Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV vừa qua, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định cấm tuyệt đối lái xe khi cơ thể có nồng độ cồn là rất cần thiết trong bối cảnh tình hình tai nạn giao thông đang phức tạp. Tuy nhiên, có đại biểu đánh giá quy định trên khó khả thi, nên đề ra ngưỡng hay tỷ lệ giới hạn về nồng độ cồn khi lái xe.
Lực lượng CSGT Tây Ninh ra quân cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Lãnh đạo Bộ Công an cho biết, quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong dự thảo luật nhằm bảo đảm sức khoẻ người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, hạn chế tai nạn giao thông. Quy định nêu trên cũng thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tại khoản 6 điều 5 của Luật này, quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm.
Trong khi đó, một số đại biểu nêu, vừa uống rượu, bia mà tham gia giao thông thì phải phạt. "Tuy nhiên, buổi tối người dân uống rượu, sáng hôm sau người ta đi làm, trong máu vẫn có nồng độ cồn bị phạt thì "cũng băn khoăn"; hoặc người ta đi uống buổi trưa, buổi tối lái xe lại bị phạt vì trong máu vẫn còn nồng độ cồn"- đại biểu nêu.
Một tài xế tại bến xe khách Tây Ninh cho biết: “Tôi có gần 15 năm gắn bó với nghề cầm vô lăng, chứng kiến không ít vụ tai nạn thảm khốc. Có không ít tài xế lái xe rất ẩu, hay giành đường, lấn làn. Chỉ cần có chút bia rượu vào người, tài xế không làm chủ được tay lái, thậm chí mất kiểm soát hoàn toàn. Chính vì thế tôi vẫn mong pháp luật giữ nguyên quy định độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông”.
“Nhiều người viện cớ phong tục tập quán kiểu “miếng trầu đầu câu chuyện, chén trà ly rượu thắt chặt tình thân” để bào chữa cho hành vi uống rượu bia được phép lái xe. Ai cũng có quyền uống rượu, và đã uống thì không nên lái xe”- bà T.T.B (ngụ phường 2, TP. Tây Ninh) nêu ý kiến.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng quy định độ cồn bằng 0 là quá cứng nhắc. “Say đến mức không kiểm soát bản thân, gây tai nạn là hành vi đáng lên án; nhưng cấm tuyệt đối thì quá khắt khe. Vì có nhiều đồ ăn thức uống cũng có cồn như bia rượu. Để giảm thiểu tai nạn giao thông, cách tốt nhất vẫn là tuyên truyền giáo dục, tăng mạnh mức xử phạt và xử phạt công minh. Theo tôi, quy định nồng độ cồn cho phép ở mức tối thiểu, không nên tuyệt đối sẽ phù hợp hơn”– anh N.Đ.V chia sẻ.
CSGT Tây Ninh tuyên truyền pháp luật về ATGT cho các tài xế chở công nhân trên địa bàn huyện Bến Cầu.
Trong giai đoạn cao điểm, cơ quan chức năng kiên quyết xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, nhiều hàng quán trên địa bàn tỉnh trở nên ế ẩm; một số dịch vụ đi kèm cũng bị ảnh hưởng.
Theo ý kiến của một số chủ cơ sở kinh doanh, ngoài lý do người dân thắt chặt chi tiêu vì kinh tế khó khăn, việc quy định kiểm tra nồng độ cồn nghiêm ngặt khiến đa số người dân giảm vui chơi, ăn nhậu.
Tại một quán ăn trên địa bàn phường 3, TP. Tây Ninh, vào giờ “cao điểm” 6-7 giờ tối, nhưng quán vắng vẻ, chỉ lác đác vài khách. Anh Tuấn, quản lý quán cho hay, quán mở được hơn 6 tháng, lượng khách đến quán ban đầu tương đối đông. Sau này, do kinh tế khó khăn, việc kiểm tra, xử phạt vi phạm nồng độ cồn nghiêm ngặt, nên lượng khách đến quán giảm hẳn. "Lượng tiêu thụ bia rượu giảm, một số khách nam đến quán chỉ uống nước. Kinh doanh buôn bán ế ẩm nên quán phải cắt giảm 1/2 nhân viên và hoạt động cầm chừng”- anh Tuấn nói.
Chị L.T.Q, nhân viên tiếp thị của một hãng bia cho biết: “Tôi làm nghề được hơn 2 năm. Trước đây, mỗi ngày tôi bán được gần 10 thùng bia, còn hiện tại chỉ bán được hơn 2 thùng mỗi ngày, thu nhập của tôi giảm hơn một nửa”. Không chỉ những quán ăn ở thành thị bị ảnh hưởng, hàng quán ở khu vực nông thôn cũng chịu tình trạng tương tự.
Trước thực trạng nêu trên, nhiều hàng quán tìm cách giữ chân khách hàng, như giảm giá, giữ xe của khách qua đêm, hỗ trợ khách đặt xe ôm công nghệ, taxi, thậm chí đưa khách về tận nhà. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất bia rượu phải tìm đủ mọi cách để thu hút người tiêu dùng, như sản xuất bia không cồn, tăng khuyến mãi, giảm giá bán...
Một số hành vi bị nghiêm cấm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông được quy định tại Điều 8, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ:
1. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
2. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma tuý hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.
3. Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
4. Đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép; điều khiển phương tiện giao thông lạng lách, đánh võng, rú ga liên tục.
5. Dùng tay sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ...
Hoàng Yến