BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được thực hiện đồng bộ (*)

Cập nhật ngày: 11/11/2011 - 12:04

Đại biểu QH Trịnh Ngọc Phương phát biểu

Sáng 10.11.2011, Quốc hội thảo luận về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011 – 2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2020. Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) tham gia góp ý về giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như cơ chế phân cấp quản lý.

Về thực trạng quản lý đất đai hiện nay, đại biểu Trịnh Ngọc Phương nhận định, Luật Đất đai được ban hành từ năm 2003, mặc dù đã được đổi mới nhiều so với trước, nhưng do còn những hạn chế chưa phù hợp với yêu cầu đổi mới phát triển của đất nước trong thực tiễn đã trở thành rào cản cho sự phát triển của đất nước trong thời gian qua. Cụ thể là sự bất cập trong tình hình phối hợp giữa các bộ, ngành trong quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch khu công nghiệp. Qua nhiều vụ án đất đai xảy ra trên cả nước cho thấy tình trạng một số nhà đầu tư tìm cách thu gom đất sau đó chuyển nhượng cho các doanh nghiệp để hưởng chênh lệch ngày càng phổ biến. Việc quản lý lỏng lẻo dẫn đến tình trạng cán bộ lợi dụng quyền hạn, chức vụ hoặc lợi dụng các chương trình, dự án của Nhà nước để chiếm dụng đất, chia chác đất đai. Đất đai được xem như đối tượng chuyển dịch hàng hoá không được công nhận về mặt pháp lý nên đã hình thành thị trường ngầm không thể kiểm soát được. Nhiều vấn đề pháp lý gây tranh cãi xung quanh việc thu hồi đất đền bù, giải toả.

Về nguyên nhân của thực trạng trên, theo đại biểu Trịnh Ngọc Phương thì có 3 nguyên nhân: Thứ nhất là những tồn tại trong cơ chế quản lý; thứ hai là các điều kiện hỗ trợ về quản lý đất như cơ sở hạ tầng đô thị, hệ thống đăng ký bất động sản, hệ thống thông tin đất đai... chưa được đáp ứng tốt; thứ ba là nguồn nhân lực quản lý đất đai vừa thiếu lại vừa yếu.

Trong 3 nguyên nhân trên, đại biểu Phương đi sâu phân tích nguyên nhân cơ bản và sâu xa nhất là những tồn tại yếu kém trong cơ chế quản lý đất đai. Theo ông thì cơ chế này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận hành của quy hoạch, công cụ quan trọng nhất trong quản lý đất đai. Hiện nay có ít nhất 3 Bộ thực hiện 3 loại quy hoạch trên cùng một mặt bằng đất đai. Quy hoạch kinh tế-xã hội thì do Bộ Kế hoạch và Đầu tư; quy hoạch sử dụng đất thì do Bộ Tài nguyên và Môi trường; quy hoạch xây dựng thì do Bộ Xây dựng… Việc cùng một lúc các cơ quan khác nhau cùng lập quy hoạch cho một mặt bằng không những gây lãng phí, tốn kém ngân sách Nhà nước, lãng phí nhân công mà còn tạo ra sự thiếu đồng bộ, chưa kể đến bản thân các số liệu cơ sở tiêu chí không trùng khớp. Đây là một trong những nguyên nhân, giải pháp thực trạng tại sao quy hoạch sử dụng đất do ngành Tài nguyên - Môi trường lập công phu, nghiêm túc, chặt chẽ theo Luật Đất đai nhưng lại không được thực hiện đúng theo quy hoạch.

Cơ chế quản lý không chỉ tác động đến sự chồng chéo bất cập quy hoạch mà còn tạo ra sự vận hành không lưu thông của hệ thống đăng ký bất động sản. Cụ thể quản lý đất đai thuộc chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường; quản lý xây dựng nhà trên đất thuộc Bộ Xây dựng, trong khi nhà và đất không thể tách rời nên khi sự phối hợp quản lý không thống nhất, không đồng bộ, có sự chồng chéo, bất hợp lý thì việc đăng ký bất động sản bao gồm cả đất và nhà sẽ hết sức khó khăn và phức tạp.

Trên cơ sở phân tích như thế, đại biểu Trịnh Ngọc Phương đề xuất các giải pháp như sau:

Thứ nhất, yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương rà soát chấn chỉnh lại các quy hoạch sao cho đồng bộ. Đồng thời giữa các bộ, ngành phải có tiếng nói chung trong quy hoạch, nghiên cứu áp dụng quy hoạch chiến lược để từng bước dần thay thế phương pháp quy hoạch tổng thể mang tính truyền thống và đang thịnh hành trên toàn quốc hiện nay. Trước mắt cho phép Uỷ ban nhân dân các địa phương có cơ chế thành lập cơ quan chuyên trách về quy hoạch, cơ quan này có chức năng quản lý và rà soát các quy hoạch sao cho thống nhất và xuyên suốt, đồng thời có quyền quyết định những vấn đề liên quan đến quy hoạch, ban hành những quy định mới cho phép khắc phục những tồn tại, đồng thời tạo được cơ chế tương thích tạo điều kiện cho tổ chức chuyên trách về quy hoạch có cơ sở để thực thi. Luật hoá sự tham gia của cộng đồng vào các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch kinh tế-xã hội, kể cả nếu có quy hoạch chiến lược như đã đề xuất. Thay đổi cơ chế nhằm giải bài toán hài hoà về đất giữa các bên trong việc giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng như hiệu quả sử dụng đất.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương còn kiến nghị Quốc hội nhanh chóng cho ban hành, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch đô thị và luật có liên quan đến đất đai nhằm giải quyết những bất cập hiện nay trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

DUY QUANG

(Lược ghi)

(*) Tựa đề do Toà soạn đặt