Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, sáng 23.5, các đại biểu thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ sáng 23.5
Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tham gia thảo luận tại tổ 11, gồm các tỉnh Sơn La, Tuyên Quang và TP.Đà Nẵng.
Tán thành với báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024 của Chính phủ, các đại biểu nhận định kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh là những thành tựu nổi bật, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 cũng còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục như: tăng trưởng kinh tế theo giai đoạn có xu hướng giảm dần, chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, chậm được cải thiện; tăng trưởng kinh tế 2023 không đạt mục tiêu, tạo thách thức rất lớn cho mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025…
Qua thảo luận tổ, các đại biểu nhận định, để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế và các mục tiêu nhiệm vụ khác trong năm 2024, Chính phủ cần tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thực sự chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.
Đại biểu cũng đề nghị cần duy trì ổn định thanh khoản và giữ vững an toàn hệ thống ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp, người dân.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương- Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phát biểu thảo luận tại tổ.
Cũng tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) đề nghị Chính phủ cần có đánh giá toàn diện để có giải pháp hữu hiệu trong việc quản lý và sử dụng pháo trong thời gian tới. Vì theo đại biểu, hiện nay công tác quản lý còn gặp rất nhiều khó khăn, quy định chỉ có Bộ Quốc phòng được phép sản xuất và bán, nhưng thực tế trên thị trường vẫn bán tràn lan.
Bên cạnh đó, việc phân biệt, quản lý giữa pháo hoa và pháo nổ chưa rõ ràng, dẫn tới nguy cơ cháy nổ, tai nạn và tội phạm buôn bán pháo lậu gia tăng. Với quan điểm cá nhân, đại biểu đề nghị cấm việc sản xuất và sử dụng pháo hoa, chỉ sản xuất khi có yêu cầu đặt hàng của các cơ quan chức năng.
Thảo luận nhận định và giải pháp trong thời gian tới, về lĩnh vực đầu tư, đại biểu Phương đề nghị cần quyết tâm thực hiện giải ngân đầu tư công, có chính sách tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công, cụ thể cần có chính sách khen thưởng, xử phạt hợp lý đối với các công trình, dự án đầu tư công. Đối với các công trình, dự án đúng tiến độ, chất lượng cao thì cần khen thưởng động viên kịp thời, còn đối với các công trình hoàn thành chậm, tiến độ kéo dài và đội vốn phải có cơ chế xử phạt, đồng thời không cho tham gia đấu thầu các dự án, công trình tiếp theo.
Về lĩnh vực tiêu dùng, đại biểu Phương đề nghị cần kích thích tiêu dùng trong nước, tiếp tục cải cách chính sách tiền lương cả trong khu vực công và khu vực tư; tiếp tục quan tâm hỗ trợ chính sách an sinh xã hội tốt hơn; xem xét giảm thuế và chi phí cần thiết để kích cầu; tiết kiệm chi tiêu trong ngân sách Nhà nước, cũng như thúc đẩy tăng trưởng tín dụng kích thích.
Về lĩnh vực thị trường, đại biểu Phương đề nghị cần mở rộng thị trường xuất khẩu, cũng như đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu ban hành tiêu chí cụ thể về sản xuất xanh; bên cạnh đó, cần khai thác tốt thị trường trong nước.
Tố Tuấn
(lược ghi)