BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quốc khánh nhớ ơn Người: Niềm tự hào mang họ Bác của đồng bào Vân Kiều 

Cập nhật ngày: 02/09/2022 - 09:50

Hôm nay (2/9), người Việt Nam kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh. Tự hào mốc son chói lọi lịch sử dân tộc, mỗi người lại chan chứa cảm xúc thiêng liêng, nhớ tới Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngày trọng đại này lại càng đặc biệt với đồng bào dân tộc Vân Kiều. Ngoài niềm tự hào riêng về Bác Hồ, họ Hồ, đồng bào ý thức rõ ràng về giá trị, ý nghĩa và thành quả của Độc lập…

Đại ngàn Trường Sơn tháng 9 năm 2022. Hai bên đường bê tông dẫn vào xã Thanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, là những ngôi nhà sàn nằm bên các rẫy sắn, chuối, những cánh rừng cao su xanh mướt. Nơi nóc những nhà sàn, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới nổi bật trên nền trời Tổ quốc xanh ngắt. Xã biên giới này hiện có hơn 800 hộ dân, với trên 4.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Pa Cô - Vân Kiều.

"Ở đây, tất cả người Vân Kiều sinh ra đều mang họ Hồ, họ của Bác Hồ" - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh, Hồ Khưa vui vẻ nói rồi cho biết, mang họ Hồ của Bác nên bản thân gia đình anh và mọi người trong xã luôn tâm niệm không cam chịu đói nghèo, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, phải vươn lên làm giàu.

Theo chia sẻ của Hồ Khưa, trước đây, do tập quán canh tác của bà con Pa Cô - Vân Kiều còn giản đơn, lại thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm làm ăn, nên dù có siêng năng làm lụng nhưng cái đói, cái nghèo quanh năm cứ đeo bám. Mấy năm trở lại đây, nhiều người Vân Kiều khăn gói về miền xuôi để tìm hiểu cách làm kinh tế. Được đào tạo, học hành đầy đủ nên nhiều người, nhiều gia đình đã thay đổi nhận thức, không chỉ xóa được đói, giảm được nghèo, mà còn vươn lên khá giàu.

Bản thân Hồ Khưa là điển hình về thay đổi nhận thức, vượt qua nghèo đói từ chính đại ngàn Trường Sơn. Với kiến thức kinh nghiệm học hỏi được, người đàn ông Pa Cô - Vân Kiều này đã xây dựng trang trại tổng hợp, trồng sắn kết hợp nuôi bò, là hộ đầu tiên của xã Thanh đưa cây cao su, cây cà gai leo vào trồng. Riêng giống chuối Mật mốc, gia đình anh mạnh dạn trồng hơn 500 gốc. Mỗi đợt thu hoạch, tùy theo giá thị trường mà vườn chuối này cho thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng. Mỗi năm, gia đình anh thường thu hoạch từ 3 - 5 đợt, xuất chuối đi Trung Quốc, các nước ASEAN và tiêu thụ trong nước. Mấy năm nay, trang trại tổng hợp của Hồ Khưa trở thành nơi cho bà con người dân tộc thiểu số trong vùng đến học tập, nhân rộng.

Tại ngôi nhà sàn ở bản A Dơi Đớ, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, anh Hồ Văn Đanh cũng bộc bạch: Từ sau khi Bác mất đến nay, bà con Vân Kiều luôn thờ ảnh Bác ở nơi trang trọng nhất trong nhà mình. Cứ đến các ngày lễ trọng đại của đất nước như ngày Quốc khánh 2/9, bà con lại tạm ngưng việc lên rẫy để lau dọn, chỉnh trang nhà cửa, đặc biệt sửa sang, trang hoàng lại bàn thờ Bác Hồ cho thật sạch sẽ và trang trọng. "Với người Vân Kiều, có được tự do và ấm no như hôm nay chính là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ, ơn các liệt sĩ, thương binh đã không tiếc máu xương mình cho đất nước, quê hương", anh Hồ Văn Đanh chia sẻ.

Theo lời người đàn ông này, cuộc sống tự cung tự cấp cùng lối sinh hoạt "thật như rừng già" của bà con Pa Cô - Vân Kiều nơi đây đã được thay bằng cuộc sống ổn định nhờ vào các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường học, trạm xá, chợ và các công trình phúc lợi khác được Nhà nước đầu tư, xây dựng đã tạo tiền đề cho các hộ dân vươn lên làm giàu, con cái được đến trường.

Trò chuyện với đồng bào Vân Kiều, nhiều người cũng khẳng định: Có được cuộc sống ấm no hôm nay là nhờ Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương đã chăm lo cho đồng bào trong nhiều năm qua.

Phụ nữ Pa Cô dệt vải thổ cẩm trong những ngày nông nhàn. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN

Từ câu chuyện của bà con Vân Kiều, nhớ về lịch sử. 76 năm trước, người Vân Kiều trên dãy Trường Sơn, chủ yếu sinh sống ở hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình đã nguyện mang họ Hồ, họ của Bác Hồ. Đáp lại tình cảm của đồng bào dân tộc thiểu số, Người luôn quan tâm đến cuộc sống, sức khỏe của người dân, mong muốn đất nước sớm được thống nhất để đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, trẻ em được học hành...

