Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quốc hội thảo luận Dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) và Luật tố cáo (sửa đổi)
Thứ bảy: 09:14 ngày 17/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 16.6, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi).

Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình, làm rõ những vấn các đại biểu quan tâm.

Phiên họp tại hội trường, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV- Ảnh SGGPO

* Không sử dụng ngân sách nhà nước để trả các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh và vay về cho vay lại.

Nhìn chung, ý kiến các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý nợ công, vì Luật Quản lý nợ công được ban hành năm 2009 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập nên cần thiết phải sửa đổi để phù hợp với Hiến pháp 2013 và thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan được ban hành sau Luật Quản lý nợ công.

Về phạm vi điều chỉnh của luật, cơ bản các đại biểu thống nhất với phạm vi điều chỉnh quy định tại khoản 1 Điều 1. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo đánh giá cụ thể hơn về thực trạng tình hình ngân sách nhà nước trả nợ thay cho các doanh nghiệp nhà nước; tình hình và thực chất nợ Ngân hàng chính sách; cần giải trình rõ lý do nợ Ngân hàng Nhà nước phát hành không thuộc nợ công cũng như một số khoản nợ khác như nợ xây dựng cơ bản của cấp tỉnh, huyện, xã trong trường hợp không đủ khả năng chi trả; nợ hoàn thuế giá trị gia tăng; nợ tồn ngân kho bạc v.v....

Về phạm vi nợ công, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) tán thành với phạm vi bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Nợ công không bao gồm nợ doanh nghiệp nhà nước tự vay, tự trả nợ do Ngân hàng nhà nước phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ.

Về phạm vi điều chỉnh của luật, tại Điều 3, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (TP.Cần Thơ) đề nghị đưa khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công, quy định tại khoản 2 của điều này. Vì trong thực tế đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm đối với các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước và đã có trường hợp Nhà nước trả nợ thay cho doanh nghiệp nhà nước. Quy định này nhằm kiểm soát hoạt động nợ vay, quản lý, sử dụng vốn vay của doanh nghiệp nhà nước đúng mục đích và có hiệu quả.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cũng cho rằng việc không trả được nợ nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước có thể ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia, và trên thực tế đã có trường hợp nhà nước phải trả nợ thay. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định nhằm tăng cường quản lý giảm thiểu rủi ro đối với khoản nợ này.

Việc quy định không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành theo thông lệ quốc tế Ngân hàng Trung ương là độc lập, không nằm trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Theo đó các khoản nợ vay của Ngân hàng Trung ương không kết cấu trong các khoản nợ của Chính phủ.

Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước lại nằm trong hệ thống Chính phủ, vì vậy đại biểu Thơ cũng đề nghị cần xem xét và cân nhắc nếu không tính vào có hợp lý không, như vậy chủ thể đích thực của Ngân hàng Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước là ai. Theo định nghĩa về khu vực công, Ngân hàng Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước thuộc khu vực công, như vậy đương nhiên nợ của họ phải do Nhà nước trả.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn - TP.Đà Nẵng phát biểu tại phiên họp- Ảnh quochoi.vn

Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nợ công. Tại khoản 4 Điều 15, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị cân nhắc kỹ đối với quy định này, không sử dụng ngân sách nhà nước để trả các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh và vay về cho vay lại. Đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương trong quá trình quản lý, sử dụng nợ công để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn phục vụ phát triển đất nước và làm cơ sở xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong trường hợp quản lý, sử dụng vốn vay không hiệu quả, gây thất thoát và lãng phí.

Về cơ quan quản lý nhà nước về nợ công, các đại biểu nhất trí như dự thảo. Chính phủ thống nhất quản lý về nợ công và Bộ Tài chính là cơ quan chính chịu trách nhiệm giúp Chính phủ về quản lý nợ công. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) cho rằng việc quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nợ công cần phải rõ ràng, hiện nay đang quy định rất mập mờ. Trong luật hiện đang quy định trách nhiệm như thẩm định, giám sát, đề xuất, báo cáo v.v... những quy định như vậy, đây không phải là trách nhiệm mà là nhiệm vụ của cơ quan đó phải làm. Nếu không quy định trách nhiệm phải gánh chịu về hậu quả, đương nhiên cơ quan nào cũng muốn nhận nợ về mình.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (TP.Hải Phòng) cho rằng, cần có một đánh giá thật rõ xem việc dồn hết các chức năng quản lý nợ công vào một Bộ có hiệu quả hơn quy định hiện hành hay không, đã gắn hoặc cân đối về các quy định về quyền hạn, trách nhiệm giữa vay và hiệu quả sử dụng vốn vay chưa.

Theo đại biểu Tùng, dự thảo luật nên quy định theo hướng giao Chính phủ quyết định việc phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan trong quản lý các mảng nội dung lớn về quản lý nợ công, như quản lý ODA, quản lý vốn vay ưu đãi trên nguyên tắc, cơ quan nào chịu trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý các mảng công việc này sẽ phải chịu trách nhiệm từ khâu đàm phán, ký kết, vay với các nhà tài trợ đến quản lý sử dụng hiệu quả vốn vay. Đồng thời, cần cụ thể hóa các quy định về cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan để tăng tính hiệu quả trong quản lý nợ công.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng nợ công nước ta trong những năm qua tăng rất nhanh, từ năm 2010 ở mức 50% GDP thì nay đã lên đến 63,7% GDP. Theo đại biểu, nợ công tăng lên không chỉ do Luật Quản lý nợ công hiện hành không phù hợp mà do nhiều nguyên nhân, từ nhu cầu chi tiêu công của chúng ta ngày càng cao, bội chi ngân sách luôn vượt mức dự toán. Bình quân 5 năm qua chúng ta bội chi 5,8% GDP một năm, trong khi dự toán kế hoạch chỉ có 4,5% GDP.

Vay ODA, vay ưu đãi vì có chữ ưu đãi lãi suất thấp cho nên chúng ta cũng đẩy nhanh việc vay và giải ngân cũng vượt mức lên tới 32,8 tỷ đô la trong 5 năm qua. Chi thường xuyên liên tục gia tăng, khoản chi đó chiếm từ 55% tổng chi nay đã gần 70% tổng chi trong khoản chi ngân sách; đầu tư công hiệu quả thấp, tăng trưởng không đạt kế hoạch, thời gian thi công kéo dài dẫn đến nợ công rất cao.

Vì vậy, Luật Quản lý nợ công cần phải đặt trong mối tương quan với các luật hiện hành như Luật Ngân sách nhà nước để kiểm soát chi ngân sách và khai thác các nguồn thu ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại đơn vị mà Quốc hội đã thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2015…

Sau phiên thảo luận tại hội trường, các đoàn đại biểu Quốc hội đã họp để thảo luận về việc phê chuẩn bổ nhiệm 2 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

* Có quy định cụ thể, chi tiết các nội dung của chế định bảo vệ người tố cáo.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật tố cáo (sửa đổi). Phần tranh luận của các đại biểu tập trung vào nội dung hình thức tố cáo bằng đơn, tố cáo trực tiếp, tố cáo qua điện thoại, email, fax; tố cáo nặc danh và việc xử lý đơn tố cáo nặc danh; bảo vệ người tố cáo; các biện pháp bảo vệ; trình tự, thủ tục yêu cầu bảo vệ, điều kiện bảo đảm; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước; tính khả thi…

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật đường sắt (sửa đổi)- Ảnh quochoi.vn

Về hình thức tố cáo, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax…, tuy nhiên, theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà), nếu chọn hình thức tố cáo qua email, fax… thì có kiểm soát được tình hình không khi bộ máy nhà nước hiện nay không được tăng biên chế, nếu không kiểm soát được sẽ rất khó khăn.

Về đơn tố cáo không rõ tên và địa chỉ, đa số đại biểu đồng ý với nguyên tắc không phải giải quyết đối với tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo. Tuy nhiên, trong bối cảnh các biện pháp bảo vệ người tố cáo chưa thực sự hiệu quả, cần có quy định quy trình riêng ngay trong dự luật này để xác minh xử lý đối với đơn tố cáo nặc danh có gửi kèm theo chứng cứ, nội dung rõ ràng. Việc tạo điều kiện tố cáo là kênh thông tin quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.

Về cơ quan bảo vệ người tố cáo, đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng, dự thảo quy định rất nhiều cơ quan có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo theo từng trường hợp và trình tự khác nhau, nhưng lại không có quy định cơ quan nào chịu trách nhiệm chính chủ trì. Ngoài cơ chế bảo vệ người tố cáo theo Luật Tố cáo, Bộ luật Tố tụng hình sự còn có các cơ chế bảo vệ nạn nhân trong vụ việc buôn bán người theo Luật Phòng chống mua bán người, bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình.

Xuất phát từ thực tế, đại biểu Thanh Dung đề nghị nên thống nhất trách nhiệm bảo vệ người tố cáo cho lực lượng công an là lực lượng chính đảm nhiệm thuộc tất cả các lĩnh vực, cả trường hợp bảo vệ nạn nhân buôn bán người, nạn nhân bạo lực gia đình, vì cơ quan công an có đủ lực lượng, công cụ hỗ trợ và nghiệp vụ để thực hiện công tác bảo vệ.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng Dự án luật này rất quan trọng, được cử tri và các đại biểu Quốc hội  quan tâm. Vấn đề quan trọng nhất là chất lượng của dự án luật và việc ban hành luật này phải giải quyết được những tồn tại, vướng mắc, bất cập của quy định luật hiện hành và những vấn đề thực tiễn đặt ra trong giải quyết tố cáo.

Qua thảo luận, có ý kiến đồng ý với dự thảo nhưng cũng nhiều ý kiến chưa đồng tình, đề nghị cần nghiên cứu và tiếp tục điều tra, tổng hợp ý kiến, đánh giá tác động để làm rõ hơn. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thể gửi phiếu thăm dò ý kiến của đại biểu Quốc hội theo 2 phương án: phương án 1 là thông qua tại 3 kỳ họp, phương án 2 là thông qua tại 2 kỳ họp, để đảm bảo chất lượng và tính khả thi của Luật.

* Thông qua Luật đường sắt (sửa đổi)

Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật đường sắt (sửa đổi) với 397 đại biểu tán thành, chiếm 80,86%.

Thứ hai (19.6.2017), Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm 2 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín; thảo luận ở hội trường về dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua các Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; Nghị quyết về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi);  Luật thủy lợi; Luật du lịch (sửa đổi); Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Kim Chi

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục