Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 07/11, Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về Dự án Luật Chăn nuôi. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận.
Toàn cảnh phiên thảo luận Dự thảo Luật Chăn nuôi
Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật Chăn nuôi. Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến phát biểu của các Đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ và Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan có liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật. Ngày 10/8/2018, tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật theo ý kiến tại kỳ họp 5.
Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Chăn nuôi tại kỳ họp thứ 6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự tán thành cao với báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đánh giá Dự thảo lần này được bố cục rõ ràng, hợp lý, tương đối đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Cho ý kiến về vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi, một số đại biểu Quốc hội chỉ ra rằng, vấn đề xử lý chất thải trong chăn nuôi bao gồm rất nhiều nội dung như xử lý chất thải ở cơ sở chăn nuôi trang trại; xử lý tiếng ồn từ chăn nuôi; xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ; nguyên tắc quản lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; quản lý cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi…Những vấn đề này đang gây nhức nhối, ảnh hưởng đến đời sống con người nhất là chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại, tuy nhiên Dự thảo luật lại chung chung, thiếu các quy định chế tài, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý tại địa phương; chưa đi sâu, cụ thể về nội dung của các quy định này, trong khi việc xử lý chất thải chăn nuôi nếu không được đảm bảo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến con người và môi trường. Do đó đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn về trách nhiệm, quyền hạn của ngành nông nghiệp, ngành tài nguyên môi trường và chính quyền địa phương về nội dung này.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường
Quan tâm đến nội dung về đối xử nhân đạo với vật nuôi, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc – tỉnh Bình Thuận, cho rằng, qua nghiên cứu dự thảo Luật được Chính phủ trình, các quy định trong dự thảo Luận chủ yếu đề cập đến các điều kiện đối xử với vật nuôi như: vệ sinh chuồng trại, không gian, diện tích chăn nuôi, thức ăn, nước uống cho vật nuôi ở Điều 68; điều kiện về viêc sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi ở Điều 69; và điều kiện về cơ sở giết mổ được quy định ở Điều 70. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đề nghị, ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi tên Mục 2 cũng như các Điều cụ thể trong mục này thành “điều kiện đối xử đối với vật nuôi” thay vì “đối xử nhân đạo với vật nuôi”. Như vậy, Điều 68 sẽ là “Điều kiện đối với vật nuôi trong chăn nuôi”; Điều 69 sẽ là “ Điều kiện với vật nuôi trong vận chuyển”; Điều 70 sẽ là “Điều kiện với vật nuôi trong giết mổ”.
Cùng mối quan tâm, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, “đối xử nhân đạo vs vật nuôi” là tâm nguyện của nhiều người dân, tuy nhiên cụm từ “ đối xử nhân đạo với vật nuôi” trong Dự thảo Luật là chưa phù hợp” . Các đại biếu đề nghi cân nhắc sử dung cụm từ này, bởi “nhân đạọ” là cách dùng từ để nói cách đối xử với con người, ko thế nói với con vật. Do đó, các đại biểu đề nghị thay là “đối xử ko tàn bạo với vật nuôi” cho hợp lý.
Cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai - tỉnh Hưng Yên, cho rằng, Điều 33,34 về công bố sản phẩm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc; công bố sản phẩm thức ăn bổ sung đã quy định chặt chẽ hơn nhiều so với Dự thảo tại kỳ 5. Tuy nhiên, tại Dự thảo lần này có quy định sản phẩm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tự công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đại biểu băn khoăn việc quy định như này có đảm bảo tính chặt chẽ, đảm bảo được sự tiếp cận dễ ràng, khách quan của người dân. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra cần rà soát lại các quy định về nội dung này.
Giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội rất xác đáng, trách nhiệm, xuất phát từ tình hình thực tế tại các địa phương; Bộ sẽ tập hợp lại toàn bộ ý kiến của các đại biểu, ý kiến nào hợp lý cần phải tiếp thu thì sẽ tiến hành khẩn trương, ý kiến nào không tiếp thu thì Bộ sẽ có sự giải trình cụ thể tới các đại biểu.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội; chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các cơ quan có liên quan hoàn chỉnh Dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét thông qua theo đúng quy trình./.
Nguồn quochoi