Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV:
Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế
Thứ ba: 11:10 ngày 09/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, sáng 8.11, Quốc hội tiến hành họp tập trung tại Hà Nội. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương phát biểu thảo luận tại hội trường.

Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh, ông Huỳnh Thanh Phương nhận định, trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 gây ra những khó khăn, thách thức rất lớn, phức tạp, khó lường chưa từng gặp từ trước tới nay.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sâu sắc của Bộ Chính trị, sự vào cuộc kịp thời và trách nhiệm của Quốc hội, những giải pháp và sự điều hành đúng đắn, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự nỗ lực vượt khó của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành y tế, của các địa phương và toàn dân, sự đóng góp mạnh mẽ của các doanh nghiệp, chúng ta đã chèo lái, giữ được trạng thái an toàn và có bước phát triển nhất định trên một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước.

Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế 9 tháng chỉ đạt 1,42%, nhưng trong bối cảnh đầy cam go do dịch bệnh, có thể khẳng định đó là một sự thành công. Trong đó, rất đáng ghi nhận trên các lĩnh vực như thu ngân sách đạt mức cao; xuất nhập khẩu tăng 24,4% trong đó xuất khẩu tăng 18,8%; nông lâm thuỷ sản đạt mức tăng trưởng 2,74%; công nghiệp – xây dựng đạt mức tăng trưởng 3,57%.

Nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động nhằm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, lưu thông hàng hoá, xuất nhập khẩu trong thời kỳ giãn cách xã hội, cũng như cho giai đoạn bình thường mới đều được cân nhắc kỹ trước khi ban hành, bước đầu tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, công tác đối ngoại, nhất là ngoại giao vaccine, ngoại giao kinh tế, đối ngoại quốc phòng, an ninh đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, vừa bảo đảm lợi ích quốc gia, đẩy lùi nguy cơ, giữ vững độc lập chủ quyền, vừa tiếp tục làm lan toả vị thế, uy tín, trách nhiệm, tình cảm và cam kết của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đồng thời, thông qua công tác đối ngoại chúng ta đã nhanh chóng tiếp cận được các công cụ phòng chống dịch Covid-19 với khối lượng lớn, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và đưa kinh tế xã hội trở về trạng thái bình thường mới.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng, cử tri, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực trong giai đoạn khó khăn vừa qua; chia sẻ những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, điều hành đất nước của Đảng và Nhà nước; đồng thời sẽ tiếp tục đồng hành cùng cả hệ thống chính trị để vượt qua thách thức của chẳng đường phía trước.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2021 và trong năm 2022, đại biểu Huỳnh Thanh Phương kiến nghị một số giải pháp. Trong đó, đại biểu nhấn mạnh, những chủ trương, biện pháp Chính phủ đã đề ra là khá toàn diện, phù hợp, vấn đề còn lại là được tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, sáng tạo và hiệu quả.

Đại biểu cũng kiến nghị, từ thực tế cho thấy, sức chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân không cho phép thực hiện giãn cách xã hội dài ngày, dài tháng và trên phạm vi rộng; và theo đại biểu việc mở cửa trở lại nền kinh tế là hết sức cần thiết, cấp bách.

Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị tốc độ, phạm vi và tính bền vững của mở cửa trở lại nền kinh tế phải đi cùng với công tác phòng chống dịch, đó là ý thức chấp hành nghiêm túc quy định 5K; độ bảo phủ của vaccine; mức độ dồi dào công cụ và thuốc chữa Covid-19; sự hiểu biết về phòng, chống dịch, khả năng tự xét nghiệm, tự chữa bệnh của người dân theo hướng dẫn của ngành y tế; năng lực và trách nhiệm của y tế tuyến đầu, y tế cơ sở, năng lực và trách nhiệm chữa các ca bệnh trung bình và nặng của bệnh viện tuyến trên.

Theo đại biểu, để đáp ứng những yêu cầu đó, đòi hỏi Chính phủ tiếp tục nỗ lực và có biện pháp thích hợp để người dân nâng cao ý thức và năng lực phòng chống dịch bệnh; thực hiện các biện pháp ngoại giao vaccine và thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để đảm bảo chủ động phòng chống dịch.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương nhấn mạnh, ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Vì vậy, cần kết hợp một cách chặt chẽ, khoa học giữa chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ, vừa bảo đảm nguồn cung cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm chỉ số lạm phát trong giới hạn đủ lớn của người tiêu dùng đối với hàng nội địa; quảng bá thích hợp, tạo tâm lý ưa chuộng, yêu thích tiêu dùng hàng nội địa của người dân.

Bên cạnh đó, nâng cao khả năng chi trả của người dân như tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện tín dụng tiêu dùng hợp lý, hoàn thiện hơn nữa các kênh phân phối, vận chuyển, giao thương, hạ giá thành sản phẩm hàng hoá; đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư và người dân xây dựng các công trình thiết yếu, cải tạo nhà cửa, cơ sở chăn nuôi, tăng gia, sản xuất, kinh doanh;  tiếp tục thực hiện tốt cam kết trong các hiệp định đầu tư, thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia. Trước mắt, thực hiện tốt các cam kết trong đánh bắt thuỷ sản, hải sản, kết hợp với ngoại giao để EU xoá bỏ thẻ vàng cho Việt Nam.

Nghiêm túc thực hiện các quy định về chất lượng, giá cả của hàng hoá và dịch vụ; quy định về chống bán phá giá và bảo hộ mậu dịch. Bên cạnh đó, hết sức tránh xung đột lợi ích thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm, khai báo xuất xứ hàng hoá…, từ đó giữ vững và phát triển thị trường thế giới, nâng cao kim ngạch xuất khẩu.

Tố Tuấn​ (lược ghi)

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục