Nhiều nội dung của dự thảo Luật Tố tụng hành chính và dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được các đại biểu thảo luận trong ngày 23.10.
Dự thảo Luật Tố tụng hành chính trình Quốc hội gồm 17 Chương và 264 Điều quy định về những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính, bao gồm nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan, trình tự thủ tục khởi kiện và giải quyết vụ án hành chính…
Còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Tố tụng hành chính
Một trong nhiều nội dung được các ĐB thảo luận là tên gọi của Luật; trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; về xác minh thu thập chứng cứ và về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Tranh luận về phần “phát biểu của Kiểm sát viên” (Điều 161), nhiều ĐB cho rằng kiểm sát viên (KSV) cần phải được phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án hành chính trong phiên tòa, phiên họp của tòa án. Theo Dự thảo Luật, KSV phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng.
Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), nếu đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa mà không phát biểu thì nên bỏ chức năng này vì đã đến dự thì cần phát biểu chính kiến của mình.
Chưa đồng tình, ĐB Nguyễn Thị Hồng (Hà Nội) cho rằng, KSV chỉ nên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và không nên phát biểu quan điểm về việc giải quyết nội dung vụ án. Theo ĐB Hồng, quy định như vậy sẽ phù hợp với vai trò kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm tính độc lập của thẩm phán trong hoạt động xét xử cũng như tính khách quan của phiên tòa.
Cũng theo đại biểu Hồng, tại phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, KSV có thể phát biểu cả về nội dung vụ án, cả về việc tuân theo pháp luật của người thi hành tố tụng, người tham gia tố tụng.
Liên quan tới Điều 207 về phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại thủ tục giám đốc thẩm, một số ĐB đề nghị quy định thời hạn để đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại.
Theo ĐB Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang), Dự thảo Luật đã phân làm 2 thời hạn, thứ nhất là quy định cho đương sự, cá nhân, tổ chức có liên quan được nộp đơn yêu cầu người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong thời hạn 1 năm kể từ ngày bản án quyết định có hiệu lực pháp luật; thứ hai người có thẩm quyền kháng nghị chỉ được kháng nghị trong thời hạn 2 năm kể từ ngày bản án quyết định có hiệu lực pháp luật.
Theo quy định tại Điều 207 của Dự thảo Luật đối với trường hợp quá thời hạn 2 năm trả lời không đúng hoặc chưa trả lời vẫn phải được xem xét giải quyết cái sai cho đương sự, theo ý kiến của các đại biểu là hợp lý, bảo đảm quyền lợi cho đương sự…
Nâng cao tính độc lập của cơ quan thanh tra
Chiều cùng ngày, các ĐB Quốc hội đã thảo luận dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Việc sửa đổi Luật Thanh tra nhằm nâng cao địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra theo hướng mang tính độc lập và tự chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên có 3 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này: thứ nhất, thanh tra là công cụ quản lý nhà nước, cho nên cơ quan thanh tra phải được tổ chức theo hướng cơ quan tham mưu, giúp việc và phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước; thứ hai, để phát huy hiệu lực, hiệu quả thanh tra thì cơ quan thanh tra phải được tổ chức theo hướng đảm bảo tính độc lập với cơ quan quản lý nhà nước. Còn loạt ý kiến thứ ba cho rằng, cơ quan thanh tra cần được tổ chức theo hướng gắn với hoạt động quản lý nhà nước, nhưng có tính độc lập tương đối với cơ quan quản lý nhà nước.
Theo ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Thanh Hóa), thanh tra được xem như “cái phanh” của bộ máy nên tính độc lập cao thì thanh tra mới đạt hiệu quả.
Theo nhiều ĐB, đây là vấn đề lớn, cần có thời gian nghiên cứu kỹ và nếu sửa luật phải đảm bảo ổn định không xáo trộn. Nhiều ĐB đồng ý trước mắt, thanh tra gắn với cơ quan quản lý nhà nước nhưng phải quy định nhiệm vụ cụ thể rõ ràng và chú ý đến chất lượng thanh tra.
Liên quan tới thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan thuộc bộ được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước (mục 6 chương II) cũng còn nhiều ý kiến khác nhau.
Một số ĐB cho rằng không nên tổ chức cơ quan thanh tra ở tổng cục, cục thuộc bộ, chi cục thuộc sở mà chỉ giao cho chính các cơ quan này tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
ĐB Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) cho rằng, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành thì mỗi bộ chỉ có một tổ chức thanh tra, thực hiện cả nhiêm vụ thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên thực tế cho thấy tại nhiều bộ, bên cạnh tranh tra bộ còn lập thanh tra chuyên ngành ở một số Tổng cục, cục thuộc Bộ...
Việc tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành ở một số tổng cục, cục thuộc bộ và chi cục thuộc sở một mặt đáp ứng được nhu cầu trong quản lý nhà nước, mặt khác cũng là để từng bước lập lại trật tự trong việc tổ chức hệ thống cơ quan thanh tra.
Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều ĐB phương án này có nhược điểm chưa xác định cụ thể tiêu chí nào để một tổng cục, cục thuộc bộ, chi cục thuộc sở được thành lập thanh tra chuyên ngành nên việc áp dụng trên thực tế khó thống nhất, không chặt chẽ và dễ dẫn tới tình trạng lập tràn lan các cơ quan này. Do đó, không phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính theo hướng gọn nhẹ.
Trường hợp giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực trực tiếp thực hiện được nhiều ĐB cho là có nhiều điểm hợp lý hơn, bởi để nâng cao hiệu lực quản lý của nhà nước thì hoạt động thanh tra phải được tiến hành kịp thời, chủ động, hoạt động thanh tra chuyên ngành phải có tính chuyên môn sâu.
Do đó hoạt động này nên giao cho chính những cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong những cơ quan này trực tiếp thực hiện thanh tra và quyết định xử lý vi pham thì sẽ kịp thời, hiệu quả hơn là việc thành lập riêng một bộ phận để chuyên làm công tác thanh tra. Quy định này vừa bảo đảm được cả về số lượng và chất lượng thanh tra chuyên ngành.
(Theo chinhphu.vn)