Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quốc hội thảo luận Dự án Luật an ninh mạng và Luật Tố cáo (sửa đổi)
Thứ sáu: 15:03 ngày 24/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, chiều 23.11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật An ninh mạng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) phát biểu ý kiến.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), với 421 đại biểu tán thành, bằng 85,74%.

* Quốc hội thảo luận Dự án Luật an ninh mạng

Tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật. Đại biểu dẫn chứng, trong hệ thống pháp luật hiện hành, vấn đề an ninh mạng đã được đề cập đến trong một số luật, pháp lệnh, như Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Biên giới quốc gia, Luật Phòng, chống khủng bố, Luật Cơ yếu, Luật Tần số vô tuyến điện, v.v...

Các đại biểu cho rằng, không gian mạng là một môi trường mới, khác với môi trường truyền thống đã được điều chỉnh trong các văn bản luật và pháp lệnh nói trên nên có thể thấy rằng văn bản luật và pháp lệnh hiện hành chưa quy định việc thực hiện các hành vi vi phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia, chủ quyền biên giới quốc gia, khủng bố, tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, bảo vệ các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia trên không gian mạng.

Chưa quy định việc sử dụng không gian mạng như một môi trường, thủ đoạn để thực hiện các hành vi phạm tội, như tội gián điệp, khủng bố, tội tuyên truyền chống phá nhà nước, vu khống, các tội xâm phạm bí mật nhà nước…

Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu khác đề nghị cần cân nhắc về sự cần thiết ban hành luật này vì cho rằng, an ninh mạng là một bộ phận của an ninh quốc gia nên phải quán triệt và thực hiện đầy đủ các quy định của Luật An ninh quốc gia; còn việc bảo vệ thông tin mạng đã được quy định trong Luật An toàn thông tin mạng.

Về phạm vi điều chỉnh của luật, nhiều đại biểu có ý kiến phạm vi điều chỉnh của luật là quá rộng. Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP.HCM) cho rằng khái niệm "an toàn thông tin mạng" và "an ninh mạng" trong luật chưa làm rõ phạm vi của 2 phạm trù này, chính vì vậy phạm vi điều chỉnh của luật không rõ ràng.

Trong dự thảo luật quy định "Bộ Công an là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về an ninh mạng", từ đó dẫn đến cách hiểu là trong quy định của dự thảo này sẽ chồng lấn và trùng lặp với Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và một số đạo luật liên quan như Luật Cơ yếu năm 2011 và chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng…

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, các biện pháp mà dự thảo luật đề ra có nhiều điểm tương tự như Luật An toàn thông tin mạng. Do vậy, chúng ta nên tăng cường quản lý mạng xã hội bằng bằng việc bổ sung và hoàn chỉnh các bộ luật đã có như Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Tiếp cận thông tin để ngăn chặn các tin tức giả, quảng cáo hướng mục tiêu vào sự thao túng của các nhóm đối tượng xã hội đối với hoạt động mạng xã hội, thông qua các biện pháp như tăng cường mức phạt với các tin tức giả. Hoặc các yêu cầu công khai về thông tin, những người mua quảng cáo trên lĩnh vực liên quan đến chính trị trên mạng xã hội.

Về chính sách nhà nước về an ninh mạng, tại Điều 4, đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung một khoản về ưu tiên đào tạo phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng chất lượng cao. Ưu tiên nghiên cứu phát triển công nghệ sản phẩm, dịch vụ ứng dụng nhằm bảo vệ an ninh mạng...

Các ý kiến đại biểu cho rằng nhiều nội dung của dự thảo luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân, các điều ước quốc tế. Do đó, cần phải rà soát chỉnh lý bảo đảm nguyên tắc của Hiến pháp và tính thống nhất trong hệ thống.

Đại biểu cũng đã tập trung góp ý vào nhiều nội dung cụ thể của dự thảo, trong đó nổi lên các vấn đề liên quan đến giải thích từ ngữ, các biện pháp bảo vệ an ninh mạng về hoạt động bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trong đó nổi lên vấn đề tiền kiểm hay hậu kiểm.

