Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Dự thảo Luật cần quy định cụ thể chế tài xử lý nghiêm minh, đủ mạnh và có tính răn đe cao; tuyên truyền pháp luật nâng cao nhận thức cho cá nhân, tổ chức về đo lường để Luật ban hành dễ dàng đi vào cuộc sống.
Chiều 18.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đo lường. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên điều khiển phiên họp.
Hoạt động đo lường giữ vai trò quan trọng đối với đời sống, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đo lường đã được xây dựng, hệ thống đo lường đã từng bước phát triển và hoạt động đo lường đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Một trong những yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam hiên nay là phải thống nhất đo lường theo hệ đơn vị đo lường quốc tế (SI) và các quy định của các tổ chức đo lường thế giới mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, tăng cường việc thỏa thuận, thừa nhận lẫn nhau (MRA) về đo lường.
Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về đo lường, hệ thống đo lường đã bộc lộ một số bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân như đo lường trong kinh doanh xăng dầu, taxi... làm ảnh hưởng đến hoạt động đo lường.
Thảo luận về Dự án Luật Đo lường, đa số đại biểu cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc ban hành Luật Đo lường là rất cần thiết, nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; bảo đảm hoạt động đo lường từng bước thống nhất và chính xác, góp phần bảo đảm công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) băn khoăn Dự án Luật chưa cụ thể và rõ ràng đối với từng đối tượng áp dụng và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay của xã hội. Theo đại biểu, việc mua bán ảnh hưởng thiệt hại đến quyền lợi, xử lý vấn đề này cụ thể ra sao, trong khi Luật mới chủ yếu nặng về quy định đối với cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, đại biểu đề nghị Dự thảo Luật cần phải xem xét lại cụ thể.
Đại biểu Đặng Như Lợi cũng đề nghị cần làm rõ “đo lường là gì?”. Theo đại biểu, đo lường là việc xác định trọng lượng, khối lượng, số lượng và một số thông số khác theo quy chuẩn nhằm bảo đảm sự công bằng trong quan hệ mua bán, trao đổi, giao dịch hàng hóa dịch vụ và những phát sinh khác của các bên trong quan hệ dân sự hành chính.
Đại biểu Võ Thị Dễ (đoàn Long An) cho rằng lĩnh vực đo lường liên quan đến sức khỏe con người như dược phẩm, y tế... là những vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhưng chưa được quy định cụ thể trong Dự thảo Luật này. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung những quy định chặt chẽ hơn đối với các phương tiện đo liên quan. Cụ thể tại Điều 14, cần bổ sung các phương tiện đo trong lĩnh vực y tế, y dược và trang thiết bị y tế như máy móc xét nghiệm chẩn đoán bệnh, các phương tiện đo để điều trị.
Bên cạnh đó, việc đề nghị đo lường là một lĩnh vực khoa học kỹ thuật mang tính chuyên ngành nên từ ngữ nếu không được tiếp cận thường xuyên thì không thể hiểu được, vì thế quy định trong Dự thảo Luật cần được rà soát thuật ngữ rõ hơn, dễ hiểu để thuận lợi khi đưa vào thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) có ý kiến đề nghị Dự thảo Luật bổ sung điều chỉnh về đo lường khoa học và đo lường công nghiệp. Theo đại biểu, nhiều nước đã xây dựng luật liên quan đo lường khoa học và đo lường công nghiệp. Nếu chúng ta chưa xây dựng được thì Dự thảo Luật này cần có một chương riêng đề điều chỉnh chung vấn đề về đo lường khoa học và công nghiệp.
Bàn về chính sách tại Điều 5, đại biểu Nguyễn Thị Mai đồng tình với đề nghị bổ sung quy định về chính sách thúc đẩy xã hội hóa hoạt động hiệu chuẩn, thử nghiệm, kiểm định, sản xuất phương tiện đo. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần đầu tư xây dựng những phòng thí nghiệm cấp quốc gia phục vụ cho các lĩnh vực trọng yếu, bức xúc đặt tại các trung tâm lớn của đất nước. Có vậy mới phát huy được tiềm lực của mỗi thành phần kinh tế trong phối hợp nhà nước và nhân dân cùng hiệp lực. Cần đầu tư và đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực để làm công tác đo lường, xem đây là nguồn lực quan trọng quyết định để đo lường tiếp tục duy trì và phát triển.
