Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi)
2009-11-16 05:52:00

Đa số ý kiến đại biểu đều cho rằng, do chưa xác định rõ vai trò của Ngân hàng Nhà nước với tư cách là một cơ quan của Chính phủ và với vai trò là Ngân hàng trung ương, nên trong nhiều nội dung trong dự thảo Luật còn thể hiện sự khó khăn, lúng túng khi quy định

Sáng 16.11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi).

Dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) gồm 7 chương, 69 điều, quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Về cơ bản, các đại biểu tán thành với đánh giá trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: Luật Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực năm 1998 và sửa đổi năm 2003 đã không còn phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội hiện nay. Do đó, việc sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cần thiết.

Thảo luận các nội dung cụ thể, đa số đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định của dự thảo Luật về vị trí của Ngân hàng Nhà nước, đó là “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, là Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Điều này phù hợp với thể chế chính trị và trình độ phát triển, mức độ hội nhập của nền kinh tế cũng như nguồn lực cán bộ quản lý của Việt Nam. Các đại biểu cũng cơ bản nhất trí với mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia thể hiện trong Dự án Luật, đó là “Chính sách tiền tệ quốc gia là một bộ phận của chính sách kinh tế của Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”.

Xác định rõ vai trò của NHNN

Tuy nhiên, đa số ý kiến đại biểu đều cho rằng, do chưa xác định rõ vai trò của Ngân hàng Nhà nước với tư cách là một cơ quan của Chính phủ và với vai trò là Ngân hàng trung ương, nên trong nhiều nội dung trong dự thảo Luật còn thể hiện sự khó khăn, lúng túng khi quy định. Đại biểu Trần Thế Vượng (đoàn Hải Dương) dẫn chứng: Điều 5 trong dự thảo Luật quy định việc quyết định chính sách tiền tệ quốc gia là do Ngân hàng xây dựng để Chính phủ trình Quốc hội, có nghĩa là Chính phủ không có vai trò gì trong vấn đề này, mà dựa hoàn toàn vào nội dung do Ngân hàng xây dựng rồi trình lên Quốc hội. Thực tế, không có luật nào quy định Bộ xây dựng để Chính phủ trình Quốc hội, trong khi việc trình ra Quốc hội là nhiệm vụ của Chính phủ.

Tương tự, điều quy định về chính sách cán bộ, công chức, do không làm rõ nên chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức của Ngân hàng Nhà nước là do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với vị trí là Ngân hàng trung ương, do vậy có cần phải phù hợp với quy định của Luật cán bộ công chức với tư cách là cán bộ công chức ở cấp Bộ của Chính phủ hay không?

Về quy định phân định chức năng của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ, các đại biểu còn những ý kiến khác nhau. Một số đại biểu cho rằng, chức năng này nên giao cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện dưới sự chỉ đạo, định hướng, giám sát của Chính phủ và Quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Minh (đoàn Nghệ An) cùng nhiều đại biểu khác lại cho rằng không nên giao trách nhiệm hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ cho Ngân hàng Nhà nước, mà nên giao cho Quốc hội.

Đại biểu Trần Thế Vượng (đoàn Hải Dương) cho rằng, nếu không quy định thêm các nội dung của chính sách tiền tệ quốc gia, do Quốc hội quyết định, thì tốt nhất nên giữ như luật hiện hành, còn sửa như trong dự thảo luật là không phù hợp. Trong luật hiện hành, quyết định chính sách tiền tệ quốc gia là Quốc hội; quyết định thực hiện, đàm phán, ký kết, phê chuẩn các điều ước quốc tế liên quan đến chính sách tiền tệ quốc gia là Chủ tịch nước; Chính phủ tổ chức thực hiện và Ngân hàng Nhà nước với tư cách là một Bộ sẽ giúp Chính phủ trong việc thực hiện.

Vai trò của Ngân hàng Nhà nước với tư cách là một cơ quan của Chính phủ và tư cách Ngân hàng trung ương chưa được làm rõ.

Tránh sự hiểu nhầm trong thuật ngữ lãi suất cơ bản

Đối với vấn đề lãi suất cơ bản, đa số đại biểu kiến nghị không nên bỏ quy định lãi suất cơ bản, mà cần có quy định rõ ràng hơn, chặt chẽ hơn, làm căn cứ cho các hoạt động tín dụng, bảm bảo tránh tình trạng cho vay nặng lãi. Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, tất cả các ngân hàng trung ương của các nước đều công bố mức lãi suất cơ bản để điều hành thị trường, thực thi chính sách tiền tệ do vậy không thể bỏ lãi suất cơ bản. Điều này là hoàn toàn đúng bởi khái niệm lãi suất cơ bản trong luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành khác với thuật ngữ lãi suất cơ bản đang được sử dụng ở nhiều nước, cho nên dễ dẫn đến sự hiểu nhầm về tên gọi. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo luật và Ủy ban Thẩm tra nên cân nhắc nghiên cứu sử dụng các thuật ngữ chuyên môn sao cho có tính hội nhập, đồng bộ với nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang thực thi, tránh sự hiểu nhầm.

Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý kiến là quy định bảo hiểm tiền gửi. Đa số đại biểu cho rằng, bảo hiểm tiền gửi là một vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đền quyền lợi của người tiêu dùng, nên yêu cầu về tính minh bạch cao. Do đó, quy định cơ quan bảo hiểm tiền gửi thuộc Ngân hàng Nhà nước, như một đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước là không phù hợp. Đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang) kiến nghị cần sớm xây dựng Luật riêng về bảo hiểm tiền gửi.

Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu còn đóng góp ý kiến đối với nhiều nội dung khác của Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) như vấn đề thành lập Hội đồng chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước; vấn đề góp vốn của Ngân hàng Nhà nước trong việc thành lập doanh nghiệp; trách nhiệm giải trình của Ngân hàng Nhà nước; tính công khai, minh bạch thông tin của Ngân hàng Nhà nước; vai trò can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào các tổ chức tín dụng; quyết định sử dụng Dữ trữ ngoại hối Nhà nước…

Đại biểu Lê Thị Mai (đoàn Hải Phòng) đề nghị không quy định Hội đồng chính sách tiền tệ trong luật bởi nếu đưa một tổ chức tư vấn liên ngành trở thành một thiết chế trong luật định như vậy sẽ hạn chế tính chủ động, chịu trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng, đồng thời cũng không phù hợp với xu hướng cải cách hành chính của đất nước. Về trách nhiệm giải trình của Ngân hàng Nhà nước trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương (đoàn Đà Nẵng) cho rằng đây là nội dung ưu tiên thứ hai trong việc sửa đổi luật lần này. Vấn đề giải trình phải được tổ chức với cơ chế hiệu quả, đảm bảo đúng yêu cầu về chính sách tiền tệ. Hiện, nội dung này trong luật chưa đảm bảo tính chặt chẽ.

(Theo VOV News)

Từ khóa:
Tin liên quan