BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quốc hội thông qua 4 Luật và 1 Nghị quyết

Cập nhật ngày: 24/11/2010 - 12:28

Chiều 24.11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội đã nghe trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán. Quốc hội cũng biểu quyết thông qua một số điều và toàn bộ dự thảo Luật Chứng khoán với số đại biểu tán thành là 407/410 đại biểu có mặt.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán nhấn mạnh, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy thị trường chứng khoán nước ta mới hình thành trên 10 năm, Luật chứng khoán cũng mới có hiệu lực thi hành hơn ba năm, cần có thêm thời gian để tổng kết đánh giá kỹ lưỡng.

Trước mắt, cần tập trung giải quyết những vấn đề bất cập, gây nhiều vướng mắc trên thị trường chứng khoán hiện nay. Do vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi sửa đổi, bổ sung như dự thảo Luật và đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu để đề xuất sửa đổi Luật chứng khoán một cách toàn diện vào thời gian thích hợp.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho rằng, về địa vị pháp lý của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Uỷ ban chứng khoán nhà nước là cơ quan thuộc Bộ Tài chính. Theo quy định của pháp luật thì Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán. Việc xác định địa vị pháp lý của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước như thế nào là một vấn đề rất lớn, chi phối nhiều nội dung khác trong Luật, trong khi Luật chứng khoán mới có hiệu lực thi hành hơn ba năm, cần có thêm thời gian để tổng kết đánh giá một cách đầy đủ.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa xem xét điều chỉnh, sửa đổi địa vị pháp lý của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong sửa đổi, bổ sung Luật lần này.

Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, với số đại biểu tán thành là 413/415 đại biểu có mặt, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu. Nhiều ý kiến tán thành phạm vi sửa đổi, bổ sung như quy định của dự thảo Luật, nhưng đề nghị cần khẩn trương nghiên cứu để sửa đổi cơ bản, toàn diện hai Luật về bầu cử trong thời gian tới và có thể hợp nhất hai Luật thành Luật Bầu cử đại biểu dân cử.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quyền bầu cử, ứng cử của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND và điều kiện, quy trình tự ứng cử, vận động bầu cử; việc lấy tín nhiệm của cử tri ở nơi cư trú, việc công khai tài sản của người ứng cử đại biểu; xác định cụ thể tỷ lệ số ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp là phụ nữ ngay trong Luật; tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội do mở rộng địa giới hành chính và tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh ở những địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường; quy định cụ thể trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại của từng tổ chức phụ trách bầu cử, cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cuối cùng về công tác bầu cử; để bảo đảm tính kế thừa, liên tục trong hoạt động của Quốc hội, nâng cao trách nhiệm của ĐBQH, đề nghị nghiên cứu để tiến tới có thể bầu cử ĐBQH theo tỷ lệ 1/2 hoặc 1/3 trong một thời gian nhất định (một hoặc hai năm)...

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, những vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội nêu là những vấn đề lớn, quan trọng; trong đó có những vấn đề liên quan hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đến quy định của Hiến pháp năm 1992 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước cần được nghiên cứu để có hướng giải quyết một cách tổng thể. Đồng thời, có những vấn đề thuộc trách nhiệm hướng dẫn trong quá trình tổ chức bầu cử.

Mặt khác, như đã báo cáo Quốc hội trong Tờ trình về dự án Luật thì trong lần sửa đổi này chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số vấn đề thật sự cần thiết liên quan đến công tác tổ chức bầu cử khi tiến hành bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày, bảo đảm sự thành công của cuộc bầu cử.

Những ý kiến mà các vị đại biểu Quốc hội nêu ra là cần thiết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp tập hợp, tổng hợp chuyển đến các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu khi tiến hành sửa đổi cơ bản, toàn diện các luật về bầu cử cũng như các luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

Dự án Luật Tố tụng hành chính với 18 Chương, 255 Điều, được biểu quyết thông qua toàn bộ Luật này với số đại biểu tán thành là 415/423 đại biểu có mặt.

Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong giai đoạn 2011- 2020

Tiếp đó, Quốc hội đã thông qua toàn bộ Nghị quyết về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, với số đại biểu tán thành là 431/432 đại biểu có mặt.

Đa số ý kiến tán thành việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2011-2020. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích đầu tư, nâng cao đời sống nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, giữ vững an ninh lương thực quốc gia, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong giai đoạn 2011- 2020.

Trước đó, Quốc hội đã nghe trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm. Biểu quyết thông qua một số điều và toàn bộ dự thảo Luật, với số đại biểu tán thành 414/417 đại biểu có mặt.

(Theo VOV)