Tại phiên thảo luận ở hội trường ngày 25.5.2012, các đại biểu tập trung thảo luận nhiều vấn đề về mô hình hệ thống giáo dục đại học và cơ cấu tổ chức giáo dục đại học; việc phân tầng cơ sở giáo dục đại học; chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của hội đồng trường; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học...
Luật Giáo dục đại học là luật được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và các vị đại biểu Quốc hội. Trong quá trình thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đã góp nhiều ý kiến để Ban soạn thảo tiếp thu nhiều nội dung quan trọng. Cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã nghiêm túc tiếp thu, dày công nghiên cứu và lắng nghe ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.
Tại phiên thảo luận ở hội trường ngày 25.5.2012, các đại biểu tập trung thảo luận nhiều vấn đề về mô hình hệ thống giáo dục đại học và cơ cấu tổ chức giáo dục đại học; việc phân tầng cơ sở giáo dục đại học; chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của hội đồng trường; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học...
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) phát biểu cơ bản đồng thuận với những ý kiến giải trình tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Giáo dục đại học, tuy nhiên đại biểu có thêm một số ý kiến như sau:
ĐBQH Nguyễn Thành Tâm đang phát biểu |
Về những vấn đề liên quan đến cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục đại học, góp ý về nội dung Hội đồng trường và Hội đồng đại học. Dự thảo luật đã xác định cần thiết lập cơ chế Hội đồng trường, Hội đồng đại học và quy định vai trò quản trị cũng như đại diện cho chủ sở hữu trong các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, trong luật chưa xác định rõ thẩm quyền, mối quan hệ của Hội đồng nhà trường, Hội đồng giáo dục đối với hiệu trưởng của nhà trường. Cơ quan soạn thảo cần xác định rõ hơn thẩm quyền, mối quan hệ trong luật để đảm bảo Hội đồng quản trị, Hội đồng điều hành thực hiện đúng vai trò là cơ quan luật định, được giao nhiệm vụ và kiểm soát hoạt động của hiệu trưởng, còn hiệu trưởng là người thực hiện các nhiệm vụ do Hội đồng trường, Hội đồng giáo dục đại học giao. Đại biểu Tâm đề nghị nên cân nhắc xem có cho phép Hiệu trưởng nhà trường làm Chủ tịch Hội đồng nhà trường hay không, bởi vì nếu quy định cùng một người vừa làm bên cơ quan kiểm soát nhưng đồng thời vừa là cơ quan thực hiện thì tính độc lập không cao.
Trong quy định ở Chương II về cơ cấu tổ chức, đại biểu Tâm đề nghị xem xét ở Điều 26 về thủ tục thành lập, cho phép thành lập các hợp đồng đào tạo đối với các cơ sở giáo dục đại học. Trong luật chỉ đưa ra các luật khung mà chưa cụ thể về trình tự thủ tục và giao cho Chính phủ hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Đại biểu Tâm cho rằng, quy định trong luật như vậy là chưa phù hợp với xu hướng về cải cách hành chính, tất cả các thủ tục đều cần phải công khai, minh bạch.
Về quản lý chất lượng giáo dục đại học, đại biểu Nguyễn Thành Tâm đồng ý đưa cơ chế kiểm định chất lượng giáo dục đại học vào trong luật và công khai sử dụng kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học để thực hiện các công việc quản lý. Đại biểu Tâm nhận định, trong thời gian qua vấn đề quản lý chất lượng giáo dục đại học là vấn đề rất bức xúc, nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để. Lần này dự thảo luật mong muốn xác định một cơ chế, nhưng cơ chế này chỉ nêu về mặt nguyên tắc, như vậy khi luật này có hiệu lực (vào tháng 1.2013) thì vẫn phải tiếp tục chờ. Cứ chờ như vậy thì những vấn đề về quản lý chất lượng giáo dục đại học mà luật đặt ra sẽ chưa được thực thi một cách có hiệu lực, hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm còn cho rằng, cần phải thực hiện các biện pháp quản lý về chất lượng giáo dục đại học, bởi nói gì thì nói, chất lượng giáo dục đại học là vấn đề rất quan trọng đối với việc đào tạo nguồn nhân lực. Trong khi thực tiễn cho thấy là thời gian qua chất lượng giáo dục đại học có nhiều vấn đề bất cập. Trong vấn đề quản lý đại học, đại biểu Tâm đặt vấn đề: Nếu như để cho các trường đại học tự do một cách thái quá, tự chủ hoàn toàn mà không có sự kiểm soát, quản lý của Nhà nước thì rất khó trong việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực. Sắp tới cần có biện pháp đảm bảo người học có được chất lượng đào tạo rất cơ bản. Trong luật phải quy định một cơ chế để đảm bảo quyền lợi cho người học. Không thể để tình trạng Nhà nước cứ xử lý về mặt hành chính, hoặc các xử lý khác như đóng cửa trường, mà không tính tới quyền lợi của người học thì thiệt thòi rất lớn cho người học.
Duy Bình (lược ghi)