Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Quyết định lịch sử đưa Chiến dịch Điện Biên Phủ đến toàn thắng
Thứ ba: 11:15 ngày 29/04/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Khi Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ xây dựng thành tập đoàn cứ điểm, Bộ Chính trị quyết tâm: “Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo bước ngoặt mới trong chiến tranh”; cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch.

Ngày 12-1-1954, tại Thẩm Púa, Bí thư Đảng ủy hội ý phương án tác chiến. Các đảng ủy viên đề nghị tranh thủ đánh ngay lúc địch chưa tăng thêm quân và chưa củng cố công sự; có khả năng giành thắng lợi trong 2 ngày 3 đêm; nếu chiến dịch kéo dài sẽ không giải quyết được vấn đề bảo đảm hậu cần.

Bí thư Đảng ủy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng không thể “đánh nhanh” được, nhưng chưa đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án này, nên vẫn triệu tập hội nghị cán bộ vào ngày 14/1 để phổ biến và giao nhiệm vụ. Thời gian chiến dịch dự kiến 3 đêm 2 ngày, nổ súng vào 17 giờ ngày 20/1.

Kiểm tra đôn đốc làm đường, kéo pháo, tìm hiểu địch… đến ngày 19, pháo ta vẫn chưa vào được vị trí nên Chỉ huy trưởng hoãn nổ súng đến ngày 25/1.

Tiếp đó, Cục Quân báo cho biết, địch đã tăng lên 11 tiểu đoàn và tiếp tục tăng thêm; Đại đoàn 312 báo cáo hướng tiến công của mình phải đột phá liên tục 3 phòng tuyến mới vào được trung tâm; Cục phó Cục Bảo vệ, phái viên theo dõi kéo pháo báo cáo, pháo ta bố trí trên trận địa dã chiến, địa hình rất trống trải, một số pháo vẫn chưa vào vị trí.

Ta có 3 khó khăn lớn là trình độ đánh công kiên còn thấp, chủ lực mới tiêu diệt cao nhất là 1 tiểu đoàn địch tăng cường có công sự vững chắc; chưa có kinh nghiệm chiến đấu hiệp đồng quy mô lớn, lại chưa qua diễn tập; bộ đội mới quen tác chiến đêm ở địa hình rừng núi, chưa quen chiến đấu ban ngày, nay phải chiến đấu liên tục trong 3 đêm 2 ngày với kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo và xe tăng, trên địa hình trống trải, thì khó tránh khỏi thương vong.

Ngày 24/1, một chiến sĩ ta bị địch bắt, biết địch nắm được thời gian nổ súng, Chỉ huy trưởng lại quyết định hoãn giờ nổ súng thêm 24 tiếng, nghĩa là 17 giờ ngày 26/1.

ANH-TR3.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy bàn, quyết định phương án tác chiến Chiến dịch Đông – Xuân 1953 – 1954. Ảnh tư liệu.

Mỗi ngày đi qua, Tổng Tư lệnh càng khẳng định không thể “đánh nhanh” được. Nhớ lời Bác dặn trước khi lên đường và Nghị quyết của Trung ương đầu năm 1953: “chiến trường ta hẹp, người ta không nhiều, cho nên chỉ được thắng, không được bại, vì bại thì hết vốn”.

Đêm 25, Chỉ huy trưởng không sao chợp mắt, y sĩ Thuỳ phải buộc lên trán ông một nắm ngải cứu cho đỡ, chỉ mong trời chóng sáng để họp Đảng uỷ.

Trình bày những suy nghĩ từ lâu về cách đánh tập đoàn cứ điểm, về 3 khó khăn lớn của ta, những thay đổi quan trọng về địch, Bí thư Đảng ủy đề nghị, vẫn giữ nguyên quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ nhưng phải thay đổi cách đánh.

Chủ nhiệm chính trị Lê Liêm phát biểu: “Công tác chính trị đã động viên bộ đội, anh em rất tin tưởng, quyết tâm chiến đấu rất cao, bây giờ thay đổi thì giải thích thế nào?”.

Chủ nhiệm cung cấp Đặng Kim Giang tiếp: “Hậu cần chuẩn bị tới bây giờ đã khó khăn, nếu không đánh ngay, sau này càng không đánh được, gạo không đưa lên được, bộ đội đói thì sức đâu mà đánh?”.

Bí thư Đảng uỷ nhấn mạnh: “Tinh thần bộ đội rất quan trọng, nhưng quyết tâm phải có cơ sở, hậu cần là điều kiện tiên quyết nhưng để giành thắng lợi quyết định cuối cùng là phải có cách đánh đúng”.

Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái cho rằng: “Lần này ta có ưu thế binh lực, hỏa lực; có lựu pháo, pháo cao xạ, kiềm chế pháo binh, không quân địch, bộ đội ta đã qua huấn luyện nếu đánh vẫn có thể thắng”.

Bí thư Đảng ủy phân tích: “Tình hình khẩn trương, cần sớm có quyết định. Vô luận tình hình nào, chúng ta cũng phải nắm vững nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”.

Trước khi tôi lên đường, Bác dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, trước sinh mạng của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi: Nếu đánh có chắc thắng một trăm phần trăm không?”.

Bí thư Đảng uỷ kết luận: “Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm diệt địch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Nay quyết định hoãn cuộc tấn công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới”.

Sau cuộc họp, Đại tướng viết thư hỏa tốc báo cáo Bác và Bộ Chính trị. Ít ngày sau nhận được thư trả lời của Tổng Bí thư Trường Chinh, Bộ Chính trị và Bác Hồ nhất trí phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” của Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy chiến dịch.

Pít-tơ Mắc Đô-nan, một vị tướng kiêm sử gia người Anh cho rằng: Trong cuộc đời cầm quân của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có rất nhiều quyết định quan trọng, đưa ông vào hàng “những người hiếm hoi làm chuyển dịch dòng chảy của lịch sử”, nhưng sự thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là một thay đổi đưa đến chiến thắng tuyệt đối trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được coi là một quyết định to lớn và “khó khăn” nhất cuộc đời ông.

Còn theo Đại tướng Lê Trọng Tấn: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó, thì phần lớn chúng tôi không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ”.

Trung tướng Phạm Hồng Cư  cho rằng: Tất cả các cựu chiến binh ngày nay đều đồng tình với ý kiến của Đại tướng Lê Trọng Tấn và đây là câu chuyện không bao giờ cũ về Điện Biên Phủ.

Theo phương châm tác chiến mới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tập trung mọi cố gắng, nỗ lực phi thường cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng

 Theo Nguyễn Thành Hữu (Người Cao Tuổi)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục