Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Các đại biểu băn khoăn với việc tồn tại của các loại quỹ vì có loại 12 năm chưa sử dụng, có loại thì 16 năm chưa thu đồng nào.
Ngày 22-3, tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý hai dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến việc có nên tiếp tục duy trì hoạt động của một số quỹ được lập theo hai luật này hay không.
Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm: Cần hay không?
Với dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị không nên tiếp tục trích nộp Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên có quy định về trích lập quỹ này nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.
Theo ông Thanh, cuối tháng 9-2021, Chính phủ đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), trong đó có giải trình về việc dừng trích Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm.
Đáng chú ý, sau gần 12 năm trích nộp, quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng.
Nêu quan điểm của Thường trực Ủy ban Kinh tế về vấn đề này, ông Thanh cho hay Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo luật sửa đổi có quy định về hai quỹ là Quỹ Dự trữ bắt buộc và Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm. Việc thành lập hai quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.
“Việc duy trì đồng thời cả hai quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỉ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng” - ông Thanh nói.
Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với quan điểm của Chính phủ, đề nghị dừng trích nộp Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm; đồng thời giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư quỹ, bảo đảm việc xử lý số dư của quỹ đúng mục đích ban đầu khi thành lập quỹ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Đ.MINH
Tuy nhiên, báo cáo giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết bộ muốn giữ quỹ này. “Chúng ta không thể đảm bảo 100% các công ty bảo hiểm không gặp vấn đề như vỡ nợ hay bất thường khác” - ông Phớc nói.
Theo Bộ trưởng Tài chính, nếu không có quỹ này thì Nhà nước sẽ không có công cụ nào để can thiệp khi xảy ra vấn đề. Ông Phớc cũng dẫn ví dụ về Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động trong dịch COVID-19 vừa qua và khẳng định việc duy trì Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm là cần thiết để chia sẻ với người đóng, mua bảo hiểm.
Bộ trưởng Tài chính cho hay mức trích nộp của quỹ này hiện là 0,3%, nếu lo tạo “gánh nặng” cho doanh nghiệp thì có thể giảm 6-10 lần nhưng cần phải duy trì quỹ và giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
“Hiện quỹ này còn 1.000 tỉ đồng nhưng không chi lần nào từ khi lập tới nay, vì mục đích chỉ chi cho người lao động chứ không dùng cho việc khác. Chúng tôi nghĩ cần phải duy trì quỹ này” - ông Phớc đề nghị Ủy ban Thường vụ xem xét.
Luật quy định, 16 năm vẫn chưa thành lập được quỹ
Với dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay: Qua thảo luận ở Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị không quy định Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh tại dự thảo luật.
Đáng chú ý, Luật Điện ảnh 2006 đã quy định về quỹ này nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được do chưa xác định được nguồn thu…
Cơ quan thẩm tra dự án luật này trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về hai phương án: bỏ hoặc giữ quỹ.
Báo cáo thêm tại phiên họp, Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đề nghị nên giữ quỹ, vì điện ảnh là ngành công nghiệp mang tính rủi ro cao, khó thu hút đầu tư.
Dù Ủy ban Kinh tế đồng quan điểm với Chính phủ, đề nghị dừng trích nộp quỹ nhưng Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu duy trì. Ảnh: Đ.MINH
Ông Hùng cũng cho rằng không nên quá băn khoăn việc nhiệm vụ chi của quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ làm phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, bao gồm một một số đề tài như phim thiếu nhi, phim lịch sử... Trong khi đó, mục đích quỹ là bổ sung sự hỗ trợ đến đối tượng chưa được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ phát triển điện ảnh của Nhà nước.
Bộ trưởng VH-TT&DL cũng cho rằng không nên vì lý do 16 năm qua chưa làm được thì nay cắt đi. Theo ông, quy định trước đây chưa đầy đủ, nay sẽ thiết kế để thực hiện.
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đều cho rằng 16 năm không triển khai thành lập được quỹ thì không nên quy định tiếp. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà lưu ý ngân sách không cấp kinh phí cho các quỹ ngoài ngân sách nên cần bỏ quy định Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Làm rõ vì sao có quy định mà không thực hiện?
Về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra rà soát, làm rõ vì sao ở Việt Nam đã có quy định nhưng không làm được để Quốc hội có cơ sở quyết định.
“Đừng có lập quỹ cho bằng được, rót một ít tiền từ ngân sách vào rồi cứ để đấy, chỉ gửi ngân hàng để lấy tiền nuôi bộ máy” - ông Huệ nói.
Nguồn PLO