Về xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Về thẩm quyền của các cơ quan trong lĩnh vực bảo đảm an ninh mạng…

* Cần thiết sửa đổi Luật Tố cáo

Tiếp tục phiên họp, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Nhìn chung, ý kiến của các vị đại biểu tán thành cao với việc cần thiết phải sửa đổi cơ bản luật này để đáp ứng yêu cầu công tác giải quyết tố cáo trong tình hình hiện nay, giải quyết được những vướng mắc, bất cập của luật hiện hành cũng như những thực tế đang đặt ra trong công tác giải quyết tố cáo, phải bảo đảm được tính thống nhất, tính khả thi của các quy định mới.

Đa số ý kiến tán thành với quan điểm cơ quan thẩm tra đề nghị mở rộng hình thức tố cáo. Tuy nhiên, cũng có một số ít ý kiến đề nghị giữ như luật hiện hành.

Về thời hiệu tố cáo, giải quyết tố cáo hay xử lý trách nhiệm pháp lý là vấn đề khác nhau. Theo quan điểm của Ủy ban thẩm tra, đề nghị không quy định thời hiệu tố cáo. Nhưng cũng có ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ thời hiệu tố cáo.

Về quy định rút tố cáo, cơ bản các ý kiến phát biểu tán thành với quy định người tố cáo có quyền được rút toàn bộ hoặc một phần nội dung tố cáo. Các đại biểu cho rằng, việc rút tố cáo là quyền của người tố cáo khi họ tự nhận thấy hoặc được cơ quan nhận tố cáo phân tích, chỉ rõ tố cáo đó là không có cơ sở, không đủ căn cứ, bằng chứng.

Việc rút tố cáo không chấm dứt trách nhiệm của cơ quan người có thẩm quyền trong việc xem xét, xác minh, xử lý hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tố cáo, cũng như không loại trừ trách nhiệm của người cố ý tố cáo sai sự thật. Tuy nhiên, dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn về điều kiện, thời điểm và hậu quả pháp lý của việc rút tố cáo để bảo đảm chặt chẽ.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Về điểm dừng trong giải quyết tố cáo, nhiều đại biểu tán thành về nguyên tắc không tiếp nhận xem xét đối với các tố cáo đã được cơ quan có thẩm quyền cuối cùng về giải quyết tố cáo giải quyết và có kết luận theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc quy định cấp giải quyết cuối cùng và trình tự thủ tục, điều kiện không thụ lý tiếp việc giải quyết nội dung tố cáo khi đã có kết luận của cấp giải quyết cuối cùng như thế nào thì cần phải được nghiên cứu chặt chẽ hơn để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tránh bỏ lọt, bỏ sót hành vi vi phạm pháp luật.

Về bảo vệ người tố cáo, ý kiến đại biểu đề nghị dự thảo luật nên tập trung làm rõ căn cứ, biện pháp, trình tự, thủ tục và cơ quan chịu trách nhiệm chính về bảo vệ người tố cáo.

Cũng có ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đề nghị nên mở rộng thêm đối với đối tượng, chủ thể được bảo vệ, ví dụ vợ hoặc chồng, người thân thích như con chưa thành niên của người bị tố cáo. Vì đây là những đối tượng có thể bị trả thù trong việc tố cáo.

Đại biểu cũng tán thành với việc dự án luật quy định trách nhiệm của người đã về hưu, chuyển công tác, nếu như có hành vi vi phạm pháp luật thì cũng phải chịu trách nhiệm theo luật này.

Về chủ thể tố cáo, có một số ý kiến phát biểu đề nghị bổ sung thêm chủ thể tố cáo cả tổ chức, nhất là cơ quan báo chí. Nhưng cũng có nhiều ý kiến đề nghị nên giữ như pháp luật hiện hành để xác định rõ trách nhiệm cá nhân của người tố cáo, khác với việc khiếu nại.

Về thời hiệu giải quyết tố cáo, đa số ý kiến đề nghị nên rút ngắn thời hạn giải quyết tố cáo để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác này. Nhiều ý kiến đề nghị cần phải làm rõ hơn một số vấn đề, kể cả thuật ngữ, khái niệm và một số quy định khác.

Hôm nay (24.11), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thông qua Luật Quy hoạch, thảo luận về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi); thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn và họp phiên bế mạc.

Kim Chi

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục