Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Những người bạn xứ Ðài, lớn tuổi có, nhỏ tuổi có, trí thức có, tài xế có… ai cũng nhiệt tình vui vẻ chỉ đường, dẫn lối. Thậm chí họ sẵn sàng dời chuyến đi của họ lại để đưa chúng tôi đến nơi cần đến một cách vui vẻ.
Ðạp xe bên hồ Nhật Nguyệt.
Thật lòng mà nói, cảnh vật Ðài Loan khá đẹp, hiện đại có toà tháp 101 tầng, lãng mạn, mỹ lệ có A Lý Sơn, thâm nghiêm tôn kính có Phật Quang Sơn tự, độc đáo có Cố Cung - Bảo tàng hoàng cung quốc gia… nhưng không thể đẹp bằng Việt Nam, đó không phải là nhận xét cá nhân. Ngay tại Tây Ninh cũng có nhiều phong cảnh đẹp “ăn đứt” Ðài Loan nếu biết đầu tư.
Chẳng hạn như hồ Nhật Nguyệt ở Ðài Trung, cũng chỉ là đầm nước rộng mênh mông kết hợp đồi núi, bao quanh đầm là con đường dành cho xe đạp lót ván khá lãng mạn. Chiều chiều, du khách, hoặc người dân quanh vùng đạp xe quanh hồ, thi thoảng dừng lại chụp vài tấm ảnh hoặc thưởng thức vẻ đẹp trữ tình của hồ… Dĩ nhiên còn hệ thống các di tích chùa chiền khác nữa. Nhưng, nếu núi Bà, Ma Thiên Lãnh, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát được đầu tư thì chắc chắn sẽ đẹp hơn nhiều. Tuy nhiên, cảnh không đẹp mà sao hằng năm du khách cứ nườm nượp kéo đến Ðài Loan?
8 ngày “phượt” trên hòn đảo này, tôi cảm nhận được xứ Ðài còn nhiều thứ hấp dẫn hơn, đó là sự văn minh, đó là văn hoá ứng xử, cái mà chúng tôi nhận định: Ở Ðài Loan, mỗi người dân đều là đại sứ du lịch. Hệ thống giao thông tuyệt vời: tàu điện ngầm, tàu cao tốc, tàu hoả, xe bus, taxi… cực kỳ thuận tiện, muốn đi đâu chỉ cần nhìn bản đồ và bước lên xe. Chưa kể tuyến xe bus mui trần đưa khách đến từng điểm tham quan.
Vé tất cả các loại xe đều có thể đặt online, thanh toán bằng Easy card vô cùng tiện lợi. Cả ngày trên đường phố, hết bus đến taxi, không nghe một tiếng còi xe, cứ tuyến ai nấy chạy, không giành đường lấn lối thì còi xe làm gì. Ðiều khiến chúng tôi ngưỡng mộ nữa là sự sạch sẽ. Ðừng nói đường sá không một cọng rác mà ngay cả trạm xe lửa cũng sạch sẽ, không một mùi hôi khó chịu.
Ðiều tuyệt vời hơn cả là cách ứng xử của người Ðài Loan ở những nơi chúng tôi đi qua. Ðoàn chúng tôi lần đầu đi phượt đến hòn đảo, chưa từng tự mình tiếp cận tàu điện ngầm, tàu cao tốc… nên gặp không ít khó khăn, đi tới đâu phải hỏi đường tới đó. Hỏi xong vẫn không biết đường đi (!?). Những người bạn xứ Ðài, lớn tuổi có, nhỏ tuổi có, trí thức có, tài xế có… ai cũng nhiệt tình vui vẻ chỉ đường, dẫn lối. Thậm chí họ sẵn sàng dời chuyến đi của họ lại để đưa chúng tôi đến nơi cần đến một cách vui vẻ.
Vài ngày trên xứ Ðài, sự thân thiện của người dân khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp, và muốn quay lại - không chỉ để tìm hiểu phong cảnh mà vì văn hoá ứng xử của người dân nơi đây. Ðiều mà chúng ta cần học hỏi, nỗ lực học hỏi nếu muốn phát triển du lịch.
Lại kể thêm một chuyện không vui, trên đường về Tây Ninh, ghé một quán bánh canh khá nổi tiếng ở Trảng Bàng. Quán đông khách, thấy mừng cho chủ, nhưng dưới nền nhà la liệt khăn ăn, xương xẩu, rau rác… nhìn bẩn thỉu, mất vệ sinh. Mới góp ý với bà chủ xởi lởi: Mai mốt mình để cái giỏ đựng rác dưới chân bàn cho khách bỏ rác nghen cô.
Bà cười phào: Ôi trời, thôi, không ai bỏ đâu, họ thích vụt ra ngoài hà. Kệ họ! Nhưng còn những người muốn bỏ rác vào đúng nơi đúng chỗ thì sao, không có giỏ đựng rác thì muốn bỏ vào đâu? Thuyết phục mãi, nào là cố gắng giữ vệ sinh để du khách họ đến ăn nhiều hơn thế này thế kia vẫn không xong, sau phải dùng đến câu: Thôi mai mốt không ghé đây nữa đâu, bà chủ mới “Ừ, để mai mốt mua giỏ đựng rác”, nhưng xem chừng chỉ là lời đãi bôi. Người làm trong quán vừa phục vụ khách ăn, vừa cầm chổi quét rác, cảm giác y như muốn… quét khách ra ngoài!
Tây Ninh mình đang đẩy mạnh kinh tế du lịch, mà muốn làm du lịch đòi hỏi sự tham gia của cả cộng đồng. Nhưng thay đổi một thói quen nhỏ là bỏ rác vào giỏ cũng đã khó, mới thấy con đường phía trước gian nan thế nào.
Gian nan, nhưng vẫn phải làm!
Lê Duy