Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Với 90,40% số phiếu tán thành, sáng 9.11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012, trong đó nhiệm vụ ưu tiên kiềm chế lạm phát được đặt lên hàng đầu.
Với 90,40% số phiếu tán thành, sáng 9.11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012, trong đó nhiệm vụ ưu tiên kiềm chế lạm phát được đặt lên hàng đầu.
Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012 sẽ ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Một số chỉ tiêu chủ yếu của nền kinh tế năm 2012: Tăng trưởng GDP năm 2012 ở mức khoảng 6% - 6,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%. Nhập siêu khoảng 11% - 12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong điều kiện cho phép, phấn đấu giảm nhập siêu xuống dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bội chi ngân sách phấn đấu dưới 4,8% GDP. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội khoảng 33,5% GDP. Chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%.
Các chỉ tiêu về xã hội: Tạo khoảng 1,6 triệu việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt đạt 46%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng ở các huyện nghèo giảm 4%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng dưới 16,6 %. Số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 21,5 giường.
Về chỉ tiêu môi trường: Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 79%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 70%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41%.
Nhằm thực hiện các mục tiêu trên, Nghị quyết cũng đề ra 9 giải pháp , nhiệm vụ chính, trong đó tập trung vào việc tái cơ cấu nền kinh tế
Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương hoàn thành Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; thực hiện đồng bộ theo lộ trình thích hợp trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.
Nghị quyết Quốc hội cũng giao cho Chính phủ thực hiện điều hành chặt chẽ, thận trọng các chính sách tài khóa, tiền tệ, xuất- nhập khẩu... kiểm soát để chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp, ổn định theo từng tháng và đạt mục tiêu cả năm.
Ưu tiên sử dụng số vượt thu ngân sách nhà nước năm 2011 để giảm bội chi, tăng trả nợ hoặc giảm vay nợ. Kiểm soát chặt chẽ và giảm tối đa nhập khẩu đặc biệt là nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu.
Triển khai thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, năm 2012 tập trung tổng kết thiết thực việc thi hành và xây dựng các nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 làm nền tảng cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, ổn định, minh bạch...
Cũng trong sáng 9.11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2011-2015 với tỷ lệ 82% số đại biểu tán thành.
16 chương trình MTQG giai đoạn 2011-2015 có tổng mức kinh phí thực hiện không quá 276.372 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách Trung ương 105.392 tỷ đồng (chưa bao gồm số vốn đã phân bổ cho Chương trình 135 giai đoạn 3 và Chương trình 30a năm 2011); vốn ngân sách địa phương 61.542,5 tỷ đồng; vốn ngoài nước là 19.987,5 tỷ đồng; vốn tín dụng là 39.815 tỷ đồng và vốn huy động khác 49.635 tỷ đồng.
Quốc hội giao Chính phủ rà soát mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần của từng CTMTQG trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện.
Danh mục 16 Chương trình MTQG: Việc làm và dạy nghề; Giảm nghèo bền vững; Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Y tế; Dân số và kế hoạch hóa gia đình; Vệ sinh an toàn thực phẩm; Văn hóa; Giáo dục và đào tạo; Phòng, chống ma túy; Phòng, chống tội phạm; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Ứng phó với biến đổi khí hậu; Xây dựng nông thôn mới; Phòng chống HIV/AIDS; Đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. |
Quốc hội thông qua Nghị quyết về vốn trái phiếu chính phủ
Với 89% đại biểu tán thành, sáng 9.11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011-2015.
Theo đó, tổng mức đầu tư vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) giai đoạn 2011-2015 không quá 225.000 tỷ đồng.
Quốc hội giao Chính phủ xây dựng nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để rà soát danh mục các dự án, công trình trong Nghị quyết số 881/NQ-UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), 40 dự án đã được UBTVQH cho phép bổ sung năm 2011 và chương trình kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên trình UBTVQH xem xét, quyết định.
Quốc hội cũng yêu cầu không bổ sung mới danh mục, dự án, công trình sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2011-2015. Khẩn trương quyết định các giải pháp đối với các công trình, dự án thuộc diện chuyển đổi hình thức đầu tư, giãn, hoãn, không được tiếp tục sử dụng từ nguồn vốn TPCP giai đoạn 2011-2015
Không chuyển chỉ tiêu kế hoạch vốn TPCP được Quốc hội quyết định hàng năm sang năm sau, căn cứ tiến độ giải ngân để huy động vốn TPCP đáp ứng nhu cầu của công trình, dự án, không để tồn đọng vốn, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đã huy động.
Trước đó, giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về tình hình thực hiện vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011, dự kiến kế hoạch năm 2012 và kế hoạch giai đoạn 2011-2015, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, một số đại biểu đề nghị Chính phủ bố trí vốn TPCP cho cả giai đoạn 2011-2015 đáp ứng khoảng 70% tổng mức đầu tư (khoảng 350.000 tỷ đồng, tương ứng với 70.000 tỷ đồng mỗi năm) để hoàn thành cơ bản các công trình đã được phê duyệt, giảm tối đa các tổn thất do các công trình dở dang.
Tuy nhiên theo UBTVQH, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn bất ổn, nền kinh tế còn khó khăn, nếu tiếp tục đáp ứng đủ nhu cầu vốn TPCP cho những công trình, dự án đã được phê duyệt thì ước tính cần phát hành khoảng 405.000 tỷ đồng, tính cả trượt giá khoảng 500.000 tỷ đồng, như vậy sẽ vượt quá khả năng huy động của nền kinh tế, gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô.
Theo chinhphu.vn