Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quyền con người và quyền dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2.9.1945
Thứ ba: 10:08 ngày 02/09/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh dõng dạc khẳng định: Dân tộc Việt Nam được quyền tự quyết, trước hết là quyền làm chủ đối với vận mệnh của dân tộc mình, quyền tự quyết định, lựa chọn chế độ chính trị - xã hội và con đường phát triển của dân tộc mình mà không một dân tộc nào khác có quyền can thiệp.

Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập. Ảnh: tư liệu

Khái niệm về quyền con người lần đầu tiên được đề cập đến một cách chính thức và cụ thể nhất là trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2.9.1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, những nội dung cơ bản của quyền con người như yêu thương con người, khoan dung, nhân đạo đã là một phần trong các giá trị truyền thống từ hàng ngàn năm nay của dân tộc Việt Nam. Đó là cách ứng xử: Thương người như thể thương thân, Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Đó là tư tưởng dựa vào dân và chính sách khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc của Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đó là tư tưởng Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo của Nguyễn Trãi. Đó là những quy định bảo vệ lợi ích của phụ nữ, trẻ em... trong Bộ luật Hồng Đức thời Lê Thánh Tông thế kỷ 15…

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược và từng bước thiết lập bộ máy thống trị ở Việt Nam, biến nước ta từ một quốc gia phong kiến thành thuộc địa nửa phong kiến. Trải qua hơn 80 năm bị thực dân, phong kiến đô hộ, nền độc lập của dân tộc ta bị xâm phạm, tất cả mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân, của dân tộc đều bị tước đoạt. Trong Bản án chế độ thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn lời của một quan chức Pháp, ông Vinhê Đốctông: Pháp luật, công lý đối với người bản xứ ư? Thôi đi! Chỉ có ba toong, súng ngắn, súng dài mới là những thứ xứng đáng với lũ dòi bọ ấy. Thực dân Pháp chỉ cho người Việt Nam duy nhất một quyền, đó là quyền đóng thuế cho mẫu quốc Pháp. Thực dân Pháp đã thi hành những luật pháp dã man, Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược. Dưới chế độ thực dân, cứ 1.000 làng thì có đến 1.500 đại lý bán lẻ rượu và thuốc phiện. Nhưng cũng trong số 1.000 làng đó lại chỉ vẻn vẹn 10 trường học. Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tuỷ. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng. Không những vậy, tháng 9.1945 khi phát xít Nhật vào Đông Dương, thực dân Pháp đã bán nước ta cho Nhật. Nhân dân ta lại bị thêm một tầng áp bức, bóc lột, phải sống trong cảnh một cổ hai tròng. Trong khi nhân dân thiếu gạo ăn, chúng lại dùng gạo nấu rượu cồn thay cho xăng, đốt thóc thành than để chạy tàu hoả và các nhà máy điện. Hậu quả là, năm 1944-1945, hai triệu đồng bào ta đã bị chết đói: Đói ở Bắc Giang, đói về Hà Nội/ Đói ở Thái Bình, đói tới Gia Lâm/ Trên đường đi những xác chết âm thầm/ Họ đã đói nhao lên vì đói... Những thây ma thất thểu ngoài đường/ Rồi ngã gục không đứng lên vì đói (Bàng Bá Lân). Trong bối cảnh đó, quyền con người đối với nhân dân Việt Nam trở thành một điều xa xỉ và không tưởng. 

Vì lẽ sinh tồn, toàn dân tộc Việt Nam phải đứng lên đấu tranh để giành lại quyền sống, quyền tự do độc lập, quyền làm người từ tay bọn đế quốc. Bằng cuộc Tổng khởi nghĩa long trời lở đất mùa thu năm 1945, nhân dân ta đã xoá bỏ ách thống trị của thực dân đế quốc, giành lại độc lập cho dân tộc, chính quyền về tay nhân dân, người dân từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ xã hội, làm chủ vận mệnh mình.

Tuyên ngôn Độc lập có ý nghĩa như giấy khai sinh của một quốc gia, là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con Việt Nam anh dũng đã ngã xuống. Mở đầu bản Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Người còn trích Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1791 của cách mạng Pháp: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa hơn khi Người suy rộng ra rằng: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Một dân tộc còn bị áp bức, bị nước khác thống trị, nhân dân còn phải sống trong nô lệ và bị bóc lột thì dân tộc đó không thể có quyền con người, dân tộc đó cũng không thể có bình đẳng, tự do. Làm cách mạng là để giành độc lập cho Tổ quốc, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước được độc lập, nhân dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Độc lập được 20 ngày, thực dân Pháp quay lại định tước đoạt ba quyền ấy. Dân tộc ta phải đứng lên và 9 năm sau, chiều ngày 7.5.1954 mới có: Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng (Tố Hữu).

Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh dõng dạc khẳng định: Dân tộc Việt Nam được quyền tự quyết, trước hết là quyền làm chủ đối với vận mệnh của dân tộc mình, quyền tự quyết định, lựa chọn chế độ chính trị - xã hội và con đường phát triển của dân tộc mình mà không một dân tộc nào khác có quyền can thiệp. Thay mặt cho quốc dân, đồng bào, Người trịnh trọng tuyên bố: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy. Lời khẳng định thật đanh thép, thể hiện rõ quyết tâm của cả dân tộc sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, mất mát để bảo vệ thành quả quý giá nhất, lớn lao nhất vừa giành được.

Ở Việt Nam, quyền con người lần đầu tiên được đưa vào Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và tiếp tục được khẳng định trong Cương lĩnh năm 2011. Đồng thời, quyền con người cũng đã được quy định tại Điều 50, Hiến pháp 1992. Hiến pháp năm 2013 đã dành hẳn 1 chương (chương II) để quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều 14 Chương II, Hiến pháp 2013 khẳng định: Ở nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng.

Những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hoá, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng… đã được khẳng định và được cộng đồng quốc tế công nhận. Việc Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ và bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân.

Việc bảo vệ và thực hiện quyền con người không thể tách rời việc bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Nước Việt Nam là của người Việt Nam. Mọi vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam phải do người Việt Nam tự giải quyết. Việt Nam kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, chung sống hoà bình, hữu nghị với tất cả các dân tộc trên thế giới trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Việt Nam đã, đang và sẽ cùng các nước trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì một thế giới hoà bình, an ninh, hiểu biết lẫn nhau và tôn trọng các chuẩn mực quốc tế về quyền con người.

Ngày nay, giá trị của Tuyên ngôn độc lập vẫn còn nguyên ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước. Sự thống nhất biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc là nền tảng soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên một tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Võ Hoàng Khải

(Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ)

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục