Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sau khi tiến hành thảo luận ở tổ sáng 6/1, sáng 7/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quang cảnh phiên họp chiều 6/1. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng 7/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nội dung này đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ vào sáng 6/1.
Quy hoạch tổng thể quốc gia nêu tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7,5%/năm.
GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD.
Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70-75%.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.
Để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra, Quy hoạch tổng thể quốc gia nêu ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch. Trong đó, hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia...
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19; Đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Cuối phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.
Nguồn TTXVN/Vietnam+