Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Quy định rõ thành phần của Hội đồng xác định giá trị tài liệu
2010-11-19 09:50:00

Việc quy định rõ thành phần tham gia Hội đồng xác định giá trị tài liệu lưu trữ cần có những nhà khoa học, các chuyên gia có chuyên môn sẽ góp phần xác định chính xác giá trị của tài liệu lưu trữ.

Sáng 19.11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường cho ý kiến về dự thảo Luật Lưu trữ. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận.

Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở Pháp lệnh lưu trữ ban hành năm 2001. Qua hơn 8 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Pháp lệnh cũng đã bộc lộ những bất cập và hạn chế. Một số quy định của Pháp lệnh khó thực hiện và chưa rõ như hệ thống tổ chức Lưu trữ lịch sử; việc đăng ký, bảo hộ tài liệu lưu trữ của cá nhân; thời hạn cho phép sử dụng tài liệu lưu trữ thuộc diện hạn chế sử dụng…

Bên cạnh đó, nhiều quan hệ mới phát sinh trong hoạt động quản lý công tác lưu trữ và quản lý tài liệu lưu trữ chưa được điều chỉnh trong Pháp lệnh năm 2001, trong đó có các vấn đề như: xã hội hoá các hoạt động dịch vụ lưu trữ; yêu cầu bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin tài liệu lưu trữ đòi hỏi đơn giản hoá thủ tục và công khai thời hạn tiếp cận tài liệu lưu trữ; vị trí, vai trò của Thanh tra chuyên ngành lưu trữ.

Xuất phát từ thực trạng trên, đa số các đại biểu đều cho rằng, việc ban hành Luật Lưu trữ là cần thiết nhằm điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong hoạt động lưu trữ phù hợp với yêu cầu cải cách nền hành chính, tinh gọn bộ máy nhưng vẫn bảo đảm quản lý tốt, có hiệu quả hoạt động lưu trữ.

Về tổ chức bộ máy lưu trữ quốc gia, đại biểu Nguyễn Duy Nguyên (đoàn Hải Dương) đề nghị cần xem xét theo hướng, cả nước chỉ có một bộ máy lưu trữ thống nhất giúp Đảng và Nhà nước quản lý lưu trữ quốc gia thống nhất nằm trong Bộ Nội vụ, dưới đó là 2 cơ quan lưu trữ quốc gia của Đảng và cơ quan lưu trữ của Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Duy Nguyên cũng đề nghị trong dự thảo Luật cần làm rõ quy định lưu trữ đối với lực lượng vũ trang, nên có điều khoản về nguyên tắc thực hiện công tác lưu trữ trong quân đội nhân dân và công an nhân dân vì đây là công tác đặc thù và quan trọng. Các quy định cụ thể sẽ giao cho Chính phủ hướng dẫn ở những văn bản dưới luật.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ Hội đồng xác định giá trị tài liệu lưu trữ gồm những thành phần nào. Theo các đại biểu, tham gia Hội đồng cần có những nhà khoa học, các chuyên gia có nghiên cứu sâu về từng lĩnh vực tương ứng. Bên cạnh đó, cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng này và phải quy định cụ thể những điều trên vào trong Luật, đặc biệt là trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng.

Về việc quản lý tài liệu thuộc Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam, tại buổi thảo luận Hội trường vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Một luồng ý kiến cho rằng nên có một hệ thống lưu trữ thống nhất quốc gia, trong đó bao gồm phông lưu trữ của Đảng và phông lưu trữ của Nhà nước, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên để nguyên như hiện nay để bảo đảm sự ổn định vì mỗi phông lưu trữ có một đặc thù riêng.

Đại biểu Vũ Hồng Anh (đoàn Hà Nội) và đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (đoàn Tiền Giang) đều cho rằng, nếu chỉ ghép một cách cơ học 2 hệ thống lưu trữ này để trở thành một hệ thống chung quốc gia sẽ tạo sự không thống nhất giữa các quy định của dự thảo Luật về lưu trữ lịch sử, quản lý nhà nước về lưu trữ…

Ngoài ý kiến về các vấn đề trên, các đại biểu cũng góp ý về quy định tổ chức lưu trữ lịch sử, nên để ở 2 cấp là Trung ương và tỉnh, hay mở rộng xuống đến cấp huyện và xã; Quy định về thời hạn lưu trữ tài liệu, thời gian giải mật…

Chiều 19.11, các đại biểu tiếp tục làm việc tại Hội trường, cho ý kiến về dự thảo Luật Kiểm toán độc lập.

(Theo VOV)

Từ khóa:
Tin liên quan