Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)
Thứ sáu: 09:55 ngày 02/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hôm 1.6, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV tiếp tục buổi làm việc ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi)- Ảnh: Đình Nam (quochoi.vn)

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo, đồng thời đề nghị làm rõ thêm các vấn đề sau:

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) cho rằng, vấn đề đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản, xuyên suốt trong quá trình hành nghề, bất cứ hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp nào đều phải chịu chế tài. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu không tìm thấy bất cứ quy định nào khác liên quan đến quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý, chủ thể có thẩm quyền ban hành quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý là cơ quan nào. Đại biểu đề nghị dự thảo luật làm rõ quy định này.

Về nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý được quy định tại Điều 5, nhưng thực tế trong thời gian qua, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang được tổ chức theo mô hình đơn vị sự nghiệp không thu, nên kinh phí hoạt động chủ yếu do ngân sách đảm bảo.

Trong khi đó, nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng tăng, đặc biệt là người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số ... khó có cơ hội tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý một cách đầy đủ.

Do vậy, đại biểu đề nghị cùng với việc mở rộng đối tượng trợ giúp pháp lý phải tính đến việc thu một phần chi phí trên cơ sở phân loại đối tượng, theo mức độ ưu tiên và mức độ thu nhập hàng tháng, tạo nguồn kinh phí bổ sung, đồng thời là động lực để trung tâm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức tham gia trợ giúp pháp lý.

Cũng có ý kiến đại biểu đề nghị không quy định Quỹ trợ giúp pháp lý trong dự thảo luật, nhưng cần quy định chặt chẽ đối với các trường hợp tiếp nhận nguồn thu do tổ chức, cá nhân hỗ trợ, đóng góp cho công tác trợ giúp pháp lý được Bộ Tư pháp tiếp nhận và quản lý, nhằm đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ ngoài ngân sách này được sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định.

Về yêu cầu trợ giúp pháp lý được quy định tại Điều 31, có ý kiến đại biểu còn băn khoăn khi dự thảo luật quy định người làm đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý phải trình tất cả các giấy tờ cần thiết để chứng minh mình thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Đại biểu cho rằng đây là một gánh nặng hành chính đối với những người đang trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương, nhất là những người có nhu cầu cấp bách phải được trợ giúp pháp lý.

Tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân ở Phường I, TP.Tây Ninh- Ảnh minh hoạ

Đối với vấn đề trợ giúp pháp lý cho trẻ em, đại biểu Vương Thị Hà (Hà Giang) còn băn khoăn vì nếu quy định như dự thảo, các em chưa được hưởng thụ đầy đủ 3 hình thức trợ giúp pháp lý mà dự thảo luật đã quy định, như hình thức đại diện ngoài tố tụng, dường như các em chỉ được hưởng khi bị xử phạt vi phạm hành chính và việc tư vấn pháp luật dường như chỉ dành cho một nhóm trẻ em, đó là khi tái hòa nhập cộng đồng.

Trong khi đó, các em còn tham gia vào rất nhiều các mối quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh, và quyền của các em đã được ghi nhận trong Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, trong đó có những quyền rất cần được hướng dẫn, hỗ trợ để các em thực hiện như quyền được bảo vệ không bị xâm hại tình dục, quyền được bảo vệ không bị bóc lột sức lao động và quyền được bảo vệ để không bị bạo lực bỏ rơi, bỏ mặc.

Về người được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 7 dự thảo luật, các đại biểu cho rằng không cần phân biệt là người dân tộc thiểu số thường trú hay tạm trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vì xét về mặt đạo lý, dù là những người vô gia cư, họ cũng cần đến sự trợ giúp pháp lý, do vậy cần có những điều khoản, những chính sách phù hợp để giúp đỡ họ…

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về nội dung này.

Việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành nhằm đẩy nhanh tiến độ của dự án theo Nghị quyết 94 của Quốc hội.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị có giải pháp tìm 18.000 tỷ đồng để thực hiện dự án trong thời gian tới, bởi theo Nghị quyết 94 của Quốc hội dự kiến kinh phí của dự án là 23.000 tỷ đồng, nhưng vốn giai đoạn 2016-2020 mới phân bổ 5.000 tỷ đồng, đồng thời cần có cơ chế đặc thù để thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến độ...

Ngày 2.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường đối với dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) và dự án Luật quản lý, sử dụng, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Kim Chi

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục