Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong phiên họp ngày 16.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Cần làm rõ đối tượng thụ hưởng để tránh cào bằng
Các ý kiến đại biểu Quốc hội đều thống nhất là cần thiết phải ban hành một Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, HTX và đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Về tên gọi của Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị là Nghị quyết giảm thuế thu nhập phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, HTX, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có quy mô nhỏ. Tên gọi này dễ hiểu hơn, khái quát hóa được nội dung tinh thần của nghị quyết.
Về đối tượng được hưởng giảm thuế, các đại biểu thống nhất với đề nghị của Chính phủ là sẽ áp dụng cho đối tượng hẹp hơn là doanh nghiệp nhỏ, về tiêu chí thế nào là doanh nghiệp nhỏ đã được pháp luật quy định. Mặt khác với điều kiện phải có thiệt hại thực tế xảy ra do dịch bệnh Covid-19 tác động trực tiếp, từ đó loại trừ được những doanh nghiệp nhỏ hoạt động kinh doanh thua lỗ thời gian trước khi công bố dịch Covid-19 nhằm xác định được đơn vị thụ hưởng rõ ràng, chính xác, bảo đảm chặt chẽ, hạn chế tiêu cực phát sinh
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đề nghị làm rõ đối tượng thụ hưởng để tránh cào bằng, không công bằng đối với tình hình thực tế khác nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị cần tính toán kỹ về kỳ tính thuế cũng như chi phí hành thu; nghị quyết này nên là thực hiện ngay, không đợi theo hiệu lực là 45 ngày và đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát ban hành, trình cấp có thẩm quyền quy định một chính sách tổng thể về hỗ trợ doanh nghiệp nói chung cũng như là doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.
Kết thúc phiên thảo luận tại hội trường, các ĐBQH tham gia thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Đoàn ĐBQH Tây Ninh tiếp tục thảo luận Tổ cùng với các Đoàn ĐBQH Sơn La, Ninh Bình, Đà Nẵng.
ĐBQH Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh) đã có một vài ý kiến phát biểu đối với dự án Luật Biên phòng Việt Nam như sau: Tại Điều 7 quy định về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, đại biểu đề nghị cần làm rõ các chủ thể tại điều này để bổ sung việc phân công, phân nhiệm, phối hợp giữa các lực lượng; đề nghị giải thích từ ngữ “đối ngoại biên phòng” tại khoản 1, Điều 3 nhằm làm rõ hơn nhiệm vụ của lực lượng này.
Tại Điều 5 quy định về nhiệm vụ của Biên phòng, đại biểu đề nghị bổ sung nhiệm vụ “xây dựng cột mốc hiện đại”. Khoản 1, Điều 12 quy định về hình thức hợp tác quốc tế của lực lượng Biên phòng là “Ký kết điều ước, thỏa thuận về biên phòng theo quy định pháp luật”, đại biểu Tiến cho rằng quy định này chưa phù hợp vì ký kết điều ước Quốc tế không phải là nhiệm vụ của biên phòng, lực lượng biên phòng chỉ tham mưu, đề xuất Chính phủ ký kết. Do đó, đại biểu đề nghị bỏ quy định “ký kết điều ước” tại khoản này.
Đại biểu Tiến đề nghị dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam nên dự thảo theo hướng chỉ nói về Bộ đội Biên phòng giống như Luật Hải quan sẽ dễ được các đại biểu chấp thuận hơn.
Làm rõ tính khả thi của việc cấp sổ định danh cá nhân theo lộ trình
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) với số đại biểu Quốc hội tán thành 441, bằng 91,3% và thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án với số đại biểu Quốc hội tán thành 436, bằng 90,27%.
Sau đó, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
Các ĐBQH đều tán thành và hoan nghênh việc thay quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, bằng cách cấp số định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú. Đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) đề nghị Ban soạn thảo làm rõ tính khả thi của việc cấp sổ định danh cá nhân theo lộ trình để khi luật có hiệu lực thi hành thì bảo đảm luật được tổ chức triển khai trong cuộc sống.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) băn khoăn cho rằng có một thủ tục hành chính mà không bị cấm, nay mai dân rất khổ, đó là khi quản lý bằng số định danh cá nhân. Nhà nước cho công dân có quyền được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận về nơi cư trú, nhưng không cấm cơ quan nhà nước, các tổ chức không được bắt công dân phải trình giấy tờ xác nhận về cư trú. Đại biểu đề nghị phải đánh giá thật kỹ, đưa vào Luật một điều cấm đối với các cơ quan nhà nước để khỏi xảy ra tình trạng dân sẽ phải chạy theo một thủ tục hành chính đơn lẻ và thường xuyên trong các mối quan hệ.
Vấn đề các đại biểu quan tâm thảo luận là về đăng ký thường trú, đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (TP.Hồ Chí Minh) tán thành với quy định mới của dự thảo Luật “Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó”. Luật Cư trú năm 2013 quy định nhiều điều kiện để được đăng ký thường trú tại các thành phố lớn, vì vậy thực tế vẫn tồn tại tình trạng người dân đang sinh sống, nơi ở hợp pháp theo quy định nhưng họ chỉ thiếu cái gọi là đăng ký thường trú nên quyền và nghĩa vụ công dân của họ không được bảo đảm bảo đầy đủ.
Đại biểu Thúy cho rằng do quy định những điều kiện như vậy nên người có chỗ ở hợp pháp vẫn tìm đủ mọi cách để có hộ khẩu thường trú, dẫn đến rườm rà các thủ tục hành chính, đôi khi tùy tiện áp dụng và bất bình đẳng. Quy định mới này là một tư duy tiến bộ, phát huy quyền tự do cư trú của công dân, nhưng nó không làm thay đổi gì lớn tình trạng cư trú hiện nay, vì người đã muốn cư trú tại nơi phù hợp thì họ đã sinh sống ở đó rồi.
Hôm nay (17.6), buổi sáng Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Sau đó, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Sau đó, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Kim Chi