BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quy hoạch và phát triển Báo chí đến năm 2025: Cơ hội “tái định vị” các sản phẩm báo chí 

Cập nhật ngày: 31/12/2020 - 15:03

BTNO - Các cơ quan báo sau khi sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cấp bộ, ngành trung ương tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, quản lý. Các cơ quan báo chí được giao quyền tự chủ tài chính.

Ngày 3.4.2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Đây là chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng, là văn bản pháp lý có tính nền tảng cho việc đổi mới mô hình và tổ chức, quản lý nền báo chí nhằm phát triển xã hội thông tin, cũng là yêu cầu cấp bách của thực tiễn báo chí trước sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghệ ở Việt Nam hiện nay.

Báo chí là vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước

Quan điểm của Đảng thể hiện rõ trong Quy hoạch: Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; Phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam; Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí; Phát triển báo chí phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ và thông tin, truyền thông thế giới.

Kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ thông tin Internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.

“Báo chí phải thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, tạo lên khát vọng Việt Nam hùng cường, trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045, khi tròn 100 năm nước Việt Nam mới. (Chỉ thị 01 về định hướng phát triển ngành thông tin và truyền thông năm 2020).

Đến năm 2025, hoàn thành quy hoạch báo chí

Mục tiêu thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 là sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Đồng thời, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí.

Nhìn chung, qua quy hoạch số lượng cơ quan báo in theo hướng giảm, mỗi cơ quan có thể có nhiều ấn phẩm (trong đó có 01 ấn phẩm chính và có thể có một số ấn phẩm khác). Các cơ quan báo sau khi sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cấp bộ, ngành trung ương (trừ các quân khu, quân chủng) tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, quản lý

Các cơ quan báo chí được giao quyền tự chủ tài chính. Nhà nước tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo chủ lực, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số báo và tạp chí phục vụ các nhiệm vụ chính trị được xác định. Đổi mới hình thức, nội dung các ấn phẩm đáp ứng yêu cầu thông tin chung và thông tin chuyên biệt của từng nhóm độc giả, vùng miền.

Đặc biệt, hệ thống các báo điện tử được yêu cầu gắn với đổi mới công nghệ, quản lý nhằm phát huy tối đa lợi thế về bao phủ thông tin, khả năng tương tác, tìm kiếm thông tin và xâu chuỗi sự kiện, phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ đa phương tiện, trở thành công cụ hữu hiệu định hướng thông tin mạng.

Tạo điều kiện cho báo chí phát triển

Theo thông tin của Bộ Thông tin truyền thông, đến nay Quy hoạch báo chí về cơ bản đã hoàn thành. Mặc dù, quá trình triển khai thực hiện không khỏi xảy ra nhiều tâm tư trong giới làm báo, tuy nhiên, theo nhiều người đánh giá, đây là có cơ hội để các cơ quan báo chí nhìn nhận, đánh giá và ‘tái định vị” các sản phẩm báo chí. Từ đó, các cơ quan báo chí để xác định hướng đi, xây dựng phương thức phù hợp với tình hình mới.

Phát biểu tại buổi lễ lễ trao giấy phép cho các tạp chí thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại theo quy hoạch báo chí vào tháng 3 vừa qua, ông Lê Mạnh Hùng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, việc thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 nhằm tạo điều kiện cho báo chí phát triển, tốt hơn thì cũng cần quản lý tốt hơn.

Chia sẻ và đồng cảm với các cơ quan báo chí, ông Hùng cho rằng, trong thời kỳ cạnh tranh thông tin như hiện nay, mỗi tờ báo, tạp chí phải gắn liền với giá trị của thông tin. Các cơ quan báo, tạp chí cần tuyên truyền theo đúng tôn chỉ mục đích, và báo chí cách mạng phải có diện mạo, có bản sắc riêng. Khi các báo chuyển đổi sang tạp chí, việc vận hành, tổ chức hoạt động phải khác và phải thiết thực chứ không “gọt chân cho vừa giày”.

Chấn chỉnh những hành vi “lệch chuẩn”

Thời gian vừa qua, hoạt động báo chí đã xảy ra tình trạng hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, “báo hoá” tạp chí, nhũng nhiểu doanh nghiệp… Việc thực hiện nghiêm quy hoạch cũng nhằm từng bước đưa hoạt động báo chí vào khuôn khổ.

