Thời Sự - Chính trị   Thời Sự - Chính trị

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

Cập nhật ngày: 21/02/2021 - 23:39

BTN - Quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương V của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HÐND năm 2015.

Theo đó, việc giới thiệu người ứng cử ÐBQH được tổ chức qua ba hội nghị hiệp thương, ở trung ương do Ðoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức. Thời gian, nội dung tổ chức như sau:

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất được tổ chức chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử. Nội dung hiệp thương thoả thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại Ðiều 38 của luật này.

Việc giới thiệu người ứng cử ÐBQH được cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri của đơn vị, trên cơ sở hội nghị cử tri nơi công tác, tổ chức hội nghị ban lãnh đạo cơ quan nhận xét về người được giới thiệu.

Biên bản nhận xét về người được giới thiệu ứng cử ÐBQH của 2 hội nghị trên được gửi đến Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước khi hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức theo quy định tại Ðiều 41 của luật này.

Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ÐCTUBTWMTTQVN ngày 15.1.2021 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Ðoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 quy định hội nghị hiệp thương lần thứ nhất được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 3.2.2021 đến ngày 17.2.2021.

Hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử. Nội dung lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ÐBQH và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến cử tri nơi người đó công tác (nếu có). Việc tổ chức lấy ý kiến tổ chức hội nghị cử tri quy định tại Ðiều 45 của luật này.

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba được tổ chức chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử. Nội dung căn cứ vào tiêu chuẩn của ÐBQH, cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ÐBQH đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ hai và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội.

* Quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu HÐND được quy định tại Mục 3 Chương V của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HÐND năm 2015.

Theo đó, hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở mỗi cấp do Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử; nội dung ở cấp tỉnh, cấp huyện thoả thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HÐND của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước cùng cấp và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, các đơn vị hành chính cấp dưới trên địa bàn; ở cấp xã thoả thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HÐND của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước cùng cấp và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, thôn, tổ dân phố trên địa bàn.

Việc giới thiệu ứng cử viên đại biểu HÐND được các cơ quan, đơn vị, chọn lựa và tổ chức lấy ý kiến nhận xét của hội nghị cử tri nơi người đó công tác. Trên cơ sở ý kiến của hội nghị cử tri, ban lãnh đạo tổ chức hội nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Công đoàn... để thảo luận, giới thiệu người của tổ chức mình ứng cử đại biểu HÐND; Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố dự kiến người của thôn, tổ dân phố để giới thiệu ứng cử đại biểu HÐND cấp xã và phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức hội nghị cử tri để thảo luận, giới thiệu người ứng cử đại biểu HÐND cấp xã theo quy định tại Ðiều 52 của luật này.

Theo Ðiều 4 của Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ÐCTUBTWMTTQVN ngày 15.1.2021 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Ðoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở mỗi cấp được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 3.2.2021 đến ngày 17.2.2021 do Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp triệu tập, chủ trì và được thực hiện theo quy định tại Ðiều 50 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HÐND.

Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở mỗi cấp do Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử. Nội dung lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu HÐND, gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người tự ứng cử, người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử và lấy ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có) của người tự ứng cử, người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu HÐND cấp xã. Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo quy định tại Ðiều 54 của luật này.

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở mỗi cấp do Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử. Nội dung căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu HÐND, cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HÐND theo quy định tại Ðiều 56 của luật này.

LG. KIM HƯƠNG