BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quốc hội nghe báo cáo 4 dự án Luật

Cập nhật ngày: 03/11/2011 - 03:41

Chiều 3.11, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về 4 dự án Luật.

Tạo thuận lợi hơn cho quản lý quảng cáo

Theo Tờ trình Chính phủ Luật Quảng cáo có 5 chương, 47 điều.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cơ bản nhất trí với quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật Quảng cáo trình bày tại Tờ trình của Chính phủ; tán thành tên gọi, phạm vi điều chỉnh, bố cục và giải thích khái niệm quảng cáo như trong Tờ trình của Chính phủ.

Về những nội dung cơ bản của Luật này, Uỷ ban cho rằng Luật cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo đối với sản phẩm quảng cáo và trình tự, thủ tục khiếu nại, giải quyết khiếu nại.

Cho ý kiến cụ thể về điều 19, Uỷ ban cho rằng dự thảo Luật Quảng cáo đã bổ sung một số phương tiện quảng cáo đang tồn tại như các phương tiện truyền dẫn phát sóng, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối, thiết bị viễn thông, đoàn người thực hiện quảng cáo,... Tuy nhiên, các phương tiện quảng cáo trong điều này được liệt kê chưa thật hợp lý: “Việc liệt kê phương tiện quảng cáo tại khoản 2 điều này vừa theo loại hình báo chí vừa theo phương tiện truyền dẫn khiến cho các quy định vừa trùng lặp vừa thiếu, trong khi đó, còn nhiều hình thức quảng cáo trên phương tiện truyền dẫn phát sóng chưa được liệt kê”.

Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi

Uỷ ban cho rằng cần thiết kế lại điều này cho lôgic hơn, đồng thời để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý hoạt động quảng cáo.

Bỏ những quy định hạn chế quảng cáo trên báo chí

Về quảng cáo trên báo chí, báo cáo thẩm tra nêu rõ, dự thảo Luật Quảng cáo đã khắc phục được một số bất cập của Pháp lệnh Quảng cáo, căn cứ vào tính đặc thù của từng loại hình báo chí để đưa ra những quy định như tăng diện tích và thời lượng quảng cáo cho các loại hình báo chí, bỏ những quy định hạn chế quảng cáo như các quy định về đợt quảng cáo, số lần được quảng cáo với từng sản phẩm... Các quy định này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các báo (đặc biệt là báo in, báo nói, báo hình) phát triển dịch vụ, tăng doanh thu mà còn khuyến khích các báo nâng cao chất lượng, có ý nghĩa rất lớn đối với các cơ quan báo chí đang hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính.

Tuy nhiên, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận thấy một số quy định về quảng cáo trên báo điện tử vẫn cần được hoàn chỉnh thêm. Uỷ ban cho rằng, việc quy định về diện tích quảng cáo trên báo điện tử như trong Dự thảo Luật là khó khả thi do đặc thù về tính năng, công nghệ của phương tiện điện tử, diện tích mỗi trang báo có thể thay đổi bằng cách di chuột trên thanh cuốn bên phải màn hình.

Theo quy định hiện hành, chỉ có báo điện tử và trang thông tin điện tử phải xin cấp phép hoạt động, trong khi đó, hoạt động quảng cáo thông qua các blog cá nhân, các trang mạng xã hội, thư điện tử,... đang nằm ngoài sự quản lý của nhà nước. Một số trang mạng từ các máy chủ nước ngoài đang tự do quảng cáo ngoài tầm kiểm soát của pháp luật Việt Nam.

Uỷ ban đề nghị cân nhắc tính đặc thù của các loại phương tiện nói trên, nghiên cứu thiết kế điều này cho phù hợp với thực tiễn. Hơn nữa, Dự thảo Luật cũng cần làm rõ các khái niệm vùng quảng cáo, vùng nội dung tin, quảng cáo không cố định vì đây là những khái niệm cơ bản về báo điện tử.

Thực tế hiện nay, các tin nhắn quảng cáo trên điện thoại di động và thư điện tử quảng cáo trên internet đang được sử dụng rất phổ biến và hiệu quả, nhưng cũng gây nhiều bức xúc cho người sử dụng các dịch vụ này. Khoản 1, Điều 29 đã quy định tương đối chi tiết về nguyên tắc quản lý các loại hình quảng cáo này. Tuy nhiên, những quy định trên còn chưa đầy đủ. Uỷ ban cho rằng Dự thảo Luật chỉ nên quy định một số nguyên tắc chung và dẫn chiếu các quy định của pháp luật có liên quan về vấn đề này nhằm đảm bảo tính đầy đủ, khả  thi và thống nhất của pháp luật. 

Thêm vào đó, Uỷ ban đề nghị làm rõ khái niệm “nhà cung cấp dịch vụ thông tin điện tử, viễn thông” và cụm từ “các tổ chức, cá nhân quảng cáo” trong điều này thuộc vào đối tượng nào:  “người quảng cáo”, “người kinh doanh dịch vụ quảng cáo” hay “người phát hành quảng cáo”.

Bên cạnh đó, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho ý kiến về quy hoạch quảng cáo ngoài trời; quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn; quảng cáo bằng âm thanh; quảng cáo hàng hoá đặc biệt...

Luật Giá chưa làm rõ được bước tiến mới về chất

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Giá gồm 5 chương và 51 điều. Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc ban hành Luật Giá là cần thiết và về cơ bản tán thành với nội dung thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ.  Uỷ ban cho rằng dự thảo luật đã hoàn thiện một bước, chi tiết hơn một số nội dung như: quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động về giá; về điều tiết giá của Nhà nước, về thẩm định giá. Tuy nhiên, so với mục tiêu ban hành, dự án luật chưa làm rõ được bước tiến mới về chất thông qua việc nâng Pháp ệnh thành Luật.

Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng với tính chất là đạo luật chung về giá, dự thảo luật cần bao quát toàn diện những nội dung về quản lý, điều tiết giá. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo luật 3 nội dung: Một là, hình thức, điều kiện, phạm vi hoạt động của tổ chức thẩm định giá nước ngoài tại Việt Nam

Hai là, Những trường hợp cụ thể Nhà nước cần phải điều tiết, can thiệp vào giá thị trường; áp dụng biện pháp bình ổn giá và chống bán phá giá đối với hàng hoá sản xuất trong nước.

Ba là, phương pháp định giá hàng hoá, dịch vụ, cơ chế xác định giá khi Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (giá đối với sản phẩm, dịch vụ công ích); Quy định về Quỹ bình ổn giá; Chế tài xử lý các vi phạm quy định của Luật...

Theo VOV