BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày làm việc thứ 4, kỳ họp thứ 9:

Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận trực tuyến 

Cập nhật ngày: 24/05/2020 - 20:54

BTNO - Ngày 23.5 (thứ Bảy), buổi sáng, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cư trú (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Tiếp đến, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.

Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.

Cần có chính sách đột phá cho Đà Nẵng

Các đại biểu cơ bản nhất trí cao với việc Quốc hội thông qua Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Đà Nẵng. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng cần có những nghiên cứu, thử nghiệm, mô hình chính quyền và hệ thống cơ chếNẵ, chính sách mới để giúp cho các đô thị rộng đường phát triển.

Mấy năm qua, việc Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù riêng để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị quyết về thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội cũng cho thấy đây thực sự là một đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn.

Thành phố Đà Nẵng- Ảnh minh hoạ

Theo đó, tại Đà Nẵng, tổ chức cấp chính quyền địa phương HĐND và UBND tại 6 quận và 45 phường không tổ chức cấp chính quyền địa phương mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND. Tại huyện Hòa Vang và các xã trực thuộc vẫn tiếp tục giữ mô hình cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng các mô hình thí điểm đối với các địa phương này cần được nghiên cứu một cách chủ động, bài bản và đặt trong một kế hoạch tổng thể gắn với một giai đoạn nhất định để có thực tiễn xây dựng mô hình chính quyền đô thị và những cơ chế, chính sách đặc thù chung cho các thành phố, nhưng cũng cần tránh tình trạng một số địa phương sẽ tiếp tục đề xuất Quốc hội ban hành các nghị quyết đặc thù.

Về cơ chế chính sách đặc thù về điều chỉnh quy hoạch (Điều 11), các đại biểu nhất trí việc cho phép Đà Nẵng được tiếp tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị để đảm bảo tính kịp thời, không bỏ lỡ thời cơ, nhất là phát huy lợi thế đất đai, nguồn lực đặc biệt lớn trong giai đoạn này để mời gọi thu hút đầu tư, tăng nguồn lực cho đầu tư và phát triển.

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đặt vấn đề việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ nhưng cần đảm bảo nguyên tắc nghiêm ngặt, tuyệt đối không phá vỡ quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, gắn trách nhiệm của người đứng đầu phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kể cả khi về hưu hoặc chuyển công tác nhằm tránh tình trạng điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tùy tiện hay thay đổi quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ, thậm chí nhiệm kỳ sau phủ định quy hoạch của nhiệm kỳ trước gây hậu quả không nhỏ như đã từng xảy ra.

Về khoản phí, lệ phí và tăng mức lệ phí (Điều 12), các đại biểu đồng ý giao cho HĐND thành phố quyết định bổ sung là phù hợp nhằm đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong việc điều chỉnh chính sách về phí, lệ phí, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước trên địa bàn, phục vụ mục tiêu phát triển của thành phố.

Về cơ chế giám sát, ngoài cơ chế giám sát của Đoàn ĐBQH, HĐND, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) băn khoăn khi trong Tờ trình của Chính phủ có nói tăng cường sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, nhưng tăng cường như thế nào thì chưa quy định rõ, đại biểu đề nghị Đà Nẵng nên đặt ra những phương pháp, giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Mặt trận.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị đối với mô hình HĐND ở thành phố Đà Nẵng, Ban soạn thảo, Chính phủ và Đà Nẵng cần phải tăng các đại biểu lên, tăng đại biểu chuyên trách, mỗi một địa phương, quận, huyện phải có một đại biểu chuyên trách đại diện cho nhân dân ở quận, huyện đó và đại biểu chuyên trách này có thể hoạt động chuyên trách ở các ban của HĐND. Như vậy vừa đảm bảo giữ được mối liên hệ với cử tri, phát huy dân chủ với nhân dân của địa phương, đồng thời tăng cao năng lực các ban của HĐND trong quá trình giám sát.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Phòng), đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre) đề nghị bầu Chủ tịch UBND trực tiếp, trực tiếp phổ thông bỏ phiếu để người dân lựa chọn được người đứng đầu chính quyền ở địa phương mình…

Quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép

Buổi chiều, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Về quan điểm định hướng sửa đổi Luật Xây dựng, đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) đặt vấn đề hiện nay bên cạnh Luật Xây dựng còn nhiều luật khác có liên quan như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, do đó cần rà soát, đánh giá phạm vi nội dung sửa đổi Luật Xây dựng với các luật, để đảm bảo đồng bộ, không chồng chéo.

Về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của đầu tư xây dựng, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị bổ sung các điều khoản nghiêm ngặt trong vấn đề phòng cháy chữa cháy, tránh tình trạng phòng cháy, chữa cháy thời gian qua xảy ra liên tục, nhất là cần phải có những giải pháp nghiêm ngặt quy định trong luật để đảm bảo những khu chung cư đã xây dựng phải phòng cháy chữa cháy tối đa, tuyệt đối khi tình huống xảy ra.

Về phê duyệt Đồ án quy hoạch, khoản 4 Điều 34 Luật Xây dựng hiện hành quy định UBND các cấp tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm trình HĐND cùng cấp quyết định trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Như vậy, HĐND sẽ thẩm tra, quyết định hầu hết các quy hoạch xây dựng của UBND như quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng trong các quy hoạch thì quy hoạch chi tiết có phạm vi rất nhỏ, hẹp, rất chi tiết, cặn kẽ. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu theo hướng cho phép UBND các cấp lập quy hoạch chi tiết và có báo cáo gửi HĐND để giám sát nếu thấy cần thiết, tránh mất thời gian.

Về quyền, trách nhiệm của cơ quan tổ chức thẩm định, thẩm tra, báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại Điều 71, đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) thống nhất với quy định về việc các cơ quan tổ chức thẩm định, thẩm tra, báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với kết quả thẩm tra của mình.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng các quy định trong điều này là chưa đầy đủ, chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm của người chủ trì và trách nhiệm của các cá nhân tham gia thẩm định, thẩm tra nên có thể vì lý do chủ quan, không cẩn trọng của các cá nhân tham gia thẩm định, thẩm tra dự án làm cho các kết quả thẩm tra, thẩm định dự án không khách quan, không chính xác.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đề nghị quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép, gây hậu quả nghiêm trọng. Vì hiện nay chưa có văn bản nào quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp cơ sở đối với lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng. Đồng thời sửa đổi quy định trong Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật khác theo hướng quy trách nhiệm liên đới đối với cơ quan cấp phép xây dựng. Tăng mức xử phạt đối với tội xây dựng trái phép, nâng mức xử phạt hành chính và tránh tình trạng phạt để cho tồn tại.

Ngoài ra, các đại biểu phát biểu đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo tính khả thi và tính cụ thể của dự án luật; một số khái niệm cần làm rõ về công tác phòng, chống chữa cháy ở khu vực chung cư; về thủ tục cấp phép xây dựng; về thẩm định công trình xây dựng; về vấn đề quản lý trật tự xây dựng, quản lý xây dựng đô thị, quản lý xây dựng ở nông thôn và vấn đề quản lý năng lực xây dựng, trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan nhà nước các cấp, trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng, trách nhiệm quản lý đối với hoạt động ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng cũng như các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng…

Thứ 2 (25.5.2020), Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Kim Chi