BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV:

Quốc hội thảo luận dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) 

Cập nhật ngày: 01/11/2021 - 09:55

BTNO - Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ hai Quốc hội Khoá XV, sáng 29.10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận bằng hình thức trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí.

Qua nghiên cứu và thảo luận, đa số các đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là cần thiết, xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, tại phiên họp, nội dung về bảo hiểm vi mô được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận. Trong đó, có hai luồng ý kiến, một là nhất trí với các quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo luật và cho rằng loại hình bảo hiểm này cần hướng tới các đối tượng có thu nhập thấp, đặc biệt là những hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro có thể xảy ra. Trong khi đó, luồng ý kiến thứ hai là đề nghị cần cân nhắc, làm rõ cơ sở và sự cần thiết quy định về loại hình bảo hiểm vi mô tại dự thảo Luật.

Theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, trong Chương 4 của Luật Kinh doanh bảo hiểm có đưa vào nội dung bảo hiểm vi mô và tổ chức năng, điều này là rất cần thiết. Bởi vì bảo hiểm vi mô là dành cho các đối tượng là người nghèo, người có thu nhập thấp và người yếu thế.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm vi mô ở Việt Nam chỉ có 3 doanh nghiệp, nhưng có đến hai doanh nghiệp đã rút khỏi lĩnh vực này. Bởi vì kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm vi mô chi phí cao, nhưng đối tượng mở rộng thì lại khó khăn hơn các đối tượng bảo hiểm khác, vì vậy chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường bảo hiểm vi mô.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng cho rằng, thị trường tài chính bảo hiểm ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, dự thảo chỉ tập trung vào các quy định liên quan đến bán bảo hiểm, trong khi đó, chưa giải thích người mua tham gia thị trường này sẽ được gì. Theo các đại biểu, vấn đề này rất quan trọng, giúp người dân có ý thức hơn về quyền lợi khi quyết định tham gia hay không.

“Trong hợp đồng bảo hiểm, mặc dù chúng ta quy định rất chặt chẽ, nhưng từ ngữ sử dụng vẫn còn mang tính chuyên ngành nhiều quá, nên khi người dân đọc hợp đồng sẽ rất khó hiểu, chính vì vậy họ cũng sẽ ngần ngại; khi thực hiện các bồi thường thì cũng gặp nhiều khó khăn”, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý, dự án Luật hiện nay có quá nhiều điều, khoản giao lại Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn (có khoảng 30 điều), đây là rào cản để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường bảo hiểm, vì vậy đại biểu kiến nghị cần Luật hoá triệt để hơn nữa.

Đại biểu cũng kiến nghị, cần quan tâm cách quản lý và mô hình quản lý thị trường bảo hiểm hiện nay hết sức linh hoạt, đặc biệt là ứng dụng nhiều công nghệ số vào lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Tố Tuấn


 
Liên kết hữu ích