Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quyền con người và nhà nước pháp quyền
Thứ hai: 10:06 ngày 11/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Qua bốn lần sửa đổi, kế thừa và phát huy tinh thần của các Hiến pháp trước, Hiến pháp năm 1992 khẳng định "Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân...

Năm 1946, sau khi giành độc lập, Quốc hội khoá I thông qua bản Hiến pháp đầu tiên gồm 70 điều, trong đó dành 18 điều quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Qua bốn lần sửa đổi, kế thừa và phát huy tinh thần của các Hiến pháp trước, Hiến pháp năm 1992 khẳng định "Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân...". Cũng trong năm 1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 12/CT/TW về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”. Vấn đề quyền con người ở Việt Nam tiếp tục được thể hiện rõ hơn, cụ thể hơn trong bản Hiến pháp năm 2013 và đặc biệt trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Toàn cảnh phiên họp sáng 15.1.2024, kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Con người là trung tâm

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng xác định “con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”. Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Báo cáo Chính trị trong Đại hội Đảng lần XIII xác định đặt nhân tố con người làm trung tâm của mọi hoạt động. Bảo vệ con người là mục tiêu phấn đấu, là động lực bảo đảm sự ổn định chính trị xã hội. Bảo vệ an ninh con người và bảo vệ quyền con người có mối liên hệ mật thiết với nhau. Một trong những quyền cơ bản của con người đó là quyền được sống.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu những nhận thức mới, tư duy mới không chỉ trong bảo vệ an ninh quốc gia, còn trong bảo đảm quyền con người. Xác định “an ninh con người”, bảo vệ “an ninh con người” để cụ thể hoá tư tưởng lập hiến đã nêu trong Hiến pháp 2013 và trở thành các mục tiêu, định hướng phát triển đất nước từ năm 2021 đến 2025, 2030 (100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn đến năm 2045 (100 năm thành lập nước).

Trong Tuyên ngôn độc lập 1945, bằng việc trích Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với đồng bào cả nước và với toàn thế giới: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Khái niệm “hạnh phúc” lặp lại nhiều lần trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

“Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”- Văn kiện Đại hội XIII nêu.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định “tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp”. Quyền con người là những quyền tự nhiên, do đó khoản 1, Điều 14 Hiến pháp năm 2013, hiến định: “Ở nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, đồng thời cũng là văn bản pháp lý quan trọng nhất ghi nhận, thể hiện, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân. Do đó, khi đặt vấn đề bảo vệ Hiến pháp, Đảng và Nhà nước ta cũng đang bảo vệ công cụ pháp lý hữu hiệu nhất trong ghi nhận và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân.

Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng phát huy tinh thần lấy dân làm gốc qua sự chuyển tiếp phát triển tư duy từ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” tới “dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân có quyền được thụ thưởng các giá trị, các thành quả phát triển của đất nuớc. Bổ sung nội dung “dân giám sát, dân thụ hưởng” là điểm nhấn quan trọng trong báo cáo chính trị và Nghị quyết Đại hội XIII. Nhân dân là trên hết, vừa là chủ thể vừa là động lực và mục tiêu của cách mạng.

Đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, quan điểm chỉ đạo của Đảng là tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Văn kiện trình Đại hội XIII xác định: “Hoạt động tư pháp phải bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đấu tranh có hiệu quả với mọi loại tội phạm và vi phạm”. Đây lần đầu tiên nghị quyết đề cập tới nội dung xây dựng nền tư pháp bảo đảm tính liêm chính. Đây là vấn đề rất quan trọng, cơ quan tư pháp là một trong những cơ quan trực tiếp bảo vệ quyền con người, do đó, cán bộ cũng như hoạt động của cơ quan tư pháp phải bảo đảm tính liêm chính.

Bổ sung, phát triển

Năm 1922, trong “Việt Nam yêu cầu ca” (được diễn ca trên cơ sở bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi đến Hội nghị quốc tế vì hoà bình họp ở Vécxây (Versailles) năm 1919”) gồm tám điểm, Nguyễn Ái Quốc viết: “... Bảy xin hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Tư tưởng về “thần linh pháp quyền” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hiểu như nội dung có tính chất khởi đầu cho quan điểm về một nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Tư tưởng đó được Hồ Chí Minh phát triển trên cơ sở chỉ đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tại Đại hội lần thứ VI (1986), Đảng khởi xướng đường lối đổi mới và đã đặt ra những cơ sở quan trọng cho việc đổi mới tư duy, quan điểm về xây dựng nhà nước trong các điều kiện tiến hành cải cách kinh tế. Mặc dù ở giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, khái niệm “nhà nước pháp quyền” chưa được đề cập trong các văn kiện chính thức của Đảng, nhưng những tư tưởng, nội dung của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay chịu sự chi phối bởi những kết quả cụ thể của công cuộc đổi mới đất nước trong giai đoạn này.

Nhận thức về nhà nước pháp quyền đã thể hiện một bước phát triển mới tại Đại hội VII (1991) của Đảng. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) có nêu một số nguyên tắc để xây dựng nhà nước. Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân, quyền con người, quyền đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm. Nhà nước phải có đủ quyền lực, đủ khả năng định ra luật pháp và tổ chức, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật.

Đại hội IX của Đảng (năm 2001) đánh dấu bước phát triển mới, toàn diện hơn trong quan điểm về xây dựng nhà nước pháp quyền của Đảng. Văn kiện Đại hội IX khẳng định “Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật”. Như vậy, đến Đại hội IX, nhận thức về nhà nước pháp quyền của Đảng phát triển lên một tầm cao mới có tính đột phá về tư duy lý luận, phù hợp với thực tiễn đất nước.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (2006), Đảng khẳng định: “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN. Cần xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.

Tại thời điểm này, Đảng đánh giá, một trong những bài học lớn qua 20 năm đổi mới là “Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là yêu cầu bức thiết của xã hội”. Đến Đại hội thứ XI (2011), trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (được bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng xác định nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là một trong tám đặc trưng của xã hội XHCN.

Việt Đông

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục