BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quy định cụ thể hơn để nâng cao tính khả thi của Luật

Cập nhật ngày: 20/11/2009 - 08:49

 

Sử dụng đèn Compact giúp tiết kiệm năng lượng.

Chiều nay 19.11, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại Tổ, cho ý kiến về Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này gồm 7 Chương, 46 Điều, nhằm điều chỉnh các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của toàn xã hội; khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thảo luận về dự thảo Luật này, đa số các đại biểu đều tán thành với quan điểm trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật. Theo nhiều đại biểu, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một biện pháp hàng đầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời cũng là một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ môi trường và ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra và ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài tới sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Bàn về những nội dung cụ thể trong dự thảo Luật, đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang) cho rằng, việc quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng tại Điều 1 và Điều 2 như dự thảo Luật là đủ chứ không cần phải chỉnh sửa như trong Báo cáo thẩm tra. Đại biểu Đinh Xuân Thảo cũng cho rằng, chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được quy định tại Điều 4 cần bổ sung thêm các biện pháp, giải pháp để thực hiện.

Báo các thẩm tra của Uỷ ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường cũng tán thành với ý kiến cần bổ sung một số quy định về chủ trương, chính sách vĩ mô của Nhà nước như: xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp năng lượng chất lượng cao, giá hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế và hàng hóa Việt Nam.

Đại biểu Lê Thanh Phong (đoàn Lâm Đồng) đề nghị Ban Soạn thảo cần nghiên cứu, chỉnh sửa lại dự thảo Luật theo hướng làm sao cô đọng, dễ hiểu hơn để dễ áp dụng trong thực tế. Theo đại biểu nhiều quy định trong dự thảo Luật vẫn còn chung chung.

Một số ý kiến trong Uỷ ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường cho rằng để Luật có tính khả thi hơn, nhiều nội dung của dự thảo Luật cần được hoàn thiện thêm như: phạm vi điều chỉnh, làm rõ các khái niệm, giảm bớt các quy định mang tính chính sách, xác định rõ phạm vi, loại hoạt động nào là khuyến khích, loại hoạt động nào bắt buộc phải áp dụng biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Một số ý kiến nhận xét, nội dung của dự thảo Luật khá chi tiết với 46 điều, nhưng vẫn còn nhiều nội dung quy định ở dạng luật khung, có 18 điều khoản phải chờ hướng dẫn mới thực hiện được.

Có ý kiến cho rằng, Luật này liên quan đến hầu hết các ngành, tổ chức và cá nhân nhưng số điều, khoản quy định về quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với các quy định về quyền, trách nhiệm, nhất là biện pháp thực hiện.

Vì vậy, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị để Luật có tính khả thi cao thì cần bổ sung, cụ thể hóa hơn nữa những quy định liên quan đến quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân; quy trình và thủ tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ đó. Bên cạnh đó, cần tham chiếu văn bản pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, điện lực, giao thông, xây dựng và các văn bản pháp luật khác có liên quan để nâng cao tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; từ đó nâng cao tính khả thi của Luật.

Tại buổi thảo luận tổ này, các đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ chế tài đối với những cơ quan, đơn vị và cá nhân sử dụng lãng phí năng lượng. Dự thảo Luật cần quy định rộng hơn bao gồm toàn bộ quá trình bắt đầu từ khai thác, sản xuất ra các nguồn năng lượng cho đến khâu sử dụng năng lượng cuối cùng, bởi khâu khai thác, sản xuất cũng gây nhiều lãng phí. Nhiều đại biểu đề nghị cần có các biện pháp khuyến khích các nhà kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia tiết kiệm năng lượng. 

Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ được các đại biểu tiếp tục thảo luận, cho ý kiến tại Hội trường.

Ngày 20.11, buổi sáng các đại biểu thảo luận ở Tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự. Buổi chiều, các đại biểu làm việc tại Hội trường, nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trình bày Báo cáo công tác của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2009; đồng thời thảo luận về Báo cáo này.

(Theo VOV News)