BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quy định rõ trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu

Cập nhật ngày: 29/10/2013 - 08:00

Sáng 28-10, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thừa ủy quyền Chính phủ đã trình bày Báo cáo công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012 của Quốc hội. Chiều cùng ngày, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tiếp công dân.

Quy trình tiếp công dân đòi hỏi phải cụ thể từ tiếp nhận đến theo dõi kết quả giải quyết. Ảnh minh họa: Việt Dũng

Dự thảo Luật này đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp trước và được chỉnh lý để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Báo cáo tiếp thu cho rằng, làm tốt công tác tiếp công dân sẽ là cơ sở để làm tốt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC). Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật lần này đã nhấn mạnh trách nhiệm tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhất là người đứng đầu. Luật có 1 chương quy định trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu các cơ quan Nhà nước, các đơn vị tiếp công dân theo định kỳ và cả đột xuất. Luật cũng đã tập trung quy định cách thức tổ chức tiếp công dân của các tổ chức chính trị, xã hội.

Chính phủ sẽ quy định việc tổ chức tiếp công dân của các cơ quan Chính phủ, đơn vị hành chính sự nghiệp. Công tác tiếp công dân sẽ được tổ chức thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại của công dân, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại của các tổ chức, cơ quan. Quy trình tiếp công dân đòi hỏi phải cụ thể từ tiếp nhận đến theo dõi kết quả giải quyết.

Thảo luận về dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) đề nghị bổ sung thêm 3 hành vi cấm: Cán bộ giải quyết KNTC không được đùn đẩy trách nhiệm; cán bộ tiếp công dân không được xúi giục người dân sử dụng tài liệu, hành vi giả; không cho công dân mang chất cháy nổ đến chỗ tiếp công dân. Cần quy định rõ trách nhiệm của những người liên quan đến tiếp công dân, xử lý khiếu nại của công dân. UBND xã cần có  phòng tiếp công dân, cũng như quy định về trách nhiệm tiếp công dân của Chủ tịch xã.

Về quy định trách nhiệm người đứng đầu, đại biểu Lâm cũng cho rằng cần quy định rõ người đứng đầu nếu không tiếp công dân được vì vướng công tác khác thì có thể giao cho cấp phó, có thông báo lịch tiếp công khai. Cần có chế tài đối với người tiếp công dân không hoàn thành nhiệm vụ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng, Luật đã rõ hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn  tiếp công dân và giải quyết KNTC hiện nay. Ban tiếp công dân chưa được quy định rõ. Việc tiếp công dân không chỉ ở cơ quan, cần thiết kế quy định tiếp công dân ở khu dân cư vì để cán bộ, lãnh đạo gần dân hơn.

Đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) nói: Cần quy định công dân hiến kế xây dựng đất nước vì thực tế tiếp công dân có nhiều trường hợp như vậy. Về thông báo kết quả xử lý KNTC, giải quyết tiếp công dân cần rõ hơn. Ngoài ra, cần quy định rõ ràng trường hợp nào tiếp trực tiếp, trường hợp nào trả lời bằng văn bản đối với KNTC của công dân; cần bổ sung quy định về an ninh trật tự tại nơi tiếp công dân, nhất là ở trụ sở tiếp công dân ở Trung ương.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), tiếp công dân nếu làm tốt sẽ giảm được đơn thư và KNTC vượt cấp, nhưng luật chưa làm rõ được mối quan hệ giữa tiếp công dân, giải quyết KNTC giữa Trung ương và địa phương. Có trường hợp địa phương giải quyết thấu đáo rồi nhưng công dân lên Trung ương, Trung ương lại chuyển về cho địa phương giải quyết.

Đại biểu Thúy cũng cho rằng, quy định hiện hành của Luật tố cáo không buộc người tố cáo đến đúng địa chỉ để tránh trù dập, vì thế Luật Tiếp công dân cũng phải thống nhất điều này. Người tiếp công dân có quyền từ chối tiếp người đến trụ sở tiếp nhưng thuộc trường hợp bị cấm.

Chiều 28-10, Bộ  trưởng Bộ công an Trần Đại Quang, thừa ủy  quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Quốc hội cũng đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm  Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật nêu trên. 


Trước đó, sáng 28-10, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thừa ủy quyền Chính phủ đã trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012 của Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, năm 2013 mặc dù có nhiều yếu tố tác động làm gia tăng tội phạm, nhưng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị …. Tốc độ gia tăng tội phạm được kiềm chế, tăng 1,23% về số vụ, 1,2% về số bị can so với năm 2012. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng hơn. Một số tội phạm trật tự xã hội giảm so với năm 2012, nhưng tính chất tội phạm nghiêm trọng hơn, nhất là các băng, nhóm tội phạm dưới dạng bảo kê, siết nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản; tổ chức các hình thức cờ bạc, cá độ bóng đá…

Các tội phạm về xâm phạm sở hữu tăng 2,49% so với năm 2012 về số vụ. Tội phạm xâm phạm về an ninh kinh tế tăng 5,19% về số vụ, hơn 7% về số bị can so 2012; trong đó có nhiều vụ để lại hậu quả nghiêm trọng về tài chính, ngân hàng. Tội phạm về tham nhũng tăng hơn 12,90% về số vụ; 15,56% về số bị can; được phát hiện ở nhiều lĩnh vực, nhưng tập trung vào quản lý tài sản công, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản.

Tội phạm về ma túy cũng gia tăng ở mọi tiêu chí: số vụ, số bị can và số lượng heroin thu giữ được. Hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy gia tăng. Riêng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên toàn quốc đã gia tăng hơn 5% so với năm 2012.

Về môi trường, nổi lên là tình trạng vi phạm trong quản lý, xử lý chất thải, nước thải ở các khu công nghiệp, khu đô thị diễn ra ở nhiều địa phương với mức độ nghiêm trọng.

Dòng nước đỏ ngầu máu và các loại chất thải từ lò mổ chảy thẳng ra môi trường của một cơ sở giết mổ gia súc Trung tâm quận 12 tại Khu dân cư Tân Tiến thuộc Khu phố 2, phường Tân Thới Hiệp (quận 12, TPHCM). Ảnh: T.L

Đáng lưu ý, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội gia tăng, song phần lớn tội phạm chưa có tiền án tiền sự, nhiều vụ giết người thân trong gia đình với hành vi dã man, tàn bạo; cho thấy sự xuống cấp đáng báo động của đạo đức xã hội. 

Trong khi đó, công tác quản lý xã hội trên nhiều lĩnh vực được nhìn nhận là còn nhiều sơ hở, thiếu sót làm phát sinh tội phạm.

Nhiều giải pháp đã được người đứng đầu ngành Công an nêu rõ nhằm chấn chỉnh tình hình. Bên cạnh kế hoạch công tác của ngành Công an, vị Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu “xốc lại” phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước và xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

Cũng trong buổi sáng, Bộ trưởng Tư pháp, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao trình bày các báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012 của Quốc hội.

Theo SGGPO