Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018
Thứ ba: 08:39 ngày 14/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 13.11, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, tại Hội trường Quốc hội làm việc nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017, dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Tiếp đó, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh trình bày dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Các đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua Nghị quyết- Ảnh quochoi.vn.

Với 437 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tại hội trường, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 với 425 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 86,56% tổng số đại biểu Quốc hội.

Theo Nghị quyết, Quốc hội đồng ý điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, trong đó giảm dự toán vốn trái phiếu Chính phủ 14.033,79 tỷ đồng, đồng thời điều chỉnh tăng dự toán vốn ngoài nước 14.033,79 tỷ đồng để bố trí dự toán cho các dự án đã giải ngân nhưng chưa được bố trí dự toán theo quy định từ năm 2016 trở về trước.

Thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 với mức bội chi ngân sách nhà nước là 204.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các luật thuế, phí và lệ phí; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách pháp luật về thuế… phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước…

Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1.7.2018…

Cần phải tính toán giữa cái được và mất khi quy hoạch khu tái định cư

Tiếp đến, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) đồng tình với những băn khoăn của Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã chỉ ra là, bản dự án này còn thiếu các dữ liệu tiêu chí để tính toán một cách chắc chắn, chính xác quy mô đất cần thu hồi, tổng mức bồi thường, phương án cần hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp và tái định cư cho người dân một cách phù hợp nhất, cũng như chưa đánh giá một cách đầy đủ những tác động của dự án.

Đại biểu Cường đề nghị cần phải tính toán kỹ giữa cái được và mất khi quy hoạch hai khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, bởi lẽ đối với các vùng đang quy hoạch và đầu tư phát triển mới, giá quyền sử dụng đất trên thị trường sẽ thay đổi hàng ngày, trong khi 4.727 hộ trong khu tái định cư Lộc An- Bình Sơn đã được nhận đền bù di dời xong trong giai đoạn 2018- 2019 thì đến năm 2020, 469 hộ khu Bình Sơn mới thực hiện di dời tái định cư.

“Khi đó giá đất trên thị trường đã thay đổi rất nhiều. Vậy chúng ta đền bù, bồi thường cho những hộ này theo giá trên thị trường hay giá của những người đã nhận ở giai đoạn trước?”- đại biểu Cường đặt vấn đề. Theo đại biểu, đây sẽ là những nguyên nhân gây ra khiếu kiện khi đền bù tái định cư và cũng là những khó khăn trong giải phóng mặt bằng hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) phát biểu tại Hội trường- Ảnh quochoi.vn.

Về vấn đề tái định cư, nhiều ý kiến đại biểu khác băn khoăn đề nghị Chính phủ có sự luận giải hết sức cụ thể, thấu đáo việc Chính phủ lấy định mức 1 suất tái định cư là 160 triệu đồng, tương đương 80m2 đất ở làm cơ sở; trong khi dự kiến quy hoạch diện tích tái định cư gồm 2 loại nhà liền kề là 125m2 đến 150m2 và 250m2 đến 300m2. Liệu đại đa số những hộ được đền bù có nhu cầu, có đủ tiền để mua suất tái định cư theo quy hoạch hay không, và nếu không thì phương án giải quyết thế nào?

Đồng thời, về quy mô khu tái định cư, các đại biểu cho rằng quy hoạch quá lớn, vượt quá nhu cầu, cụ thể số lô đất tái định cư được thiết kế tại hai khu 6.362 lô, nhu cầu tái định cư kể cả số hộ đã tách 5.196 lô, sơ bộ thừa 1.166 lô, khu tái định cư Bình Sơn còn 185,8ha và đất dành cho hai khu chung cư tái định cư 17,6ha chưa sử dụng, như vậy quy hoạch vượt quá nhu cầu tái định cư khoảng 1.166 lô đất và 203,4 ha đất.

UBND tỉnh Đồng Nai đã giải trình đây là quỹ đất thương mại và dự kiến phát triển sau này, nhưng các đại biểu đề nghị  Đồng Nai cần điều tra, khảo sát làm rõ nhu cầu diện tích đất ở đối với từng hộ gia đình; số hộ nhận suất tái định cư tối thiểu bằng đất; số hộ có nhu cầu tái định cư tập trung; số hộ có nhu cầu tách hộ trên cơ sở số liệu điều tra dùng để thiết kế các lô đất trong các khu tái định cư… để xem xét việc quy định suất tái định cư tối thiểu cho phù hợp với khả năng nhu cầu và mức đã bồi thường so với thực tế…

Về quy hoạch nghĩa trang, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) đề nghị phải tính toán lại việc quy hoạch khu nghĩa trang tại xã Bình An. Theo báo cáo, UBND tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch một khu nghĩa trang 50,95 ha tại xã Bình An, trong đó 20 ha là khu nghĩa trang nhân dân phục vụ cho dự án tái định cư này như trong dự án đã trình bày, còn lại 30,95 giao cho Công  ty TNHH Hoa Viên - Bình An để kinh doanh.

Theo đại biểu, với vị trí đắc địa như Long Thành, đặc biệt là xã Bình An nằm trong trung tâm phát triển đô thị trong tương lai thì giá đất nghĩa trang có thể cao hơn nhiều so với đất biệt thự hạng sang ở các đô thị lớn. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc, bởi lợi ích trước mắt cũng lớn, nhưng hậu quả tương lai lâu dài sẽ cản trở sự phát triển cả một vùng trung tâm Đông Nam Bộ.

Về kinh phí thực hiện, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) băn khoăn về tài chính dự án thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành liên tục tăng so với mỗi lần báo cáo. Thời điểm ban đầu, UBND  tỉnh Đồng Nai báo cáo giải phóng mặt bằng hơn 13 ngàn tỷ đồng, sau đó lại báo cáo trên 18 ngàn tỷ đồng và đến giờ Chính phủ báo cáo hơn 23 ngàn tỷ đồng, mà đây chỉ là con số ước tính.

Tại thời điểm tháng 7 năm 2017 là dự án lớn, cần nhiều thời gian để triển khai, đến lúc thực tế triển khai có tiếp tục tăng lên nữa hay không. Phương án xử lý những mâu thuẫn phát sinh về chênh lệch giá khi thu hồi đất ở những thời điểm khác nhau, đại biểu đề nghị Chính phủ cần kiểm điểm, rà soát cụ thể hơn.

Về cơ chế đặc thù, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đồng tình với mức đề xuất hỗ trợ như dự án. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng mức hỗ trợ 4,5 tháng lương tối thiểu vùng cho mỗi hộ gia đình là chưa đảm bảo tính công bằng và dễ gây xung đột, bởi số lượng nhân khẩu trong mỗi hộ gia đình ít nhiều khác nhau.

Đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai tính toán lại việc hỗ trợ theo các nhóm hộ gia đình, và trong mỗi nhóm hộ gia đình sao cho số nhân khẩu khác nhau không nhiều để đảm bảo tính công bằng tương đối, dễ được chấp nhận…

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng giải trình làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Dự án Luật An ninh mạng.

Sáng nay (14.11), Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP.Hồ Chí Minh. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP.Hồ Chí Minh. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP. Hồ Chí  Minh.

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Kim Chi

Tin cùng chuyên mục