BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quốc hội không phải nơi đánh bóng hình ảnh cá nhân

Cập nhật ngày: 18/03/2021 - 09:42

BTN - Ðến nay, vừa tròn 5 năm, thực tế chứng minh rằng, vẫn có trường hợp có mục đích đánh bóng cá nhân hoặc coi cuộc bầu cử như một cơ hội để phá rối. Khi mục đích đó không thành hiện thực, con người thật của họ ngày càng bộc lộ theo cách không hề che giấu.

Theo luật định, vào ngày 23.5 tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Theo Luật Tổ chức Quốc hội, mọi công dân từ 21 tuổi trở lên, nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định (cụ thể) của pháp luật đều được quyền ứng cử vào cơ quan lập pháp tối cao của đất nước.

Quy định như trên được nhìn nhận là hết sức thông thoáng, dân chủ và không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào. Vin vào những quy định này, một số người tự nhận mình là “nhà dân chủ”, “nhân vật cấp tiến” làm hồ sơ tự ứng cử vào Quốc hội.

"Hiện nguyên hình"

Trước khi bàn về kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV được tổ chức vào hạ tuần tháng 5 năm nay, cần nhìn lại một số nhân vật tự ra ứng cử vào Quốc hội những khoá trước, gần đây nhất là khoá XIV. Những người đó là ai, vì sao họ tự ứng cử, khi không đạt được mục đích, họ đã thể hiện mình là người như thế nào?

Nhân vật đầu tiên cần được “điểm danh” là một người trong giới nghệ sĩ. Trong thời gian chuẩn bị cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV, người này tuyên bố tự ứng cử. Ðể cử tri biết tên tuổi, chức danh, nghề nghiệp... người này, bằng một cách nào đó, xuất hiện dày đặc trên nhiều tờ báo chính thống.

Tại thời điểm đó, một phóng viên nêu câu hỏi: “Anh nghĩ khả năng được vào Quốc hội của anh là mấy phần”? Vị nghệ sĩ trả lời: “À, cái này phải nói rõ nhé, việc tôi tự ứng cử là thể hiện sự tự tin, dân chủ, nó khác với việc phải được gì mới vào nhé.

Ðây cũng giống như đi thi thôi, được thì vui, không được cũng vui. Ai có tâm, có hiểu biết thì ra ứng cử chứ có phải đóng thuế đâu mà không dám thể hiện. Như sau vụ này, chắc chắn là cát-xê của tôi sẽ tăng cao đấy. Cứ chờ đó mà xem. Ðã có bầu sô đang mời tôi diễn rồi, còn nói là đắt mấy cũng phải mời bằng được, dù để xem dân tình người ta chửi như thế nào...”.

Câu trả lời của “ứng cử viên tự ứng cử” vừa nêu, cho thấy hai điều. Một, mục đích tự ứng cử vào Quốc hội, như chính người này nói, không lấy gì làm nghiêm túc, vì “được cũng vui không được cũng vui”. Hai, vì là một diễn viên, nghệ sĩ, anh ta cần tên tuổi để cải thiện thu nhập.

Ðể câu trả lời thô thiển đó xuất hiện trên truyền thông chính thống, không ai khác, là do sự thiếu mẫn cảm, thiếu nhạy cảm chính trị của một số người làm báo. Sau khi xuất hiện một cách ồn ào rồi đến các vòng bầu cử theo quy định, anh ta không có tên trong danh sách ứng cử viên.

Nhiều nhân vật “dân chủ”, “cấp tiến” tỏ vẻ nuối tiếc, sau đó, như thường thấy, lại đổ vấy mọi chuyện cho chính quyền. Nhưng “không ai bôi nhọ được đít nồi”. Sau kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội hồi 2016, “theo lộ trình và bước đi phù hợp”, người này dần bộc lộ rõ bản chất bất hảo.

Năm 2019, chính người này sử dụng kỹ thuật photoshop để chế một tấm ảnh về ông Phùng Xuân Nhạ- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Trong bức ảnh, người này so sánh ông bộ trưởng với một “côn đồ mạng” có tên Khá Bảnh (đang ở tù). Ðây rõ ràng là một sự xúc phạm hết sức nặng nề và có dấu hiệu làm nhục người khác, bất kể người đó là ai.

Ðiều 155 của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định cụ thể về tội làm nhục người khác: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm....”. Nếu hành vi xúc phạm, làm nhục người khác dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, theo điều luật vừa nêu, có thể phải ngồi tù 5 năm.

Ðến nay, vừa tròn 5 năm, thực tế chứng minh rằng, vẫn có trường hợp có mục đích đánh bóng cá nhân hoặc coi cuộc bầu cử như một cơ hội để phá rối. Khi mục đích đó không thành hiện thực, con người thật của họ ngày càng bộc lộ theo cách không hề che giấu.

Hẳn nhiều người chưa quên, câu chuyện một thầy giáo đột nhiên trở thành người hùng vì chống gian lận trong thi cử. Ðược dư luận chú ý, báo chí lăng xê hết lời, từ một giáo viên ngay thẳng, chính trực, ông ta ảo tưởng quá mức vào cá nhân mình. Có lần ông tự ứng cử đại biểu Quốc hội, nhưng... rớt. Cũng từ đó đến nay, người giáo viên này không ngừng thể hiện sự hằn học với cuộc đời, với chế độ, nhìn vào đâu cũng thấy một màu đen.

Câu chuyện về một tiến sĩ về công nghệ thông tin cũng tương tự như người giáo viên kia. Phải thừa nhận trình độ của người này cao, được đào tạo bài bản tại châu Âu và trong quá khứ chưa xa, từng giữ những cương vị nhất định trong hệ thống. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, ông bỏ việc Nhà nước, đó là quyền, là việc riêng của cá nhân ông.

Nhưng cũng từ đó, người này dấn thân theo con đường “dân chủ”. Cách nay chưa lâu, khi một quốc gia chuyển giao quyền lực từ thể chế quân sự sang dân sự, người này cầm một tờ giấy, trong đó có hàng chữ “tôi thách Việt Nam làm được như M”.

Tại thời điểm đó, đem Việt Nam so sánh với quốc gia nói trên, là một sự so sánh khập khiễng, không có căn cứ, thiếu cơ sở, thậm chí có dấu hiệu quy chụp, vì chính thể của nước ta khác hoàn toàn chính thể quốc gia nói trên. Nhưng, đây mới là điều quan trọng hơn, những ngày này, khi đất nước mà ông tiến sĩ trông đợi “Việt Nam được như họ” đang trong cơn tao loạn, người ta đặt câu hỏi, liệu ngài tiến sĩ còn mong nước mình “được như họ” nữa hay không?

Dân chủ phải gắn với kỷ cương

So với kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, kỳ bầu cử sắp tới, số lượng những người “dân chủ”, “cấp tiến” tự ứng cử giảm nhiều. Nguyên nhân, một số vi phạm pháp luật, đang thụ án; số khác, đã “dạt trời Tây” kiếm sống.

Cuộc bầu cử các cơ quan dân cử đang đến gần. Mọi quy định của pháp luật cho cuộc bầu cử đã được ban hành đầy đủ, hoàn chỉnh, hợp pháp, hợp hiến. Công tác chuẩn bị cho sự kiện chính trị lớn, ngày hội của toàn dân này đang được triển khai khẩn trương để cuộc bầu cử thành công ở mức cao nhất. Mọi ứng cử viên đều bình đẳng, việc họ có trúng cử hay không, sẽ được quyết định bởi lá phiếu của cử tri. Ðó là minh chứng không thể bác bỏ về cuộc bầu cử công bằng, đúng luật.

Trong một bộ phim tài liệu được phát sóng trên VTV1 cách nay vài ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, năm 2016 (lúc đó chưa đảm nhiệm vị trí Chủ tịch nước) một lần nữa tái khẳng định, dân chủ phải kỷ cương, kỷ cương trên tinh thần phát huy dân chủ, không tuyệt đối hoá mặt nào.

Việt Ðông

“Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải bảo đảm theo đúng quy trình luật định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền.

Các cấp uỷ đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật”- trích Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị vể lãnh đạo cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỷ 2021-2026.