Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Luật Tố cáo cần đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản là bảo đảm cho công dân có thể thực hiện quyền tố cáo một cách đơn giản, thuận tiện và cơ chế giải quyết tố cáo phải công khai, minh bạch, hiệu quả.
Chiều 10.11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng các đại biểu làm việc tại hội trường, nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật tố cáo; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật kiểm toán độc lập; Tờ trình dự án Luật Lưu trữ và Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.
Công dân có thể thực hiện quyền tố cáo đơn giản, thuận tiện
Tờ trình của Chính phủ về Luật Tố cáo nêu rõ: Việc xây dựng Luật Tố cáo nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác giải quyết tố cáo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Dự thảo Luật gồm 9 chương 72 Điều.
Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật này, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành, các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật Tố cáo nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo Uỷ ban Pháp luật, trong hệ thống chính trị nước ta, vấn đề tố cáo và giải quyết tố cáo là vấn đề không đơn giản, bởi chủ thể tố cáo, đối tượng bị tố cáo và hành vi bị tố cáo có tính đan xen và trong không ít trường hợp là rất khó phân biệt nếu không có các quy định rõ ràng.
Bên cạnh đó, Uỷ ban Pháp luật cho rằng việc xây dựng Luật Tố cáo cần đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản là bảo đảm cho công dân có thể thực hiện quyền tố cáo một cách đơn giản, thuận tiện và cơ chế giải quyết tố cáo phải công khai, minh bạch, hiệu quả. Để thực hiện được các yêu cầu này, dự thảo Luật cần có các quy định đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, cơ quan có thẩm quyền trực tiếp giải quyết tố cáo; phân định rõ thẩm quyền giải quyết đối với hành vi vi phạm bị tố cáo. Đồng thời, cũng cần có cơ chế bảo vệ người bị tố cáo khi bị tố cáo oan sai; có cơ chế liên thông trong giải quyết tố cáo giữa các cơ quan của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, công chức là đảng viên. Bên cạnh đó Luật cũng cần khẳng định quan điểm tố cáo phải có điểm dừng, không xem xét đối với các tố cáo đã được giải quyết, tố cáo lại.
Về một số vấn đề Chính phủ xin ý kiến như: Chủ thể tố cáo và tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, đa số ý kiến của thành viên Uỷ ban Pháp luật tán thành với quy định chủ thể tố cáo là công dân với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, tố cáo là hành vi làm phát sinh những hậu quả pháp lý và trách nhiệm gắn với cá nhân, chẳng hạn như trách nhiệm hình sự đối với trường hợp vu khống, bịa đặt (Điều 122 – Bộ luật hình sự). Vì vậy, không thể quy định chủ thể tố cáo là tổ chức. Điều này cũng phù hợp với chính sách hình sự của Nhà nước ta đã được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành là cá thể hóa trách nhiệm hình sự, không quy định tổ chức là chủ thể của tội phạm.
Đa số thành viên Uỷ ban Pháp luật tán thành với quy định tại khoản 2 Điều 23 của dự thảo Luật là: “người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; trình bày trung thực nội dung tố cáo; cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được”. Các ý kiến này cho rằng, tố cáo không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của công dân đối với xã hội và Nhà nước. Quy định người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo.
Một số ý kiến cho rằng mặc dù Luật Khiếu nại, Tố cáo hiện hành không công nhận hình thức tố cáo “nặc danh” nhưng hình thức tố cáo này vẫn diễn ra khá phổ biến. Do vậy, ý kiến này đề nghị cần thừa nhận tố cáo nặc danh là một hình thức tố cáo hợp pháp.
Bên cạnh đó, Uỷ ban Pháp luật cũng cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh; thẩm quyền giải quyêt tố cáo của cơ quan, tổ chức (Điều 18); trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo (Mục 2 chương III và mục 2 chương IV); trách nhiệm của người tố cáo (Điều 14); các hình thức tố cáo (Điều 23); bảo vệ người tố cáo (Chương V); giám sát công tác giải quyết tố cáo (Chương VII).
Ngoài những nội dung trên Uỷ ban Pháp luật cũng cho ý kiến cụ thể về nội dung và kỹ thuật văn bản trong Dự thảo Luật Tố cáo.
