Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quốc hội thảo luận trực tuyến góp ý các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Đầu tư (sửa đổi)
Thứ tư: 09:19 ngày 27/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thứ ba (ngày 26.5), buổi sáng Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Sau đó, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

ĐBQH tỉnh Tây Ninh tham dự phiên họp trực tuyến của Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Cần quy định rõ địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội

Mởi đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Sơn (Thanh Hóa) đề nghị số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% để tăng tính chuyên nghiệp, góp phần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; đây cũng là ý kiến của đa số các ĐBQH tại phiên thảo luận.

Đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu cơ chế dành tỷ lệ ít nhất là 5% cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đủ các điều kiện về sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác, có trí tuệ, uy tín và bản lĩnh để có thể tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách, mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội.

Về phụ cấp và các chế độ đảm bảo cho hoạt động của đại biểu và Đoàn đại biểu, tại Điều 42, các ĐBQH đều tán thành kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu và ĐBQH là do ngân sách trung ương đảm bảo nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn ĐBQH, đảm bảo ĐBQH không bị lệ thuộc vào địa phương

Về địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH (Điều 33), đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị bổ sung quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu bên trong, như vị trí, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn, các đại biểu thành viên hoạt động của Đoàn; mối quan hệ công tác của Đoàn ĐBQH với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, quan hệ với hệ thống chính trị ở địa phương và mỗi ĐBQH thuộc đoàn như thế nào.

Đại biểu đề nghị xác định rõ Đoàn ĐBQH là một chế định của Quốc hội, là thành phần, cơ cấu bên trong của Quốc hội, là cánh tay nối dài của Quốc hội ở địa phương, là chủ thể có địa vị pháp lý đầy đủ trong hệ thống chính trị và trên cơ sở đó mà thiết kế hướng trao cho Đoàn ĐBQH một số quyền, trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể, có như vậy mới thấy rõ địa vị chính trị chính danh của Đoàn đại biểu Quốc hội được. Đa số ý kiến của các ĐBQH cũng đồng thuận theo ý kiến của đại biểu Thắng.

Về chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Đa số ý kiến đại biểu đề nghị nâng cấp ban này lên thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Về Văn phòng phục vụ Đoàn ĐBQH, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng việc có hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND cấp tỉnh hay không, đại biểu đề nghị cần xem xét thấu đáo, khoa học, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này; tránh thực hiện một cách máy móc mang tính lắp ghép, cơ học, quan trọng là làm sao để tổ chức bộ máy tinh gọn và hoạt động có hiệu quả. Nhiều ĐBQH cũng đồng thuận quan điểm này.

Về kinh phí đảm bảo hoạt động và bộ máy giúp việc của Đoàn ĐBQH, tại khoản 4 Điều 43; điểm d khoản 1 Điều 99 và Điều 111, đa số ý kiến ĐBQH cho rằng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, HđND cấp tỉnh ở địa phương vẫn còn nhiều nội dung công việc mang tính đặc thù riêng nên kinh phí phục vụ các hoạt động cụ thể của từng chủ thể này cần đảm bảo các chế độ phù hợp, để thu hút các nguồn lực và tài năng tham gia cống hiến, phục vụ.

Tránh tình trạng chỉ tập trung phục vụ cho một cơ quan do hưởng lương và các chế độ, bởi quy định này làm giảm hiệu quả hoạt động của từng cơ quan cụ thể, trong đó có hoạt động của Đoàn ĐBQH sau khi thực hiện sáp nhập.

Về hiệu lực thi hành tại Điều 2, đại biểu Phan Thanh Bình (Quảng Nam) đề nghị lùi lại thời hạn thi hành và đưa lên trước, từ ngày 01/01/2021, bởi vì dự kiến tháng 5/2021 chúng ta bầu cử Quốc hội khóa XV mà tháng 7/2021 Luật mới có hiệu lực, có nghĩa luật này sẽ áp dụng cho khóa XVI chứ không phải khóa XV, trong khi Luật này quy định rất nhiều nội dung, đặc biệt là tỷ lệ đại biểu chuyên trách và nhiều vấn đề khác.