Đề cập số phương tiện đo hiện nay còn 30 - 40% thuộc danh mục nhưng chưa được kiểm định gây thiệt hại cho người tiêu dùng, bên cạnh đó, còn một số không nhỏ tổ chức kiểm định phương tiện đo trong các lĩnh vực điện năng, nước sạch, xăng, dầu… cũng đồng thời là doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa dịch vụ này đã gây hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Để khắc phục những bất cập trên đảm bảo tính khách quan chính xác và minh bạch bảo vệ người tiêu dùng, khách quan trong mua bán, các đại biểu đề nghị cần có đơn vị kiểm định thiết bị đo lường độc lập, đạt tiêu chuẩn quốc tế công nhận để đảm đương nhiệm vụ này; đồng thời góp phần để hệ thống đo lường nước ta phù hợp với hệ thống đo lường quốc tế và các chứng chỉ chấp nhận ở mức độ toàn cầu.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Thị Tuân (Bắc Giang) lại nêu ý kiến không cần thiết phải quy định 1 Chương riêng về hoạt động kiểm tra đo lường trong Dự thảo Luật này mà hoạt động kiểm tra đo lường thực hiện theo các quy định của Luật Thanh tra.
Đại biểu Rcom Sa Duyên (Gia Lai) đề nghị tại khoản 2, Điều 12 về sử dụng chuẩn chính, chuẩn công tác cần bổ sung quy định cụ thể trong những trường hợp nào thì thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền cấp nào quyết định việc sử dụng chuẩn chính, chuẩn công tác nhằm đảm bảo sự thống nhất việc sử dụng các loại chuẩn này tại các địa phương, tổ chức, tránh lạm dụng các chuẩn không đúng quy định.
Ngoài ra trong quản lý cần bổ sung quy định quản lý các phương tiện đo lường dùng làm chuẩn, chuẩn chính, chuẩn công tác, kể cả dùng trong lĩnh vực đo lường pháp định cũng như dùng trong lĩnh vực đo lường công nghiệp thông qua hoạt động chuẩn đo lường, những nội dung này chưa thấy đề cập trong dự thảo.
Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính về đo lường, các đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Hứa Chu Khem (Sóc Trăng) và nhiều đại biểu khác cho rằng cần tăng mức xử phạt nặng, vì mức phạt hiện tại chưa thỏa đáng với lợi nhuận do gian lận mang lại. Để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ uy tín quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân làm ăn chân chính.
Các đại biểu nhất trí Dự thảo Luật cần quy định cụ thể chế tài xử lý nghiêm minh đủ mạnh và có tính răn đe cao. Đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) đề nghị Luật áp dụng phương pháp phạt kép, vùa phạt hành vi vi phạm về đo lường, vừa phạt hành vi vi phạm về gian lận hàng hóa, dịch vụ trong thương mại. Có như vậy mới đảm bảo tính nghiêm minh của Luật. Mặt khác, việc tuyên truyền pháp luật nâng cao nhận thức cho cá nhân, tổ chức về đo lường để Luật ban hành dễ dàng đi vào cuộc sống.
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến là về hoạt động kiểm tra đo lường tại mục 2 Chương 6, các đại biểu đồng tình với việc tăng cường công tác thanh tra để nâng cao hiệu lực thi hành Luật.
Tuy nhiên, đại biểu Võ Thị Dễ (Long An) nêu ý kiến một số khoản trong Luật không khả thi và chưa thể hiện được tính chủ động. Cụ thể, tại Điều 39 quy định cơ quan quản lý nhà nước về đo lường thuộc UBND tỉnh về thẩm quyền với cơ quan tổ chức liên quan thực hiện kiểm tra đo lường trên địa bàn. Đại biểu cho rằng hoạt động kiểm tra định kỳ phải là hoạt động bắt buộc và là nhiệm vụ thường xuyên của người đứng đầu mỗi đơn vị và từng ngành vì vậy cần giao trách nhiệm cho thủ trưởng định kỳ kiểm tra và chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước.
(Theo VOV)