Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Quyền Chủ tịch nước sẽ thực hiện tất cả mọi nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước theo Hiến pháp và Luật định.
Mới đây, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã có báo cáo gửi Quốc hội về công tác của ngành kiểm sát từ ngày 1-10-2023 đến ngày 31-3-2024.
Đáng chú ý, tại báo cáo này, ông Lê Minh Trí cho hay VKSND Tối cao đã thụ lý 259 hồ sơ/338 bị án tử hình; đã ban hành 258 Quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm. Cơ quan này cũng trình Chủ tịch nước ân giảm hình phạt tử hình đối với 31 bị án, trình Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình đối với 218 bị án.
Hiện nay, bà Võ Thị Ánh Xuân (Phó Chủ tịch nước) đang giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.
Từ vụ việc này, nhiều bạn đọc thắc mắc là khi nào thì có quyền Chủ tịch nước và quyền Chủ tịch nước có quyền hạn gì?
Trao đổi với PLO, ThS Lưu Đức Quang (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM), cho rằng Điều 93 Hiến pháp năm 2013 quy định: Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước. Hoặc trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.
Lúc này, người giữ quyền Chủ tịch nước sẽ được thực hiện tất cả mọi nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước theo Hiến pháp và luật định.
Cũng theo ThS Quang, đối với thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành, Điều 367 BLTTHS năm 2015 quy định trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.
Bản án tử hình được thi hành nếu Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước. Trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.
Do vậy, quyền Chủ tịch nước sẽ xem xét và quyết định chấp nhận hoặc bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của các bị án theo đề nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao. Điều này là đúng thẩm quyền và thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của đất nước ta.
Nguồn PLO