Cấm hay không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Buổi chiều, Quốc hội nghe Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Sau đó, các đại biểu thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), các ý kiến đại biểu đều tán thành với phạm vi điều chỉnh được quy định của dự thảo luật gồm các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài là đầy đủ, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay.

Vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận và tranh luận là việc đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đa số ý kiến đại biểu cho rằng kinh doanh dịch vụ đòi nợ là loại hình kinh doanh có điều kiện, nhưng thực tế hiện nay cho thấy dịch vụ đòi nợ của đa số các công ty đòi nợ lại đang biến tướng, bất chấp pháp luật, gây nhiều hành vi nguy hiểm khiến cho dư luận bất an; do vậy, cần cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng thực tế đóng góp của ngành, nghề này không lớn hơn so tác hại gây ra, đồng thời kinh doanh dịch vụ đòi nợ bản chất là quan hệ dân sự và các quan hệ xã hội được điều chỉnh ở pháp luật hiện tại nên cần phải cấm dịch vụ này.

Đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) cho rằng việc không xử lý được nợ không chỉ ảnh hưởng đến quyền tài sản của chủ nợ mà đôi khi mang đến hệ lụy pháp lý rất phức tạp. Vì vậy, thực tế nhiều cá nhân, doanh nghiệp vẫn phải tìm đến dịch vụ đòi nợ vì tính tiện dụng và hiệu quả. Chính phủ đã có quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ rất sớm, rất chặt chẽ tại Nghị định 104/2007. Do vậy, đại biểu đề nghị không nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) tranh luận không đồng tình với lý luận của các đại biểu khác đã phát biểu về việc đồng ý quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đại biểu cho rằng không có một doanh nghiệp lao động nào mà công cụ lao động ở đây là dao kiếm và phương thức, thủ đoạn để đạt mục đích là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực; nếu quy định như thế thì sẽ dẫn tới sự an nguy cho xã hội, thể hiện sự bất lực của nhà nước trong việc quản lý xã hội bằng pháp luật và cơ bản nữa nó gây ra hoang mang trong xã hội và một phần nào đó sẽ dẫn tới mất niềm tin của nhân dân.

Do còn có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức xin ý kiến các vị ĐBQH.

Về tính công khai, minh bạch của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) gồm 78 điều nhưng có đến 24 điều khoản được giao cho Chính phủ quy định chi tiết, chiếm tới trên 30%, đại biểu đề nghị với các quy định tại các Nghị định của Chính phủ thực hiện Luật Đầu tư năm 2015 đã ổn định và đã lượng hóa thì đưa vào luật nhằm hạn chế việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết, tăng tính công khai, minh bạch của dự thảo luật, tránh tình trạng càng sửa đổi càng hạn chế tính công khai, minh bạch.

Về cơ chế giải quyết tranh chấp trong hợp đồng đầu tư kinh doanh, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng Điều 14 dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định về giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh nhưng quy định này còn rất chung chung, để hạn chế và phòng ngừa các tranh chấp đầu tư kinh doanh, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nước ngoài, đại biểu đề nghị quy định hoặc Chính phủ có hướng dẫn cơ chế và phương thức giải quyết tranh chấp một cách rõ ràng và cụ thể hơn.

Về chuyển nhượng dự án đầu tư, đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm các điều kiện về kiểm soát hoạt động chuyển nhượng dự án, tương tự như đối với các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Ví dụ quy định nhà đầu tư phải thực hiện được một phần dự án theo đúng tiến độ đã được phê duyệt hoặc trong trường hợp vì lý do khách quan, bất khả kháng mà không thể tiếp tục thực hiện dự án thì mới được phép chuyển nhượng. Điều này giúp đảm bảo việc đề xuất dự án là thực chất, không phải lập dự án để chuyển nhượng hưởng chênh lệch như hiện nay.

Ngoài ra, các đại biểu còn tập trung thảo luận về danh mục kinh doanh có điều kiện; về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; về lựa chọn nhà đầu tư; về dự án đầu tư có liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng; về xử lý tranh chấp về rừng và chấm dứt các dự án đầu tư; về chuyển nhượng dự án đầu tư; về năng lực của các nhà đầu tư…

Trước đó, tại ngày làm việc thứ 5 kỳ họp thứ 9 (25.5), Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Hôm nay (27.5) Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Kim Chi

Tin cùng chuyên mục