Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quốc hội nhất trí cao việc giao Chính phủ điều hành, triển khai Đề án có hiệu quả
Thứ sáu: 19:35 ngày 01/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đây là nội dung kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tại Phiên thảo luận của Quốc hội về Đề án tổng thể phát triển vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2012-2030, sáng 1/11.

Phát biểu tiếp thu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết: Về các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025-2030, đề xuất chỉ tiêu phải có căn cứ khoa học và thực tiễn, đảm bảo tính khả thi. Quá trình xây dựng đề án đã bám sát vào nguyên tắc này.

Xác định trọng tâm, hướng ưu tiên giải quyết thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào

Qua khảo sát trực tiếp của Ban soạn thảo, hiện nay thu nhập thực tế bình quân một người dân tộc thiểu số khoảng 1,1 đến 1,2 triệu đồng một tháng, tương đương với 13-14 triệu đồng một năm. Nếu đến năm 2020 tăng gấp 2 lần, đạt khoảng 26 đến 28 triệu đồng một năm, thì theo dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đến năm 2025 nước ta sẽ đạt 5.000 USD bình quân GDP trên đầu người. Do vậy, Ban soạn thảo đề nghị cho giữ khoảng hai lần để từng hộ, từng thôn, xã quyết tâm phấn đấu và hằng năm có kiểm điểm thì như vậy mới có thể thực hiện được.

Về chỉ tiêu đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số trong độ tuổi hiện nay đạt 6,2%, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết: Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra lao động qua đào tạo là 70%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ là 25-30%. Đề án đề xuất lao động dân tộc thiểu số qua đào tạo khoảng 50% nhưng bằng cấp chứng chỉ 10-15% theo chúng là phù hợp. Tăng cường đào tạo dạy nghề theo hướng cầm tay chỉ việc để thực hành được ngay, không nhất thiết phải cần bằng cấp chứng chỉ. Đây cũng là điểm tư duy mới về dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số.

“Tất cả các chỉ tiêu đề xuất trong đề án có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết với các chỉ tiêu khác về tài chính, nguồn lực, về tổ chức thực hiện”, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nói.

Về trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên, Bộ trưởng Chiến cho biết khi xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia sẽ xác định trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên theo hướng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, phát triển nâng cao nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, bảo tồn và phát huy văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Việc tổ chức thực hiện đề án cần đảm bảo nguyên tắc có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thu gọn đầu mối, giảm thủ tục hành chính, công khai, dân chủ, minh bạch, có sự giám sát và thực hiện của người dân, chính quyền cấp tỉnh quyết định điều hành thực hiện dự án phù hợp với địa phương, lấy đồng bào làm chủ thể, dân cần, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi, cán bộ chỉ hướng dẫn, giúp đỡ và chúng ta không thể làm thay người dân.

Động viên, khích lệ đồng bào chủ động tự vươn lên thoát nghèo

Phát biểu kết luận phiên thảo luận sáng 1//11, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Quốc hội hoan nghênh việc Chính phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng đã chuẩn bị đề án công phu để trình Quốc hội, thể hiện sự cố gắng, nỗ lực rất cao Ủy ban Dân tộc đã chủ động và phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội để chuẩn bị nhiều cuộc thảo luận và xin ý kiến.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, những năm qua, tốc độ tăng trưởng phát triển ở khu vực này khá hơn trước với kết cấu hạ tầng như đường, điện, trường học, trạm y tế, các công trình thủy lợi được đầu tư từng bước đồng bộ. Công tác định canh, định cư luôn được gắn với hoạch định và phát triển, tổ chức thực hiện chính sách kinh tế-xã hội, văn hóa. Đồng thời, giữ vững sự ổn định chính trị và đặc biệt là quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, với tinh thần thẳng thắn, các đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc khi thực thi chính sách ở vùng này. Đó là những chính sách liên quan đến việc hỗ trợ cho hộ nghèo, vì tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới ở vùng này còn cao, điều kiện canh tác, điều kiện sản xuất để ổn định cuộc sống còn khó khăn, có hộ còn thiếu đất ở, đất sản xuất, một số chỉ tiêu đặt ra cho vùng này chưa đạt, các chính sách phát triển, đặc biệt là nhiều chính sách và pháp luật đã ban hành nhưng thiếu đồng bộ, chưa thống nhất, còn dàn trải và cơ chế điều hành, phân công trách nhiệm thực hiện các dự án chưa chặt chẽ, phân cấp chưa rõ ràng, nhiều dịch vụ như dịch vụ y tế, giáo dục, bảo hiểm, thông tin, báo chí có mặt còn hạn chế.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị quan tâm chú ý đến các nhóm dân tộc còn rất ít người (dưới 10.000 người trở xuống hiện còn 16 dân tộc) trong quá trình thực hiện các chính sách cho đồng bào.

Bên cạnh đó, cần chú ý thực hiện bình đẳng giới, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số. Chú ý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số. Coi trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trong vùng dân tộc thiểu số để vừa động viên, khích lệ đồng bào, nhưng cũng vận động đồng bào không trông chờ vào Nhà nước mà phải cố gắng vươn lên, không cam chịu đói nghèo.

Đồng thời, coi trọng công tác bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số, coi đây là nền tảng tinh thần của đồng bào để động viên, khích lệ trong thời kỳ mới, gắn với phát huy và thực hiện nhiệm vụ du lịch, gắn với phát triển kinh tế du lịch ở vùng này.

“Quốc hội nhất trí cao việc giao Chính phủ điều hành, hướng dẫn, chỉ rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, các bộ, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể để cùng chăm lo cho đồng bào và vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hằng năm có báo cáo Quốc hội sơ kết, tổng kết”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nguồn baochinhphu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục