Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 22.11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp chiều 22.11
Quan tâm góp ý về dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh, tại Khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Toà án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.
Theo đó, dự thảo Luật tại khoản 1 Điều 3 đã quy định nội dung quyền tư pháp trong Luật Tổ chức Toà án nhân dân để thống nhất trong nhận thức và trong tổ chức thực hiện: “quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật; về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quyền giải thích áp dụng pháp luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”.
Đại biểu đề nghị cần được xem xét, cân nhắc thận trọng có cần thiết xác định quyền tư pháp vào Luật hay không? Vì theo đại biểu, quyền tư pháp là khái niệm mang tính khoa học với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Đại biểu lý giải, Điều 2, Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Chính vì thế, rất khó để có khái niệm cụ thể phân định rõ ràng quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp như trong cơ chế phân chia quyền lực. Bên cạnh đó, nội hàm của quyền tư pháp theo quy định của dự thảo luật cũng chưa bao quát hết nội dung của quyền tư pháp, có thể dẫn đến cách hiểu các quyền này chỉ do Toà án thực hiện (quyết định vi phạm pháp luật, những vấn đề liên quan đến quyền con người).
Về đổi mới Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý cho là phù hợp và cần thiết, tuy nhiên theo đại biểu, việc quy định cụ thể trong luật để thực hiện mục tiêu đó thì phải đáp ứng các yêu cầu. Vì theo Tờ trình số 191 của Toà án nhân dân tối cao về Dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân sửa đổi sẽ quy định Toà án nhân dân phúc thẩm thay cho Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân sơ thẩm thay cho Toà án nhân dân cấp huyện.
Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tham dự phiên họp.
Như vậy, về mặt lý luận, hình thức thì tên gọi Toà án không gắn với đơn vị hành chính nhưng thực chất tổ chức Toà án nhân dân sơ thẩm, Toà án nhân dân phúc thẩm vẫn gắn với tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh và bản chất về thẩm quyền xét xử cũng như tổ chức bên trong của các Toà án vẫn không thay đổi.
Bên cạnh đó, về chức năng, nhiệm vụ của Toà án nhân dân phúc thẩm chưa tương thích với tên gọi. Mặc dù mang tên gọi là Toà án nhân dân phúc thẩm nhưng theo khoản 2, Điều 55 của Dự thảo Luật, Toà án nhân dân phúc thẩm có thẩm quyền sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật.
Đại biểu cho rằng cần thiết lập các Toà án không phụ thuộc, giới hạn bởi đơn vị hành chính và phải có sự phân định rõ ràng trong việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm giữa các cấp Toà án. Trong đó, Toà án nhân dân phúc thẩm chỉ nên có thẩm quyền phúc thẩm các bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân sơ thẩm.
Góp ý về Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt (điều 62), đại biểu đề nghị các Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt được thành lập bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động. Tuy nhiên, việc Toà án nhân dân chuyên biệt chỉ được thành lập ở cấp sơ thẩm với tên gọi là Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt chưa bảo đảm triệt để tính chuyên môn trong xét xử các loại án đặc thù.
Vì theo quy định tại Điều 54 của Dự thảo Luật, thẩm quyền phúc thẩm đối với bản án, quyết định của Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt thuộc về Toà chuyên trách của Toà án nhân dân cấp cao. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 51 của dự thảo, các Toà chuyên trách Toà án nhân dân cấp cao chỉ bao gồm Toà Hình sự, Toà Dân sự, Toà Hành chính, Toà Kinh tế, Toà Lao động, Toà Gia đình và người chưa thành niên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp chiều 22.11
Trường hợp cần thiết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Toà chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Quy định này có thể dẫn đến tranh chấp thẩm quyền giữa các Toà chuyên trách và không bảo đảm tính chuyên môn khi xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt trong khi đây cũng là một cấp xét xử. Vì thế, có thể cân nhắc thành lập các Toà phúc thẩm chuyên biệt trong Toà án nhân dân cấp cao để xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Về phân định thẩm quyền giữa Toà chuyên trách và Toà chuyên biệt, đại biểu cho rằng, theo Dự thảo Luật, bên cạnh các Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt được thành lập mới, trong Toà án nhân dân sơ thẩm và Toà án nhân dân phúc thẩm vẫn tổ chức các Toà chuyên trách.
Việc thành lập các Toà án nhân dân chuyên biệt là tất yếu để xét xử các vụ án yêu cầu tính chuyên môn cao như sở hữu trí tuệ, phá sản và hành chính. Và theo quy định của Dự thảo Luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể và quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, quy định phạm vi thẩm quyền theo loại việc của Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
Dự thảo Luật chưa có các điều khoản quy định cụ thể về phân định thẩm quyền giữa Toà chuyên trách và Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt. Trong khi đó, về tính chất, một vụ việc có thể thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân sơ thẩm và Toà án nhân dân chuyên biệt. Luật Tổ chức Toà án nhân dân cần đưa ra nguyên tắc phân định thẩm quyền cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa hai toà án này.
Đại biểu Thuý cũng cho rằng, Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt được thành lập để giải quyết những vụ việc mang tính chuyên môn sâu, phức tạp vì thế đòi hỏi người tiến hành tố tụng không chỉ có kiến thức pháp luật mà còn phải có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực đặc thù. Chính vì thế, Dự thảo Luật đã có quy định mới về điều kiện của Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái trao đổi với đại biểu Quốc hội Tây Ninh Nguyễn Mạnh Tiến.
Và theo quy định tại khoản 2 Điều 122 của Dự thảo Luật, người được bầu làm Hội thẩm Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt bên cạnh đáp ứng tiêu chuẩn chung thì phải có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm công tác trong các lĩnh vực đặc thù để tham gia xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.
Quy định này hoàn toàn hợp lý, nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt. Tuy vậy, tiêu chuẩn của Thẩm phán Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt lại không có sự khác biệt so với Thẩm phán của các Toà án khác. Vì thế, đại biểu đề nghị cần cân nhắc bổ sung tiêu chuẩn về kiến thức chuyên môn của thẩm phán Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.
Tố Tuấn