Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quyết liệt phòng, chống cháy rừng
Thứ hai: 15:16 ngày 15/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mùa khô năm nay kéo dài, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) được triển khai xuyên suốt, quyết liệt, sẵn sàng ứng phó kịp thời khi sự cố cháy rừng xảy ra.

Chi cục Kiểm lâm vùng III và BQL VQG khảo sát rừng tại khu vực thuộc Đội Quản lý, bảo vệ rừng Xa Mát.

Không thể lơ là

Tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (VQG), lực lượng bảo vệ rừng luôn túc trực tại các “điểm nóng” có nguy cơ dễ cháy; thường xuyên tuần tra trên các tuyến đường có người dân tham gia giao thông, giám sát việc hút thuốc lá và vứt tàn thuốc bừa bãi. Các phương tiện, công cụ phục vụ PCCCR được chuẩn bị kỹ càng, sẵn sàng sử dụng khi có tình huống khẩn cấp. Nhìn chung, mọi hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng đều được thực hiện nghiêm túc theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Hôm 9.4, Chi cục Kiểm lâm vùng III thuộc Cục Kiểm lâm- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc và khảo sát thực tế tình hình PCCCR tại VQG. Ông Lê Huy Hiệp- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng III xác định VQG là một trong các khu vực trọng điểm, có nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng nên cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Ông Hiệp đánh giá cao công tác PCCCR tại đây và lưu ý hiện nay lớp thực bì trong rừng rất khô, dày, dễ bắt lửa, VQG cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền trong nhân dân.

Ông Nguyễn Minh Cường- Phó Giám đốc BQL VQG cho biết, công tác PCCCR năm nay phát sinh nhiều khó khăn do mùa khô kéo dài. Thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng khô hanh làm cho các trảng cỏ ven rừng, lớp thực bì trong rừng khô giòn, dễ cháy, nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Về mặt khách quan, địa bàn VQG rộng, tiếp giáp khu vực biên giới và 6 xã dân cư vùng đệm. Một số diện tích rừng trồng, bàu, trảng cỏ xen với rừng tự nhiên nên khó kiểm soát người và phương tiện vào rừng, khi xảy ra cháy dễ gây cháy lan vào rừng tự nhiên.

Về mặt chủ quan, một số người dân chưa có ý thức cao trong việc PCCCR; vẫn còn tình trạng đốt rác ven rừng, đốt trảng để tái tạo nguồn cỏ non làm thức ăn cho gia súc; xử lý thực bì rừng trồng chưa bảo đảm an toàn; hút và vứt tàn thuốc bừa bãi, dùng lửa để bắt ong trong rừng, không loại trừ các trường hợp cố ý đốt rừng do có mâu thuẫn với chủ rừng trong việc bị xử lý các vi phạm liên quan đến Luật Lâm nghiệp...

Ông Cường cho biết thêm, việc xử lý nghiêm một số trường hợp vi phạm mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, trong thời điểm này, BQL VQG chú trọng việc phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các xã vùng đệm, đồn biên phòng trú đóng trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân và du khách đến tham quan VQG cùng PCCCR; sẵn sàng khi cần huy động lực lượng ứng phó nếu có cháy xảy ra.

Ngay từ đầu mùa khô, BQL VQG dự đoán tình hình sẽ khó khăn nên đã sớm xây dựng phương án PCCCR, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, với phương châm phòng là chính, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để cháy lan, cháy lớn. Đến nay, VQG đã thực hiện đạt hầu hết các nội dung trong phương án đề ra, thường xuyên quán triệt nhiệm vụ PCCCR.

VQG đã tổ chức phát dọn thực bì, cắt tạo các băng trắng cản lửa để giảm nguy cơ cháy lan, cháy lớn, cháy từ bên ngoài vào rừng. Khối lượng thực hiện khoảng 67 ha, với 55 băng. Phương tiện, công cụ chữa cháy được bố trí ưu tiên tại những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy, bảo đảm nguồn nước phục vụ chữa cháy.

Lực lượng tại chỗ thường xuyên tự kiểm tra, bảo dưỡng trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy bảo đảm sẵn sàng hoạt động khi có tình huống phát sinh, không bị động, lúng túng. Đối với một số khu vực có nguy cơ cháy cao, BQL tổ chức cho đốt chủ động có kiểm soát để giảm vật liệu cháy. Về rừng trồng, BQL yêu cầu người có hợp đồng nhận khoán thực hiện nghiêm các công đoạn phòng cháy theo đúng thời gian, quy trình kỹ thuật, bảo đảm không để cháy lan.

BQL VQG đề nghị UBND tỉnh tiếp tục có sự ưu tiên về nguồn lực cho các chủ rừng để thực hiện nhiệm vụ PCCCR, như trang bị thêm phương tiện, thiết bị phục vụ cho việc phòng và chống cháy, có chế độ, chính sách cho lực lượng bảo vệ rừng nói chung, PCCCR nói riêng… để lực lượng bảo vệ rừng an tâm công tác, tích cực bám rừng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ông Lê Huy Hiệp (bìa trái) kiểm tra thực bì tại VQG.

Căng mắt giữ rừng phòng hộ

Rừng phòng hộ Dầu Tiếng cũng là một trong số các khu vực trọng điểm có nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng, với tổng diện tích cần phải thực hiện công tác PCCCR trong mùa khô năm nay là hơn 24 ngàn héc-ta (trong đó, rừng trồng 7.123 ha; rừng tự nhiên 17.160,48 ha).

Địa giới hành chính nằm trên địa bàn 5 xã: Tân Hoà, Suối Ngô, Suối Dây, Tân Thành thuộc huyện Tân Châu và xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu. Địa bàn quản lý rộng, địa hình chia cắt, nhiều khu dân cư sống ven rừng, gần rừng nên các hoạt động tác động tiêu cực vào rừng là rất lớn. Thực trạng này cùng với thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay đã gây ra áp lực không nhỏ cho Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (BQL RPH).

Xác định con người là nhân tố quan trọng nhất trong công tác PCCCR, BQL thành lập Tổ phòng cháy và chữa cháy rừng mùa khô 2023-2024, với 16 Tổ trực PCCCR tại cơ sở; triển khai hướng dẫn các thành viên trong lực lượng thực tập, diễn tập phương án cụ thể để chủ động, sẵn sàng khi có sự cố cháy xảy ra.

BQL RPH còn phối hợp Đội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an huyện Tân Châu tổ chức mở lớp huấn luyện nghiệp vụ, lập hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho viên chức, hợp đồng và người lao động với tổng số 91 người.

Ông Phạm Chí Trung- Giám đốc BQL RPH cho biết, đơn vị đã hợp đồng với 60 người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Thế nhưng, mùa khô năm nay kéo dài, phát sinh nhiều khối lượng công việc nên BQL phải thuê thêm 3 lao động để bổ sung vào các vùng trọng điểm. Các vùng này được xác định nằm tập trung ở địa bàn xã Suối Ngô, Tân Hoà (chủ yếu tại địa bàn ấp Con Trăn). Tại các “điểm nóng”, ưu tiên bố trí nước để kịp thời ứng phó khi có cháy rừng. Cụ thể, BQL mua sắm thiết bị, bồn chữa cháy 500 lít, 2.000 lít đặt tại các khu vực nguồn nước bị hạn chế; đồng thời có phương án phối hợp nguồn nước từ các đơn vị, doanh nghiệp gần đó.

Mùa khô năm 2023-2024, khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng được bố trí lắp đặt và đưa vào sử dụng 2 hệ thống camera giám sát từ xa, đặt trên 2 tháp canh lửa tại địa bàn rừng thuộc ấp Con Trăn và ấp Suối Bà Chiêm. Việc lắp đặt camera quan sát lửa rừng từ trên cao mang lại hiệu quả rất tốt, kịp thời phát hiện các điểm cháy và sớm dập lửa khi mới phát sinh. BQL cử người trực 24/24 đối với 2 hệ thống camera này. Có thể nói, lực lượng bảo vệ rừng tại đây luôn trong tâm thế “căng mắt” giữ rừng phòng hộ.

Ông Võ Văn Trí- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cho biết, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại 4,4 ha, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 3 vụ, diện tích tăng 1,4 ha.

Từ thực tế đó, trong công tác PCCCR cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng đến người dân, cũng như cần có những biện pháp chế tài đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm.

Theo ông Phạm Chí Trung- Giám đốc Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, nguyên nhân cháy rừng trên địa bàn có yếu tố chủ quan từ phía người dân. Thực tế, nhiều người dân thường xuyên ra vào rừng để bắt cá, nướng cá, hun khói bắt ong, hút và vứt tàn thuốc lá... Thậm chí, có trường hợp chủ hợp đồng nhận khoán trồng rừng đã xử lý thực bì chưa đúng cách gây cháy lan. Ngoài ra, không loại trừ trường hợp một số đối tượng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp sau khi bị xử lý cố tình đốt phá hoại.

Quốc Sơn

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục