BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn: Thẩm quyền, phạm vi người được lấy phiếu tín nhiệm còn rộng

Cập nhật ngày: 01/11/2012 - 05:27

(BTNO)- Trong chương trình thảo luận ở Tổ đối với Nghị quyết của Quốc hội về "Quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn"; các ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng việc xây dựng quy trình cần bám sát các quan điểm của Đảng về công tác cán bộ và yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4, quy định của Hiến pháp và pháp luật về bỏ phiếu tín nhiệm. Cần được thực hiện một cách dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, chặt chẽ, thận trọng, có cơ sở pháp lý, bảo đảm sự ổn định của bộ máy nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ. Đề cao vai trò, trách nhiệm của ĐBQH, đại biểu HĐND trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; đồng thời, ngăn ngừa việc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để gây khó khăn cho việc thực hiện công tác cán bộ của Đảng.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm- Phó Trưởng đoàn ĐBQH Tây Ninh phát biểu tại buổi thảo luận tổ về Quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn

Qua thảo luận, nhiều ĐBQH rất đồng tình về ý nghĩa, sự cần thiết của việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm; xem đây là bước đột phá nhằm hiện thực hóa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Đảng và một phần trong nội dung sửa đổi lần này. Nhưng đại biểu cũng cho rằng, về thẩm quyền, phạm vi người được lấy phiếu tín nhiệm còn rộng, cần thảo luận kỹ hơn, nên lấy gọn lại và tập trung vào nhóm đối tượng chủ chốt để lấy phiếu tín nhiệm. Về mức độ đánh giá tín nhiệm, cần phân định rõ để có sự đánh giá sâu sát hơn.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm đề nghị không tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên của Hội đồng dân tộc (HĐDT) và các Ủy ban của Quốc hội (UBQH), vì đây là những ĐBQH được phiên chế vào các cơ quan chuyên môn của QH để tham gia các hoạt động của QH; đa số là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm và phải thực hiện việc đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm tại cơ quan công tác (trừ các đại biểu không làm việc trong hệ thống cơ quan nhà nước), và nếu lấy phiếu tín nhiệm thấp thì việc xử lý sẽ như thế nào? bãi miễn tư cách thành viên UBQH hay ĐBQH và có công bằng so với các ĐBQH không là thành viên UBQH không? Đồng thời, sẽ làm tăng khối lượng công việc, tốn kém chi phí, thời gian mà hiệu quả thì không cao... Đại biểu đề nghị việc đánh giá tín nhiệm của nhóm này nên tập trung vào đánh giá thực hiện nhiệm vụ đại biểu dân cử và theo cơ chế khác có sự tham gia của cử tri.

Về thời hạn quy định gửi báo cáo công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm là 20 ngày trước kỳ họp là không hợp lý, theo đại biểu Tâm, đây là thời gian chuẩn bị cho kỳ họp nên các đại biểu ở địa phương không đủ thời gian để đảm bảo việc nghiên cứu, chuẩn bị các nội dung một cách chất lượng, hiệu quả. Cần quy định thời gian gửi báo cáo phù hợp hơn.

 Đại biểu Nguyễn Thành Tâm đề nghị quy định rõ quan điểm, chính kiến là “tín nhiệm” hay “không tín nhiệm”, không nên đưa ra 3 mức trong quy định về các mức độ tín nhiệm.

Đối với quy định những người bị Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình QH bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Tâm đề nghị phải quy định rõ về điều kiện, căn cứ, trình tự, thủ tục để các cơ quan có thẩm quyền đề nghị UBTVQH xem xét trước khi trình QH bỏ phiếu tín nhiệm. Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị quyết cũng chưa xác định rõ thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong việc xem xét, quyết định có trình hay không trình ra QH tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm khi có kiến nghị...

Quang Chi