BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quyền lực nhà nước là thống nhất 

Cập nhật ngày: 31/07/2023 - 09:45

Việc nắm giữ, tổ chức và sử dụng quyền lực nhà nước có hiệu quả sẽ là điều kiện để mang lại hạnh phúc và nhiều lợi ích nhất cho nhân dân, cho đất nước

Đặc trưng cơ bản, chung nhất của nhà nước pháp quyền là quyền lực nhà nước phải thống nhất. Nhưng trong từng nước, khi giải quyết các vấn đề tổ chức quyền lực của nhà nước cũng đều xuất phát từ đặc điểm thực tiễn riêng của mỗi nhà nước khác nhau.

Áp dụng linh hoạt

Ở một số nhà nước, do xuất phát từ thể chế chính trị, đặc điểm lịch sử hình thành… nên có tổ chức nhà nước theo nguyên tắc "tam quyền phân lập" - tức là phân lập các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp với những hình thức và mức độ khác nhau.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì họp Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.Ảnh: TTXVN

Về bản chất, theo khoa học chính trị học, đây thực chất là sự phân chia quyền lực giữa các đảng phái. Tuy vậy, trên thực tế, chưa có nước tư bản nào thực hiện đúng nguyên tắc tam quyền phân lập, mà đều áp dụng linh hoạt để phù hợp với tình hình của từng nước.

Ở nước ta, khi thảo luận vấn đề cải cách tổ chức và hoạt động của nhà nước, cũng có ý kiến cho rằng cần phải xây dựng nhà nước pháp quyền trên cơ sở nguyên tắc tam quyền phân lập dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, Đại hội IX của Đảng đã dứt khoát khẳng định: "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp". Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH tiếp tục nêu rõ: "Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp".

Như vậy, điểm khác nhau cơ bản trong tổ chức quyền lực của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam với các nước tư sản là: Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam không tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân lập mà tổ chức quyền lực theo nguyên tắc "quyền lực nhà nước là thống nhất"; không thể "phân quyền" theo lối phân chia, cắt khúc, đối chọi lẫn nhau giữa các quyền, mà chỉ có sự phân công trên cơ sở thống nhất và tập trung quyền lực cao nhất ở Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Mô hình xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền ở nước ta chưa khi nào và không bao giờ bị coi là bản sao mô hình bộ máy nhà nước pháp quyền giống như quốc gia nào đó. Các nhà tư tưởng chính trị - pháp lý, như Aristote (Hy Lạp), từng chỉ ra rằng cần phải làm ra các đạo luật để áp dụng vào điều kiện cụ thể của từng quốc gia chứ không thể đem các quốc gia vào cho phù hợp với pháp luật đã có sẵn.

Trong tác phẩm "Tinh thần của pháp luận", nhà triết học Montesquieu (Pháp) cũng nhắc đến yêu cầu "lấy tinh thần của luật", từ "tinh thần của nhân dân": "Các đạo luật phải nằm trong mối liên hệ chặt chẽ với các đặc điểm của dân tộc mà vì dân tộc đó mới cần làm ra những đạo luật này. Và chỉ trong những trường hợp rất đặc biệt, luật của dân tộc này mới có thể thích ứng được với dân tộc khác".

Nhà triết học Hegel (Đức) cũng có quan điểm tương tự. Ông viết: "Mỗi dân tộc có chế độ nhà nước của mình; chế độ nhà nước Anh Quốc là của người Anh, nếu như người ta tự dưng muốn chuyển cho người Phổ thì điều đó cũng cực kỳ vô lý như là quyết định chuyển nhà nước Phổ cho người Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi chế độ nhà nước chỉ là sản phẩm, là sự thể hiện tinh thần riêng của một dân tộc và của trình độ phát triển ý thức dân tộc của họ mà thôi. Sự phát triển đó đòi hỏi một sự vận động liên tục và nhiều bước, trong đó không bước nào có thể bị bỏ qua".

Nguồn NLDO