Chính công lao trời biển và tình cảm ấm áp, thiêng liêng của Người đã khiến đồng bào Vân Kiều từ thế hệ này đến thế hệ khác khắc ghi trong tim. Và hôm nay, niềm tự hào mang họ của Bác còn giúp đồng bào Vân Kiều thay đổi nếp nghĩ, cách làm và đời sống sinh hoạt khi đất nước mạnh mẽ đổi mới, hội nhập.

Rong ruổi trên dãy Trường Sơn, xuyên qua những cánh rừng già, tới từng bản làng, mới thấy những bước tiến quan trọng. Dù vẫn còn những bộn bề khó khăn, như tỷ lệ hộ nghèo ở Hướng Hóa vẫn còn 29,69%; mới có 5/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới…, song dọc hai bên đường Hồ Chí Minh là những trường học cao tầng, trạm y tế, trung tâm học tập cộng đồng và trụ sở Ủy ban nhân dân xã. Bộ mặt nông thôn mới nơi đại ngàn đã dần hình thành. Sản xuất nông, lâm nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Các thôn, bản đã tổ chức tốt công tác định canh, định cư, phát triển sản xuất, do đó đời sống của đồng bào từng bước được nâng lên.

Ở huyện Hướng Hóa - nơi đông đảo đồng bào Vân Kiều sinh sống, tỷ lệ hộ làm ăn khá, giỏi ngày càng tăng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân hằng năm từ 2,5-3%, các xã và thôn đặc biệt khó khăn giảm trên 5%/năm. Nhiều hộ đồng bào Vân Kiều đã cải tạo vườn đồi, trồng rừng kinh tế kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo thành các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Những khu đồi trọc rộng bao quanh các cánh rừng, trước đây chỉ trồng ngô và lúa nương rẫy hoặc bỏ hoang, nay đã phủ kín màu xanh bạt ngàn của rừng tràm, keo tai tượng và rừng nguyên liệu…

Kể từ ngày Độc lập, đặc biệt là khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, sự đổi thay, phát triển trên dãy Trường Sơn đi cùng sự đổi thay của đất nước. Và hơn 36 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, "quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do" trong Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ trước quốc dân đồng bào vào ngày 2/9/1945 đang thể hiện rõ nhất, nhân văn nhất trong các chiến lược của Đảng, Nhà nước nhằm đưa đất nước tới cường thịnh, đời sống người dân ấm no.

Như năm 2021, bất chấp bão táp, sóng cả, đất nước vẫn tự tin tiến lên với những thành tựu toàn diện về kinh tế, chính trị, đối ngoại, văn hóa, xã hội... thể hiện nội lực, tiềm năng, vị thế mới của đất nước. Tốc độ tăng GDP ước đạt 2,58%, kinh tế vĩ mô ổn định, kim ngạch đạt gần 670 tỷ USD, tăng hơn 22%, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Đặc biệt, các chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội thể hiện sinh động nhất trước đại dịch COVID-19. Đó là trước mắt có thể chịu thiệt hại về kinh tế, nhưng bằng mọi giá phải bảo vệ tính mạng nhân dân, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Chiến lược đó đã giúp đất nước "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19," để vừa ứng phó một cách chủ động, lâu dài với dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Nhân dân đã được tiêm chủng miễn phí trên quy mô lớn chưa từng có, với tốc độ nhanh, độ bao phủ rộng tới các nhóm đối tượng, kể cả trẻ em, trở thành 1 trong 6 nước có độ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới…

Song, chặng đường phía trước cũng còn nhiều gian nan với những bộn bề khó khăn, phức tạp đã được chỉ ra. Đó là mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp (hơn 2.000 USD/người/năm); hành trình xóa đói nghèo còn gian nan; thành quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, miền; khu vực các huyện nghèo nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn trên 50%. Khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng giãn rộng ngày càng rõ rệt. Bên cạnh đó, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn nhiều hạn chế, năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa cao; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu vẫn còn hiện hữu.

Thế nhưng, như niềm tin kiên định của đồng bào Vân Kiều nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung vào lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, "đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau". Nhân dân Việt Nam đang tiếp tục đoàn kết vững bước trên con đường mà Bác Hồ và Đảng đã lựa chọn. Thành quả của Cách mạng tháng Tám với sự kiện khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bảo vệ vững chắc. Những giá trị bất diệt, những bài học kinh nghiệm quý báu vẫn được phát huy mạnh mẽ, sáng tạo trong tiến trình đổi mới, phát triển đất nước.

Tất cả hướng tới mục tiêu đời sống nhân dân ấm no, đất nước hùng cường, thịnh vượng!.

Nguồn TTXVN