BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quốc hội tập trung thảo luận gói kích cầu

Cập nhật ngày: 27/05/2009 - 01:49

Bên cạnh đánh giá gói kích thích kinh tế của Chính phủ là mau lẹ, linh hoạt, bước đầu phát huy tác dụng, các đại biểu Quốc hội đã góp ý, hiến kế để hoàn thiện hơn nữa gói kích cầu này, bởi nếu được triển khai thực hiện thành công, tốc độ tăng trưởng có thể cao hơn dự kiến.

Các đại biểu tập trung thảo thuận về các biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế

Gói kích cầu nên tập trung mạnh vào đâu, có thực sự tạo ra nhiều công ăn việc làm, có hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, bội chi ngân sách… là một số vấn đề trọng tâm được đặt lên bàn nghị sự Quốc hội tại phiên thảo luận tại hội trường hôm 26.5.

Đưa vốn kích cầu vào đúng địa chỉ

Đại biểu Nguyễn Hữu Nhị (Đoàn Nghệ An) cho rằng: “Việc hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn và lao động mất việc do suy giảm kinh tế là liều thuốc tốt cho doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đang gặp rất nhiều vướng mắc trong việc tiếp cận với nguồn vốn này. Lý do chủ yếu là điều kiện vay vốn khắt khe”.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên triển khai kích cầu đầu tư cho các dự án, tạo thêm nhiều việc làm, trong đó quan tâm hơn nữa đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì đây là khu vực giải quyết được rất nhiều công ăn việc làm.

Đại biểu Võ Thị Thuỷ (Đoàn Bình Định) góp ý, song song những giải pháp chống khủng hoảng, chúng ta cần tiến hành cải cách và tái cấu trúc lại nền kinh tế để chuẩn bị cho thời kỳ hậu khủng hoảng. Với bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay chắc chắn các nước sẽ có nhiều thay đổi sau khủng hoảng, chúng ta cần nghiên cứu để chuẩn bị lực lượng phát triển mới, vững vàng hơn sau khi thoát khỏi suy thoái.

Theo đại biểu Võ Thị Thuỷ, đây là cơ hội để các nhà doanh nghiệp tự nhìn lại những yếu kém của mình mà củng cố để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh về lâu dài.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Đoàn Bình Dương) băn khoăn, trước gói kích cầu lớn thì khả năng giải ngân thực tế hiện nay của chúng ta có đáp ứng được không, hệ quả gì xảy ra nếu nguồn vốn tồn đọng lớn do giải ngân kém. “Chỉ có một cách duy nhất là động viên toàn lực và điều chỉnh mọi mặt để xoay chuyển cơ chế xây dựng cơ bản của nước ta. Do vậy, tôi cho rằng khắc phục tình trạng chậm và chờ trong xây dựng cơ bản là giải pháp cần đặc biệt tập trung năm nay để thực hiện mục tiêu ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế”, đại biểu góp ý. Đại biểu cũng nhấn mạnh về sự minh bạch công khai trong triển khai và điều hành chính sách, nhất là giải ngân các gói kích cầu.

Về bội chi ngân sách, nhiều đại biểu cho rằng trong tình hình suy giảm kinh tế hiện nay, duy trì mức bội chi cần thiết để kích cầu an sinh xã hội. Do vậy, bội chi ngân sách là yêu cầu cấp thiết, nhưng, các đại biểu cũng lưu ý mức bội chi phù hợp để nền kinh tế có thể hấp thụ và sinh lợi.

“Phải hết sức cảnh giác với bội chi, dẫn đến thất thoát, lãng phí, cơ hội cho tham nhũng xảy ra và lạm phát cao. Hệ số ICOR (hệ số tiêu chuẩn phản ánh hiệu quả của vốn đầu tư bằng cách đo lường để biết muốn tạo thêm được một đồng sản phẩm thì cần đưa thêm vào sử dụng bao nhiêu đồng vốn) chúng ta thấy ngày càng tăng cao, do vậy bội chi ngân sách quá mức sẽ rất nguy hiểm”, đại biểu Trần Hồng Việt (Đoàn Hậu Giang) cảnh báo.

Tăng cầu 1% trong nông nghiệp sẽ làm tăng GDP cả nước lên 1,2%

Đa số đại biểu nhất trí, cần hướng gói kích cầu vào khu vực nông thôn. Bởi, theo đại biểu Vũ Quang Hải (Đoàn Hưng Yên), nông thôn chiếm khoảng 70% dân số. Bên cạnh đó, đây là khu vực quan trọng, chiếm đông đảo lao động, là khu vực rất nghèo và yếu thế, nhưng có vai trò ổn định xã hội khi gặp khó khăn.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, nhiều người lao động bị mất việc trở về nông thôn tìm kiếm công việc mới trong khi đó các cơ sở sản xuất ở nông thôn lại gặp khó khăn trong sản xuất do thiếu vốn. Đại biểu Võ Thị Thuỷ cho rằng, Chính phủ cần có thêm những ưu đãi hỗ trợ cho những cơ sở sản xuất, làng nghề ở nông thôn có nhiều lao động mất việc ở nước ngoài trở về. Cần đưa ra ưu đãi giúp các hộ gia đình nghèo, cận nghèo tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng để có thể mua sắm trang thiết bị nông nghiệp phục vụ cho sản xuất, trồng trọt.

Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) cũng đồng tình, nên tập trung nguồn vốn kích cầu cho nông dân vay để mua sắm vật tư, máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi.

Đại biểu dẫn kết quả một nghiên cứu của Viện chiến lược về chính sách phát triển nông nghiệp cho rằng kích cầu vào nông nghiệp sẽ làm tăng thu nhập hộ nông thôn 1,63%, hộ đô thị là 0,38%, nếu tăng cầu 1% trong nông nghiệp, nông thôn sẽ làm tăng GDP cả nước lên 1,2%.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của Chính phủ và cho rằng việc điều chỉnh là tương đối hợp lý và cần thiết.

(Theo chinhphu.vn)