Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO)- Ngày 7.11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 14 ở hội trường để thảo luận dự án Luật quản lý ngoại thương và dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV - Ảnh quochoi.vn |
Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu cho rằng, phải khẳng định phòng vệ thương mại là một nội dung hết sức cần thiết, vô cùng quan trọng gắn liền với hoạt động ngoại thương cần được quan tâm sâu sắc để bảo vệ thị trường nội địa trước sự thâm nhập của hàng hóa nước khác, trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng… do đó, việc ban hành Luật Quản lý ngoại thương là hết sức cần thiết.
Về tên gọi của Luật, có ý kiến đại biểu cho rằng, với tên gọi Luật Quản lý ngoại thương có thể dễ gây hiểu lầm luật chỉ tập trung về phần quản lý, còn về phần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, tạo điều kiện để ngoại thương phát triển chưa được quan tâm thỏa đáng, do vậy đại biểu đề nghị nên chỉnh tên gọi là Luật Ngoại thương.
Về nguyên tắc quản lý nhà nước về ngoại thương được quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng đây là nội dung quan trọng thể hiện sự tăng cường công tác quản lý của nhà nước; tuy nhiên việc thể hiện các nội dung trên tại các khoản của điều này chưa rõ, còn trùng lắp.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật, các đại biểu nhất trí với việc xây dựng Luật theo hướng là một đạo luật hoàn chỉnh quản lý hoạt động ngoại thương hàng hóa, không điều chỉnh đối với ngoại thương dịch vụ như Tờ trình của Chính phủ. Cũng về nội dung phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật Quản lý ngoại thương tại các Điều 44, 45, 46, 47 có quy định về quá cảnh hàng hóa. Việc thực hiện quá cảnh hàng hóa chỉ là việc vận chuyển hàng hóa của tổ chức cá nhân nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam, không phải là hành vi mua bán hàng hóa, không có việc chuyển sở hữu hàng hóa từ người bán sang người mua.
Do vậy, đại biểu cho rằng việc thực hiện quá cảnh hàng hóa là hoạt động ngoại thương dịch vụ, không phải là ngoại thương hàng hóa, không trong phạm vi điều chỉnh theo hướng ban đầu xây dựng Luật. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn căn cứ của nội dung này để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật.
Về các điều kiện áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, Điều 79, Điều 87, Điều 93 của dự thảo, có ý kiến đại biểu cho rằng các điều kiện nêu tại các điều khoản này chỉ bao gồm các điều kiện “cứng” theo quy định bắt buộc của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) mà chưa có điều kiện “mềm” nhưng rất quan trọng đối với Việt Nam là điều kiện về lợi ích kinh tế - xã hội…, do đó đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung một khoản vào các Điều 79, 87, 93 dự thảo với nội dung thiết kế như quy định hiện tại của Khoản 2, Điều 19 Pháp lệnh tự vệ, như: Biện pháp bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ…
Về trình tự, thủ tục điều tra, Điều 70 dự thảo quy định thủ tục, trình tự điều tra phòng vệ thương mại. Có ý kiến đại biểu cho rằng chưa thể hình dung được trình tự của cuộc điều tra cụ thể; luật chưa có quy định nào về các giai đoạn cơ bản của điều tra, điều tra sơ bộ, điều tra cuối cùng, rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ, không có thủ tục phiên điều trần. Bên cạnh đó cần quy định rõ về quyền tố tụng của các bên nguyên đơn, bị đơn, bên liên quan, chi tiết, phân biệt từng nhóm riêng, không phải nêu chung chung, quá ngắn như dự thảo.
Về cơ quan có quyền trong phòng vệ thương mại,từ Điều 73 đến Điều 76 dự thảo Luật quy định liên quan tới các cơ quan có thẩm quyền trong vụ việc phòng vệ thương mại, bao gồm: cơ quan điều tra, hội đồng chống bán phá giá, chống trợ cấp. Có đại biểu cho rằng, các quy định này của dự thảo còn chưa đầy đủ, chưa thật hợp lý, cần được xem xét điều chỉnh.
Đồng thời, dự thảo luật chưa có quy định về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong vụ việc, mặc dù rải rác trong các quy định ở từng phần riêng lẻ đã có, nhưng như vậy chưa đủ.
Đối với dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các đại biểu cho rằng khi xây dựng Luật này cần phải đảm bảo tính kế thừa, phát huy tốt những quy định hợp lý, hiệu quả pháp lệnh, hạn chế những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về lĩnh vực này trong tình hình hiện nay.
Công an Tây Ninh kiểm tra vũ khí-vật liệu nổ-công cụ hỗ trợ do người dân giao nộp- Ảnh minh hoạ |
Về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến đại biểu thống nhất như dự thảo Luật, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định về pháo nổ, pháo hoa, vì tại Khoản 7, Điều 3 về giải thích từ ngữ thì pháo nổ, pháo hoa cũng tương tự như vật liệu nổ, có ảnh hưởng rất lớn tới trật tự, an toàn xã hội, gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe và lợi ích hợp pháp của công dân.
Về đối tượng hay lực lượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ được quy định tại Điều 17, Điều 26, Điều 51 của dự thảo Luật. Có ý kiến đại biểu đề nghị dự thảo luật bổ sung cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ, vì đây là cơ quan điều tra chuyên trách, có thẩm quyền điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng chức vụ và các đối tượng phạm tội thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra…
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đại biểu đề nghị xem lại việc trang bị vũ khí cho cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, vì tính chất của hoạt động điều tra và đối tượng điều tra của lực lượng này chủ yếu là cán bộ nhà nước nên không nhất thiết phải sử dụng vũ khí quân dụng; hoặc nếu trang bị vũ khí quân dụng thì cũng chỉ cần súng ngắn là phù hợp, không nhất thiết phải trang bị tới mức độ súng tiểu liên như trong Điều 18 của dự thảo Luật quy định.
Về quy định nổ súng ở Điều 21, các đại biểu cơ bản thống nhất với những quy định về việc nổ súng như dự thảo Luật. Riêng ở Điểm 3, những trường hợp nổ súng sau khi đã cảnh báo, trong đó Mục a, b quy định: “Trường hợp đối tượng dùng vũ lực để chống trả người thi hành công vụ, nếu đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác, hoặc dùng vũ lực gây rối trật tự công cộng, uy hiếp nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì nổ súng sau khi đã cảnh báo”.
Có ý kiến đại biểu cho rằng quy định như vậy không phù hợp và dễ bị lạm dụng. Sử dụng vũ lực là dùng sức mạnh, thể chất có hoặc không có công cụ phương tiện tác động đến thân thể người khác và trong điều luật này cũng đã liệt kê các hành vi dùng vũ lực có công cụ là vũ khí, vật liệu nổ và phương tiện. Đại biểu đề nghị bỏ trường hợp này trong Mục a, b ở Điểm 3, Điều 5.
Về doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp được quy định tại Điều 35 của dự thảo Luật, đại biểu đồng tình chỉ doanh nghiệp nhà nước mới được sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp. Đồng thời phân định rõ hoạt động sản xuất với hoạt động kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp theo hướng: doanh nghiệp sản xuất chỉ thực hiện chức năng sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh chỉ thực hiện chức năng kinh doanh…
Tại phiên họp buổi chiều cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
Hôm nay (8.11), Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật thủy lợi, dự án Luật du lịch (sửa đổi); thảo luận ở Hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp và biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Kim Chi (lược ghi)