BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quốc hội tiếp tục thảo luận một số nội dung về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Cập nhật ngày: 23/05/2020 - 20:06

BTNO - Ngày làm việc thứ 3 (22.5) của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, trong buổi sáng, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.

Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 202; nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Sau đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận trực tuyến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Đánh giá trách nhiệm của cơ quan liên quan trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (An Giang) cho rằng việc đưa ra khỏi chương trình đối với dự án Luật Đất đai sửa đổi một số điều là tất nhiên bởi sự chuẩn bị chưa kịp thời các điều kiện để trình.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần phải đánh giá trách nhiệm của cơ quan liên quan trình dự án luật này, trước khi đề nghị rút ra khỏi chương trình. Bởi thời gian vừa qua, vấn đề quản lý đất đai có quá nhiều vướng mắc, yếu kém, trong đó có vấn đề pháp luật về đất đai mà cụ thể là Luật Đất đai còn quy định chung, chưa rõ ràng, một số vấn đề phát sinh mới về quản lý đất đai chưa được điều chỉnh kịp thời, một số nội dung còn quy định chồng chéo, có nội dung là một vấn đề đã dẫn chiếu quá nhiều điều khoản của luật khác và từ đó dẫn đến việc khó hiểu, khó áp dụng.

Đại biểu đề nghị xem xét đưa dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội trong năm 2021 và cũng đề nghị Chính phủ có động thái tích cực hơn đối với việc chuẩn bị trình các dự án luật này có trách nhiệm hơn.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bức xúc tình trạng xin lùi thời gian trình hoặc rút dự án ra khỏi chương trình do chưa chuẩn bị kịp, không bảo đảm chất lượng vẫn còn. Vấn đề này các đại biểu đã nói nhiều lần khi đề cập trên Quốc hội, vì khi làm dự án luật cũng giống như bất cứ dự án nào khác như xây nhà, việc nọ, việc kia thì khi đã giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, không hoàn thành lại xin rút, nhiều khi đến tận phút cuối mới xin rút, điều này không nên để xảy ra nhiều. Đại biểu cũng không đồng tình việc bổ sung dự án vào chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cấp thiết.

Đại biểu Trí cùng đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cũng đề nghị sớm xem xét Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trong đó đề nghị phải bổ sung thêm phần khám chữa bệnh online.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) không đồng tình trước việc chậm trễ gửi hồ sơ dự án luật đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra, cho ý kiến và gửi đến đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương để tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp…

Vấn đề này diễn ra trong nhiều năm qua nhưng đến nay việc khắc phục vẫn còn chậm, làm ảnh hưởng đến chất lượng một số dự án luật, bộc lộ hạn chế, bất cập, phải kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn tình hình.

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm và báo cáo rõ nguyên nhân chậm của việc ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và xem xét về năng lực, kỹ năng mà các cơ quan có trách nhiệm để báo cáo cử tri được rõ.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng hiện có 2 dự luật điều chỉnh 2 nhóm quan hệ xã hội rất phổ biến mà hiện nay thực tế có vi phạm pháp luật rất nhiều là dự Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Phòng, chống ma túy nhưng lại đưa vào kỳ họp sau.

Đại biểu đề nghị đưa đồng thời cả 2 dự luật này vào để điều chỉnh, sau đó điều chỉnh các nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì sẽ đảm bảo tổng thể hơn, tránh trường hợp khi sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, trao các thẩm quyền cho các chủ thể xử lý vi phạm chính rồi 2 luật này bắt đầu mới sửa đổi, khi phát sinh lại phải chờ đợi.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.Hồ Chí Minh), đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cùng đề nghị đưa Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào kỳ họp thứ 10 để làm cho đồng bộ trong hệ thống pháp luật và thông qua vào kỳ họp thứ 11 năm 2021.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung trình các dự án Luật như Luật về Hội, Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp và phổ biến kiến thức, Luật Trị an cơ sở…

 Kết thúc phiên thảo luận, đã có 21 vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.

Nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành so với luật chung chưa được quy định cụ thể

Buổi chiều, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Sau phần trình bày, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Về phản biện xã hội, đa số các đại biểu đồng tình với nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 6 đã củng cố vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tăng cường giá trị của hoạt động phản biện xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) còn phân vân về thời điểm lấy ý kiến phản biện được thực hiện trong giai đoạn cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến trước giai đoạn thẩm định, thẩm tra- tức là không thực hiện phản biện xã hội trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.

Đại biểu đề nghị cân nhắc điều này, vì trong thực tế, nhiều dự án luật sau khi trình Quốc hội lần đầu thì chính sách thay đổi rõ ràng, thậm chí có thêm đề xuất chính sách mới chưa được đánh giá tác động. Theo đại biểu, những trường hợp này rất cần thiết được phản biện xã hội để tạo sự đồng thuận và bảo đảm tính khả thi.

Về quy định và giải quyết xung đột trong việc áp dụng nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành so với luật chung và nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật ban hành sau, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng đây là 2 nguyên tắc pháp lý phổ biến được thừa nhận trong hệ thống pháp luật của nhiều nước và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên, dự thảo lần này lại chưa quy định việc áp dụng các nguyên tắc này trong các trường hợp cụ thể, cũng như việc xác định thứ tự ưu tiên khi áp dụng 2 nguyên tắc trên, dẫn đến phát sinh xung đột, mâu thuẫn trong việc lựa chọn quy phạm áp dụng để áp dụng trong một tình huống cụ thể.

Đại biểu cũng băn khoăn về việc trong quá trình xây dựng luật chuyên ngành, cũng có tình trạng lạm dụng nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật để ban hành nhiều quy định đặc thù có lợi cho bộ, ngành, lĩnh vực mình quản lý, dễ tạo ra nguy cơ hệ thống pháp luật chồng chéo, thiếu thống nhất.

Về lập đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, đa số các ý kiến thống nhất với quy định việc xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh chỉ thực hiện theo quy định của khoản 4 Điều 27 về biện pháp có tính chất đặc thù, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Mão (Nghệ An) cho rằng cần có quy định rõ về vấn đề này, vì trên thực tế các văn bản do cấp trên giao cho HĐND cấp tỉnh quy định chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương theo khoản 2, 3 Điều 27 rất chung, như căn cứ vào tình hình ngân sách và thực tiễn để ban hành. Do đó, việc ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp sẽ tùy thuộc vào từng địa phương quyết định.

Về thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Sở Tư pháp, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề nghị nghiên cứu chỉnh lý quy định thời gian thẩm định là 15 ngày thay vì 10 ngày như dự thảo, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ gửi thẩm định hoặc bổ sung quy định kéo dài thời hạn thẩm định đối với một số trường hợp cho phù hợp hơn.

Ngoài ra, các đại biểu còn quan tâm thảo luận về những vấn đề như bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; về trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật, pháp lệnh; vấn đề bổ sung hình thức văn bản quy phạm pháp luật; về việc thẩm tra dự án luật, pháp lệnh…; vấn đề hiệu lực áp dụng văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 12, Điều 156 của luật hiện hành.

Kết thúc phiên thảo luận, đã có 13 vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, có 3 vị đại biểu Quốc hội tranh luận và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đại diện cơ quan thẩm tra cũng đã phát biểu báo cáo, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Kim Chi