinh tế số. Đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi cơ cấu bền vững, đặc biệt là đào tạo lao động, ứng dụng công nghệ, tiếp cận thị trường lớn.

Ngoài ra, đối với Việt Nam thì vấn đề tăng cường kỷ luật, kỷ cương và chống ô nhiễm môi trường rất quan trọng, vấn đề ứng dụng công nghệ, nhất là nền kinh tế số đang đặt ra rất lớn ở Việt Nam để nâng cao chất lượng tăng trưởng...

Kết thúc phiên chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ, còn 25 đại biểu chưa kịp chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu gửi câu hỏi để Thủ tướng trả lời bằng văn bản.

Quốc hội hoàn thành các nội dung phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4

Phát biểu kết thúc 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 Bộ trưởng, trưởng ngành và Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định các phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi và xây dựng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4- Ảnh quochoi.vn

Tại kỳ họp này, Quốc hội dành 3 ngày (từ 16-18.11) để tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Nội dung được Quốc hội lựa chọn chất vấn liên quan đến 4 lĩnh vực, tài chính, ngân hàng, thông tin và truyền thông, tòa án.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tham gia giải trình và báo cáo làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ báo cáo một số vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và đã trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội thể hiện tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề, đặc biệt là tích cực tham gia tranh luận, không chỉ tranh luận giữa các đại biểu với nhau mà còn tranh luận với các thành viên trả lời chất vấn để làm rõ thêm nội dung của vấn đề nêu ra.

Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, người đứng đầu ngành Tòa án đã nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, nghiêm túc trả lời đầy đủ, giải trình rõ nhiều vấn đề đại biểu đã nêu và thẳng thắn làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm, phạm vi của mình phụ trách.

Cam kết tập trung chỉ đạo, khắc phục những tồn tại, hạn chế nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và quyết tâm tạo ra sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Tuy nhiên, còn có những vấn đề, những nội dung liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực cần phải có thời gian nghiên cứu để có giải pháp mang tính căn cơ dài hạn. Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, của Chánh án TAND tối cao trong việc trả lời chất vấn, trong chỉ đạo điều hành khắc phục những hạn chế yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để ổn định và thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo công bằng xã hội.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chuẩn bị dự thảo nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp thứ tư để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở cho việc giám sát triển khai thực hiện…

Thứ hai (20.11.2017), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và thảo luận về dự án Luật Đo đạc và bản đồ (sửa đổi).

Kim Chi

Tin cùng chuyên mục