BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quốc hội sắp phê chuẩn Bộ trưởng Giáo dục mới

Cập nhật ngày: 12/05/2010 - 09:44
HTML clipboard

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân.

Chiều 12.5, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Thường vụ Quốc hội bổ sung nội dung phê chuẩn nhân sự Bộ trưởng GD&ĐT vào chương trình kỳ họp Quốc hội lần thứ bảy. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ thôi kiêm nhiệm Bộ trưởng GD&ĐT.

Từ tháng 4, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đã tạm giao quyền điều hành Bộ GD&ĐT cho Thứ trưởng thường trực Phạm Vũ Luận, để tập trung vào nhiệm vụ Phó thủ tướng.

Hiện Bộ GD&ĐT có 4 thứ trưởng gồm các ông Phạm Vũ Luận, Trần Quang Quý, Nguyễn Vinh Hiển và bà Nguyễn Thị Nghĩa.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, sinh năm 1953 là giáo sư kinh tế, tiến sĩ điều khiển học. Năm 2006, ngay sau khi nhậm chức Bộ trưởng GD&ĐT, ông đã khởi xướng phong trào "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".

Tháng 7.2007, ông Nhân được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục.

Cũng trong chiều 12.5, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 khai mạc vào ngày 20.5 tới. Theo đó, trong 26 ngày diễn ra kỳ họp, Quốc hội sẽ thông qua các dự luật sau: Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam; Luật các tổ chức tín dụng; Luật thuế nhà, đất; Luật nuôi con nuôi; Luật bưu chính; Luật thi hành án hình sự; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật người khuyết tật; Luật trọng tài thương mại; Luật an toàn thực phẩm.

Do cần thời gian chuẩn bị, Chính phủ đề nghị rút 3 dự án luật thủ đô, luật biển Việt Nam và luật đầu tư công ra khỏi chương trình. Tại kỳ họp này, Quốc hội chỉ còn cho ý kiến về 6 dự luật, gồm: Luật thuế bảo vệ môi trường; Luật thanh tra; Luật khoáng sản; Luật tố tụng hành chính; Luật viên chức; Luật bảo vệ người tiêu dùng.

Đặc biệt, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM; thảo luận về đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030.

(Theo VNE