Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016
Thứ ba: 14:09 ngày 06/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 5.6, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo tóm tắt của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016.

Trong phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát biểu giải trình một số vấn đề có liên quan mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.

Quốc hội thảo luận về nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm- Ảnh: Đình Nam (quochoi.vn)

Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo giám sát và cho rằng, báo cáo đã phản ánh khá toàn diện về kết quả đạt được cũng như những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân trong việc ban hành chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm trong giai đoạn 2011-2016.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Quốc hội biểu dương những cố gắng của đoàn giám sát, sự phối hợp tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong quá trình giám sát của Quốc hội.

Qua thảo luận các ý kiến đại biểu cho rằng, trong thời gian qua hệ thống văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm được ban hành tương đối đầy đủ, đã tạo hành lang pháp lý tương đối thuận lợi cho công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm trong giai đoạn vừa qua đã có nhiều tiến bộ so với giai đoạn trước, thể hiện ở các mặt: công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từng bước được nâng lên, quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chuyển biến tích cực, nhiều địa phương đã xây dựng được quy hoạch vùng sản xuất, bước đầu hình thành mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi.

Sản phẩm nông sản thực phẩm Việt Nam đã được xuất khẩu đến nhiều thị trường, trong đó có những thị trường đòi hỏi chất lượng rất cao như Mỹ, Châu Âu...

Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn vừa qua vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế. Trong đó, việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm còn chậm; một số quy định chưa rõ ràng, chồng chéo, chưa phân công rõ trách nhiệm giữa các bộ, ngành; chế tài xử lý các vi phạm liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm vẫn diễn ra khá phổ biến, việc kiểm soát trong lĩnh vực an toàn thực phẩm chưa đạt yêu cầu của thực tiễn, nhiều nơi đã chạm tới ranh giới báo động đỏ dẫn đến tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng, đã xảy ra ngộ độc tập thể làm nhiều người chết, gây tâm lý hoang mang, bức xúc trong nhân dân.

Nhiều đại biểu nhận định, khâu tổ chức thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước là nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế về an toàn thực phẩm trong thời gian qua. Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của địa phương, cơ sở, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra các sai phạm và hạn chế trong công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Đại biểu cho rằng đã đến lúc cần coi việc sử dụng chất cấm độc hại trong kinh doanh, nuôi trồng, chế biến thực phẩm là một tội ác, là hành vi đầu độc con người, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến giống nòi. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu sửa đổi các quy định của pháp luật, trong đó có Luật hình sự theo hướng xử lý thật nghiêm, nâng mức hình phạt đối với các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm để tăng tính răn đe.

Có ý kiến đại biểu đề nghị các giải pháp cần cụ thể, khả thi hơn, nhất là việc ban hành các chỉ tiêu cụ thể về an toàn thực phẩm để Quốc hội và cử tri giám sát; cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và có các giải pháp để tổ chức bộ máy, con người, về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật; phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Đại biểu đề nghị quan tâm bố trí nguồn lực của Nhà nước trong công tác an toàn thực phẩm, nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình. Có ý kiến tán thành với đề nghị để lại tiền xử phạt và tăng mức khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích trong quản lý. Tuy nhiên cũng có ý kiến chưa đồng tình với quy định này.

Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP Tây Ninh kiểm tra hàng hoá kinh doanh tại các siêu thị- Ảnh minh hoạ

Cũng có đại biểu đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý an toàn thực phẩm; đồng thời kiến nghị Chính phủ cần sớm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm để làm căn cứ thực hiện.

Nhiều đại biểu cho rằng, thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân mới có thể có hiệu quả. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, ý nghĩa của vấn đề an toàn thực phẩm qua phương tiện truyền thông đến với đông đảo người dân, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện…

Đa số đại biểu cũng đồng tình với sự cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 và cơ bản tán thành với các nhiệm vụ giải pháp như trong dự thảo nghị quyết.

Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu đề nghị không cần ban hành nghị quyết mới mà tiếp tục thực hiện nghị quyết đã được Quốc hội khóa XII ban hành. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu dự thảo nghị quyết chưa sát thì cần tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện nghị quyết được tốt hơn, do vậy việc ban hành nghị quyết là cần thiết.

Sáng nay (6.6), Quốc hội họp riêng để thảo luận việc Phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào; Phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật cảnh vệ.

Kim Chi

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục