BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

Cập nhật ngày: 04/11/2016 - 11:00

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu nhiều ý kiến phong phú, đa dạng, khá sâu sắc và toàn diện, bao quát trên các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao, quốc phòng và an ninh. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao và thống nhất với nội dung báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình bày và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

Về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đại biểu cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ về 5 kết quả đạt được, song các đại biểu đều cho rằng chưa đạt được yêu cầu đề ra của Quốc hội là đến năm 2015 cơ bản đạt được những mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới.

Các ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh trong giờ giải lao sau phiên họp.

Theo ý kiến của đại biểu, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm so với yêu cầu và lộ trình đã được phê duyệt; hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp còn thấp; tái cơ cấu tổ chức tín dụng mới đạt kết quả bước đầu, nợ xấu và hoạt động yếu kém của một số tổ chức tín dụng chưa được giải quyết triệt để.

Hiệu quả đầu tư công còn thấp, tái cơ cấu đầu tư công chưa gắn với tái cơ cấu tài chính công. Tái cơ cấu kinh tế trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, trong nội bộ ngành, lĩnh vực còn nhiều hạn chế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng nguyên nhân chủ quan,thực chất là do chậm đổi mới cơ chế, tổ chức thực hiện và quản lý còn nhiều yếu kém. Có ý kiến cho rằng, trong một số trường hợp có biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm chi phối, công tác giám sát của tổ chức và cá nhân chưa được phát huy.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, cơ bản thống nhất với mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại thị trường tài chính, cơ cấu lại đầu tư công.

Các đại biểu đề nghị cần làm rõ mô hình tăng trưởng; đồng thời, rà soát các chỉ tiêu, nội dung và nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 để bảo đảm tính cụ thể, khả thi trong thực hiện.

Đại biểu cũng thống nhất với 10 nhiệm vụ ưu tiên thực hiện 5 nội dung theo Báo cáo của Chính phủ, nhưng yêu cầu phải cụ thể hơn, không chung chung và phân tích sâu hơn, tập trung vào vấn đề tái cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn. Các ý kiến đại biểu cho rằng, chính sách và nguồn lực chưa đủ mạnh, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, chưa có nhiều cơ chế đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm vẫn là lực cản cho sự phát triển.

Nhiều ý kiến đại biểu lo lắng về vấn đề môi trường xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt, tình trạng phá rừng làm thủy điện, làm nhà máy ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường tự nhiên. Thậm chí phá vỡ môi trường sống, môi trường văn hóa của người dân nhất là các vùng miền núi, đồng bào dân tộc. Một số ý kiến đề nghị cần thay đổi chính sách và nâng cao kinh phí trong công tác bảo vệ rừng, coi đây là nhiệm vụ cấp bách.

Về đánh giá kết quả thực hiện phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, các ý kiến cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và cho rằng Chính phủ có những bước khởi động hết sức tích cực, đã có hành động cụ thể và quyết liệt gây niềm tin cho nhân dân.

Chính phủ đã thẳng thắn nhìn rõ vào những khó khăn nội tại của nền kinh tế, những tồn tại, yếu kém trong quá trình quản lý và điều hành, đánh giá những thách thức, tác động đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của năm 2016. Đại biểu đề nghị, trong những tháng cuối năm, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra. Tập trung vào nhiệm vụ khắc phục ô nhiễm môi trường; tăng cường kỷ cương hành chính, kỷ luật tài chính, tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra năm 2016 ở mức cao nhất.

Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất mục tiêu tổng quát, các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 như báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các yếu tố tăng trưởng tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giữ trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đại biểu đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chú trọng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nông dân, tập trung triển khai tại các địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt, hạn hán, biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn; chú trọng hơn nữa công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng sống và giáo dục, y tế. Trong đó đặc biệt quan tâm chú ý đến địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế , vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhân dân tại các khu vực tái định cư, thủy điện, đảm bảo ổn định đời sống phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đúng mục tiêu được Đảng, Nhà nước xác định.

Nhiều ý kiến thảo luận xung quanh vấn đề y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng, hoạt động tư pháp, phòng, chống tội phạm. Có ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường và quyết liệt hơn nữa trong hoạt động giám sát, thực hiện pháp luật và nghị quyết của Quốc hội…

Hôm nay, 4.11, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường thảo luận về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Kim Chi (lược ghi)