BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quốc hội sửa nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm

Cập nhật ngày: 12/03/2014 - 05:18

Chiều 11/3, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, so với dự kiến trước đó, chương trình kỳ họp sẽ rút đi 2 nội dung. Trong đó, có việc lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc diện Quốc hội lấy phiếu.

Để bổ sung vào chương trình, dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn sẽ được đại biểu xem xét, thông qua.

Góp ý về nội dung này, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Nguyễn Văn Pha cho hay, sau khi có thông báo dừng lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tới, dư luận thể hiện nhiều ý kiến gay gắt, trong đó có một số đại biểu Quốc hội đã nghỉ.

"Tôi đề nghị cần nói rõ là tạm dừng, dừng để sửa lại và để tổ chức thực hiện tốt hơn, thiết thực hơn", ông Pha góp ý. Nội dung này theo ông cần được quán triệt tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào tháng 4 tới.

Chu-tich-Quoc-hoi.jpg

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Nhất trí với ông Pha, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc dừng lấy phiếu là để sửa nghị quyết cho rõ ràng, mạch lạc hơn và thực hiện đồng bộ hơn trong toàn hệ thống. "Tạm dừng chứ không phải dừng hẳn", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ngày 12/3, trong buổi họp riêng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận kỹ hơn việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35.

Theo Văn phòng Quốc hội, phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 diễn ra ngày 20/5 và bế mạc ngày 24/6. Tổng thời gian làm việc là 29 ngày, trong đó Quốc hội làm việc 3/5 ngày thứ bảy. Tuy nhiên, việc bố trí chương trình vào nhiều ngày thứ 7 không nhận được sự đồng tình của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để chuẩn bị tốt hơn cho kỳ họp sắp tới, Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị tăng cường gửi tài liệu điện tử, giảm việc gửi văn bản giấy. Theo đó, tài liệu kỳ họp (trừ tài liệu mật hoặc có nội dung nhạy cảm) gửi đến hộp thư điện tử của đại biểu Quốc hội và chỉ gửi văn bản giấy các tài liệu: bản tóm tắt của tờ trình, báo cáo thẩm tra, báo cáo giải trình, tiếp thu; dự thảo luật, dự thảo nghị quyết; báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ, hội trường.

Theo VnExpress.net