Theo nhận định của Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm trong báo cáo chuyên đề tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ TT&TT tổ chức ngày 6.7.2020.

Trong đại dịch COVID-19, các cơ quan báo chí, truyền thông đã tích cực chung sức, đồng lòng, đồng hành cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, khơi dậy lòng yêu nước, khát vọng dân tộc, xây dựng đất nước; không làm xói mòn niềm tin mà lan toả năng lượng tích cực, kết nối mọi người dân để thúc đẩy Việt Nam bứt phá vươn lên, phát triển hùng cường, thịnh vượng.

Tuy nhiên, ông Lâm cũng nhận định, tình trạng “đánh đấm, sách nhiễu, đánh hội đồng, xâm phạm đời tư, xúc phạm danh dự” trong làng báo, với nạn nhân là cá nhân (thường là lãnh đạo), doanh nghiệp, địa phương, Bộ ngành vẫn còn.

Bên cạnh đó, nạn sao chép, vi phạm bản quyền nội dung, hình ảnh trong làng báo; nạn “làm báo” qua trang tin điện tử, mạng xã hội trong nước và mạng xã hội xuyên biên giới; nạn “Báo hoá” tạp chí, hoạt động sai tôn chỉ mục đích; nạn “câu view, khoán view” trên báo điện tử đã làm suy giảm niềm tin của bạn đọc vào báo chí, truyền thông.

Mấy năm gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh việc đấu tranh, đàm phán yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới như Google, Facebook, Apple phải thực hiện ngăn chặn thông tin xấu độc trên nền tảng của các doanh nghiệp này. Bộ cũng tăng cường tục rà soát, yêu cầu bóc gỡ các kênh thông tin xấu độc, các fanpage phản động.

Ngoài ra, Bộ vừa ban hành công văn số 2595/BTTTT-CBC gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan báo chí về việc phối hợp triển khai quy hoạch báo chí.

Trong công văn, Bộ TTTT có nêu: Thời gian qua, Bộ đã  nhận được nhiều phản ánh về tình trạng phóng viên được Tổng biên tập hoặc người được giao quyền ký giấy giới thiệu đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để tác nghiệp, đăng tải tin, bài về các vấn đề không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, trái với quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan báo chí được quy định trong Luật Báo chí.

Việc nhiều nhà báo, phóng viên tác nghiệp không đúng với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo, phóng viên hoạt động đúng pháp luật; gây bức xúc trong dư luận xã hội; ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ xem xét, cân nhắc việc cung cấp thông tin khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan báo chí, bảo đảm các cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật, đúng tôn chỉ, mục đích. Tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí đã được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông tại địa chỉ https://mic.gov.vn/solieubaocao/Pages/TinTuc/142418/Ton-chi-muc-dich-cac-co-quan-bao-chi.html

Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật hoặc có hiện tượng sách nhiễu, đề nghị các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm lưu lại bằng chứng, kịp thời phản ánh và cung cấp về Đường dây nóng của Cục Báo chí (số điện thoại 0865.28.28.28; Email: duongdaynong@mic.gov.vn).

Riêng Tây Ninh, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã có văn bản đề nghị các cơ quan báo chí và sở, ban, ngành phối hợp thực hiện và cung cấp được đường dây nóng của Sở (0918.20.42.31) để cơ quan nhà nước có thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Trong năm 2020, từ đầu tháng 9 đến nay, có ít nhất 6 tờ báo, tap chí bị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã xử phạt vi phạm hành chính do thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động, và bốn tờ báo bị xử phạt do thông tin sai sự thật.

Tăng thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cho Sở Thông tin và Truyền thông

Nhằm tăng cường công tác quản lý báo chí, chấn chỉnh các hành vi không lành mạnh, bên cạnh Luật Báo chí, vừa qua, ngày 7.10.2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Theo đó, các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản có thể bị phạt hành chính đến tối đa 200 triệu đồng, tước giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động đến tối đa 12 tháng.

Nghị định số 119 còn tăng thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cho Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương. Tại Điều 33 của Nghị định nêu rõ: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra, người được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Như vậy, kể từ ngày Nghị định 119/2020/NĐ-CP có hiệu lực, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông và Trưởng đoàn thanh tra Thông tin và truyền thông cấp Sở không còn bị giới hạn trong phạm vi địa phương và theo ủy quyền như quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều 31 Nghị định 159/2013/NĐ-CP.

Huỳnh Thanh Nam