Doanh nghiệp kiểm toán cung cấp các dịch vụ về tài chính
Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Kiểm toán độc lập, Uỷ ban Kinh tế đồng tình với đánh giá của Chính phủ về những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế của hoạt động kiểm toán độc lập trong gần 20 năm kể từ ngày công ty kiểm toán đầu tiên ra đời và nhất trí việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập là cần thiết nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập, khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay và đáp ứng nhu cầu phát triển.
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, đa số ý kiến trong Uỷ ban Kinh tế cho rằng, kiểm toán độc lập là loại hình kinh doanh có điều kiện. Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các kiểm toán viên và các doanh nghiệp kiểm toán nên cũng có tính đặc thù so với các hội nghề nghiệp khác. Hoạt động của Tổ chức nghề nghiệp có liên quan đến kiểm toán viên và đến một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về kiểm toán độc lập. Vì vậy, việc đưa tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán vào phạm vi điều chỉnh của Luật là hợp lý.
Cho ý kiến về một số nội dung cụ thể về Quản lý nhà nước đối với kiểm toán độc lập và Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán, đa số các ý kiến đều nhất trí với dự thảo Luật, giao cho Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập.
Về quy định liên quan kiểm toán viên hành nghề, Uỷ ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, xem xét các quy định đối với các kiểm toán viên hành nghề theo hướng vừa tạo điều kiện để các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam phát triển, bảo đảm tính phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam vừa tuân thủ các cam kết quốc tế.
Về doanh nghiệp kiểm toán, Uỷ ban Kinh tế tán thành với dự thảo Luật vì cho rằng các kiểm toán viên chính là những người có chuyên môn cao trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính nói chung nên việc cho phép các doanh nghiệp kiểm toán cung cấp các dịch vụ khác như tư vấn kinh tế, tài chính, thuế, dịch vụ kế toán… là hợp lý.
Quản lý thống nhất tài liệu lưu trữ quốc gia
Về Dự án Luật Lưu trữ (gồm 6 chương, 44 Điều), cơ bản, Uỷ ban Pháp luật tán thành với mục đích, yêu cầu, các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật và cho rằng, việc ban hành Luật này sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia hiện hành; điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong hoạt động lưu trữ; bổ sung quy định phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với tập quán và thông lệ quốc tế.
Việc ban hành Luật sẽ góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội đối với công tác lưu trữ; tiếp tục khẳng định tài liệu lưu trữ là tài sản quý báu của quốc gia, phải được quản lý thống nhất để khai thác, sử dụng lâu dài và phát huy giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Uỷ ban Pháp luật nhất trí nhiều nội dung của dự thảo Luật, như các quy định về quản lý tài liệu của cá nhân; lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan; quy trình xác định giá trị tài liệu, thu thập tài liệu vào lưu trữ lịch sử; quản lý, khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ... Tuy nhiên, trong dự thảo Luật có một số vấn đề liên quan đến hoạt động lưu trữ cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hoặc giải trình kỹ hơn như chế độ thu thập, bảo quản, quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam; quan hệ giữa Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam, Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam và các phông lưu trữ khác, giữa cơ quan lưu trữ của Đảng và cơ quan lưu trữ của Nhà nước; về tổ chức lưu trữ lịch sử; nội hàm khái niệm “lưu trữ”, “lưu giữ”, “chỉnh lý tài liệu”... Đồng thời, đối với những vấn đề có thể quy định cụ thể, chi tiết thì đề nghị quy định ngay trong Luật, không nên để quá nhiều quy định khung và để văn bản dưới luật quy định như trong dự thảo Luật (các điều 8, 13, 15, 20, 24, 25, 26, 32, 34, 39, 41...).
Về bố cục của dự thảo Luật, Uỷ ban Pháp luật đề nghị không quy định trong Luật những nội dung đã được quy định trong các luật chuyên ngành khác, hạn chế tối đa các quy định có tính dẫn chiếu.
Cụ thể, đề nghị bỏ quy định về đối tượng áp dụng tại Điều 2 của dự thảo Luật, vì đã có quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; bỏ quy định về khen thưởng, xử lý vi phạm pháp luật tại Điều 39, vì đã có quy định trong Luật thi đua, khen thưởng, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các văn bản khác; cân nhắc có nên quy định một chương về quản lý nhà nước hay không…
(Theo VOV)